Giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Sáng nay 14/6, tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã có cuộc trao đổi với chuyên gia UNICEF khu vực Đông Á Thái Bình Dương về thang đánh giá trẻ SCALES và lĩnh vực kỹ năng cảm xúc xã hội (CXXH) trong chương trình GD mầm non. 

Toàn cảnh buổi họp
Toàn cảnh buổi họp

Tham dự còn có TS. Chemba Raghavan (UNICEF), lãnh đạo Vụ GD Mầm non, cùng đại diện 18 đơn vị Viện nghiên cứu, các Trường ĐH, CĐ trong nước.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã khẳng định: Được sự hỗ trợ của WB và tổ chức UNICEF, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1”, thu hút 290 đại biểu đến từ các quốc gia.

TS. Chemba Raghavan cũng đã tham dự và có bài trình bày quan trọng “Xu hướng phát triển trẻ thơ’. Hội thảo là diễn đàn trao đổi, cập nhật xu hướng chăm sóc và phát triển trẻ thơ trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Những vấn đề then chốt, có tính thời sự của GDMN của các quốc gia đã được phân tích, đánh giá, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, Thứ trưởng mong muốn, buổi trao đổi hôm nay sẽ góp phần chia sẻ kinh nghiệm các nước, giúp cho GDMN của nước ta có thêm cơ hội phát triển, trẻ em Việt Nam có điều kiện học tập và phát triển tốt hơn. UNICEF hỗ trợ, giúp Việt Nam có thang đánh giá trẻ mầm non chuẩn để điều chình xây dựng chương trình, giúp cho phụ huynh, giáo viên có những tác động đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

TS. Chemba Raghavan cho biết: GD kỹ năng CXXH là một quá trình, thông qua đó trẻ em và người lớn trở nên ý thức hơn về cảm xúc của mình, học cách kết nối hài hòa hơn với người khác, phát triển khả năng đưa ra quyết định có trách nhiệm và giải quyết những thách thức một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Thị nghĩa phát biểu khai mạc

Thứ trưởng Nguyễn Thị nghĩa phát biểu khai mạc

Giáo dục kỹ năng CXXH lại quan trọng là do kỹ năng này thúc đẩy thành công trong học tập, thúc đẩy sự gắn kết trong xã hội, phát triển trẻ thơ là một phần quan trọng của chương trình xây dựng hòa bình. nếu được trang bị kỹ năng CXXH, học sinh sẽ có khả năng tập trung, chú ý cao, đồng thời có khả năng làm theo hướng dẫn, từ dó kiên trì đeo đuổi mục tiêu đề ra.

Việc GD kỹ năng này là bắt buộc vì kỹ năng CXXH rất cần thiết cho học tập, sức khỏe trong suốt cuộc đời. Năng lực về nhận thức, cảm xúc và xã hội được gắn kết chặt chẽ về mặt chức năng và sinh học. Việc học tập luôn diễn ra trong tương quan các mối quan hệ.

Khi đánh giá về can thiệp GD kỹ năng CXXH trên toàn cầu của UNICEF cho thấy, chiến lược này muốn đem lại hiệu quả cao trong GD bắt buộc phải đào tạo hoặc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non; Lồng ghép hướng dẫn trực tiếp và thực hành các kỹ năng mục tiêu vào các hoạt động hàng ngày, từ đó phát triển các kỹ năng CXXH phức tạp hơn theo thời gian. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia hỗ trợ của gia đình giúp đảm bảo trẻ em phát triển kỹ năng CXXH cả ở trường và ở nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ