Giáo dục kỹ năng sống qua mô hình 'cùng con đọc sách'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Đằng sau thành công của con là bóng dáng của bố mẹ” là mô hình đọc sách được Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đọc sách trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đọc sách trong giờ ra chơi.

Mô hình được thực hiện với mục đích phát triển văn hóa đọc và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Tránh xa tivi, điện thoại

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vừa đưa vào hoạt động mô hình đọc sách với tên gọi “Đằng sau thành công của con là bóng dáng của bố mẹ”. Mô hình khởi nguồn từ việc UBND quận Sơn Trà xây dựng 2 đề án, gồm phát triển văn hóa đọc và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn.

Cô Võ Thị Mỹ Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh cho hay, các em học sinh sẽ tự chọn lựa chọn một câu chuyện, một bài thơ... phù hợp với lứa tuổi của mình. Sau đó đọc, bố mẹ sẽ tự video trong suốt quá trình con mình đọc sách và đăng lên group do nhà trường lập ra.

“Bắt đầu từ tháng 9/2023, đến nay mô hình đã thu hút được 482 phụ huynh và học sinh cùng tham gia, hình thành cho các em học sinh thói quen đọc sách hằng ngày. Từ khi phát động mô hình các em đến thư viện đọc sách nhiều hơn, ngoài những giờ học trên lớp, trong giờ nghỉ giải lao các em học sinh còn rủ nhau rèn luyện kỹ năng đọc và khám phá cuộc sống qua những tủ sách thư viện ở trường”, cô Thu chia sẻ.

Em Kiều Nguyễn Bảo Quyên (lớp 2/4) đã đăng được 1600 bài.

Em Kiều Nguyễn Bảo Quyên (lớp 2/4) đã đăng được 1600 bài.

Theo cô Thu, không chỉ là nâng cao tinh thần văn hoá đọc cho học sinh mà còn giúp các em có thể tự tin trước ống kính và cũng rèn luyện được kỹ năng sống. Vì vậy, việc tạo cho học sinh thói quen đọc hàng ngày được nhà trường chú trọng. Trong khi đó, phụ huynh cũng được khuyến khích đồng hành cùng con đọc sách tại nhà thông qua việc trình bày ý kiến, chia sẻ về những tiến bộ của con.

“Điều đáng mừng là ban đầu nhà trường đặt ra yêu cầu mỗi tuần mỗi em học sinh sẽ đăng 2 video đọc sách lên nhóm, đến nay có rất nhiều em đăng hàng đêm với số lượng bài đăng rất nhiều. Có em lên đến 1.600 bài đăng trong vòng chưa đầy 6 tháng. Đứng sau thành công đó chính là phụ huynh của các em, bởi có sự đồng hành của phụ huynh, giờ đây các em đã tránh xa những thiết bị điện thoại, tivi vào những lúc rảnh rỗi, thay vào đó các em tập trung vào những cuốn sách mà mình lựa chọn để đọc” cô Thu nói.

Các em học sinh đam mê đọc sách.

Các em học sinh đam mê đọc sách.

Khơi dậy đam mê đọc sách

Chỉ mới thử nghiệm trong khoảng 6 tháng, nhưng đã có hàng trăm em học sinh tích cực đọc sách và quay video chia sẻ lên nhóm. Những bài đọc của các em được giáo viên kiểm duyệt trước khi đăng, kèm lời động viên khuyến khích. Hằng tháng và sau mỗi học kỳ những bạn gửi bài đọc lên nhóm nhiều nhất sẽ được nhà trường tuyên dương, tặng quà động viên như sách hay biểu trưng.

Ngoài ra, mô hình này còn giúp cho các em đọc yếu, đọc chậm rèn luyện kỹ năng đọc. Nhiều phụ huynh còn chia sẻ rằng khi các em đi chơi ở đâu cũng sẽ về đúng giờ để đọc, quay phim gửi bài cho cô.

Đối với giáo viên, việc theo dõi quá trình đọc của học sinh luôn diễn ra liên tục để có những hỗ trợ. Một số em học sinh đọc chưa tốt, đọc chậm, ngại đăng bài lên nhóm, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ riêng, rèn luyện kỹ năng đọc, tạo điều kiện cho trẻ tìm tòi sâu hơn, từ đó phát triển các kỹ năng liên quan như viết, đọc diễn cảm, kể chuyện,...

Em Kiều Nguyễn Bảo Quyên, học sinh lớp 2/4 cho biết, đọc sách cho em rất nhiều kiến thức, giúp em không viết sai chính tả cũng như viết văn hay hơn. “Ở trường vào giờ ra chơi em luôn đến thư viện để đọc sách, về nhà em tự đọc sách và quay video đăng lên nhóm của trường. Kỹ năng đọc sách của em thành thạo hơn, các cô luôn cổ vũ và động viên em đọc sách”, em Quyên nói.

Từ một học sinh rụt rè, em Trương Mỹ Thiên, học sinh lớp 2/2 dần trở nên nhanh nhẹn. Bởi từ lúc tham gia mô hình, tối nào em cũng dành thời gian 3 tiếng đồng hồ để đọc và gửi lên nhóm. Giờ đây, kỹ năng đọc của Thiên trở nên thành thạo hơn. Bởi mô hình đọc sách này còn giúp Thiên được sự tự tin, giao lưu với nhiều bạn đọc.

“Sắp tới đây, để rèn kỹ năng đọc hiểu và cảm thụ văn học cho các em học sinh Trường sẽ tổ chức hoạt động “Đọc sách hay săn ngay vé truy tìm kho báu”, học sinh tìm đọc 5 câu chuyện và quay video chia sẻ tóm tắt nội dung và chia sẻ cảm nhận về câu chuyện đó, sau đó đưa lên trên nhóm thì sẽ nhận được vé để tham gia trò chơi truy tìm kho báu do nhà trường tổ chức. Điều chúng tôi muốn hướng đến ở tất cả các em học sinh là khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em, bởi đây là kho tàng kiến thức vô tận”, cô hiệu trưởng Võ Thị Mỹ Thu thông tin.

Cô giáo Võ Thị Mỹ Thu cho biết thêm, hằng năm nhà trường luôn có những hoạt động để khuyến khích các em đọc sách nhiều hơn như trang bị sách ở thư viện, tổ chức các hoạt động như kể chuyện sách, thi thuyết trình sách…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.