Giáo dục khai phóng kết nối nghệ thuật liên ngành

GD&TĐ - Triển lãm nghệ thuật 'Dòng chảy kết nối' đánh dấu sự hồi sinh của truyền thống giáo dục khai phóng và nghệ thuật liên ngành.

Tác phẩm xuất hiện trong triển lãm rất đa dạng, từ hội họa, video art, sắp đặt đến thời trang, thiết kế, nội thất, kiến trúc…
Tác phẩm xuất hiện trong triển lãm rất đa dạng, từ hội họa, video art, sắp đặt đến thời trang, thiết kế, nội thất, kiến trúc…

Các giảng viên kiêm nghệ sĩ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang cùng nhau dệt câu chuyện kỳ diệu về sự hồi sinh - kết nối di sản trong nhịp đập của nghệ thuật đương đại.

Thúc đẩy đào tạo nghệ thuật liên ngành

Lấy ý tưởng kết nối với dòng chảy lịch sử từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20, triển lãm nghệ thuật “Dòng chảy kết nối” đánh dấu sự hồi sinh của truyền thống giáo dục khai phóng và nghệ thuật liên ngành.

Ba chương trình đào tạo chính của Trường Mỹ thuật Đông Dương với tầm nhìn đa ngành mỹ thuật - kiến trúc - nghệ thuật ứng dụng đã được tiếp nối với đội ngũ các giảng viên - nghệ sĩ đến từ Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong 3 lĩnh vực: Nghệ thuật thị giác, thiết kế sáng tạo và kiến trúc thiết kế cảnh quan.

Ngày 12/12, trao đổi với Báo GD&TĐ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành cho biết, dòng chảy thăng trầm của lịch sử nghệ thuật Việt Nam chứng kiến sự đứt gãy của truyền thống giáo dục nghệ thuật đa ngành, liên ngành.

Những thăng trầm lịch sử cũng để lại một mảng khuyết về đào tạo nghệ thuật trong nhiều thập kỷ qua. Bởi vậy, triển lãm “Dòng chảy kết nối” đang diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) là khao khát của các giảng viên kiêm nghệ sĩ của Khoa Các khoa học liên ngành.

“Cùng nhau dệt câu chuyện kỳ diệu về sự hồi sinh – kết nối di sản trong nhịp đập của nghệ thuật đương đại, cũng là sự tôn vinh tính liên ngành và mối liên hệ không thể tách rời giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa mỹ thuật hàn lâm và mỹ thuật ứng dụng. Truyền thống là sức mạnh kết nối và thúc đẩy chúng ta tiến tới một tương lai đào tạo nghệ thuật liên ngành đầy tiềm năng”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, dòng chảy đầu tiên với thiết chế đại học hiện đại giáo dục theo mô hình liên ngành được bắt nguồn từ Quyết định số 1514-a ngày 16/5/1905 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau về việc thành lập Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise), có trụ sở tại phố Boulevard Bobillot (nay là 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Victor Tardieu đặt chân đến Việt Nam vào năm 1921 và thực hiện một bức tranh khổ lớn cho giảng đường chính của Viện Đại học Đông Dương đang được xây dựng. Ba năm sau, ông trình Toàn quyền Đông Dương về việc giảng dạy mỹ thuật và thành lập một trường vẽ tổng quát tại Hà Nội.

Trong suốt quá trình hoạt động, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã khẳng định giá trị cao cả của giáo dục khai phóng và để lại những tên tuổi nổi tiếng thế giới về hội hoạ Việt Nam.

Trên cơ sở Đại học Đông Dương, vào ngày 15/11/1945 Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập. Ngày 10/12/1993, Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời theo Nghị định 93/CP của Chính phủ. Tuy nhiên do biến cố lịch sử, đất nước phải trải qua những cuộc chiến khốc liệt mà truyền thống giáo dục khai phóng và nghệ thuật liên ngành bị đứt đoạn.

Để giải quyết vấn đề này, trong nhiều năm với sự vận động tiến bộ về quan điểm giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hồi sinh truyền thống giáo dục khai phóng và liên ngành về nghệ thuật.

Các đơn ngành hẹp được đào tạo độc lập, nay đã mở rộng tích hợp để cùng hướng tới sứ mệnh chung. Đồng thời, mở rộng chủ đề nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận. Nghệ thuật không đơn thuần chỉ từ góc độ diện mạo thị giác thuần túy, mà được diễn giải qua lăng kính liên ngành của mỹ học, biểu tượng học, phân tâm học, nhân học.

Ý tưởng sắp đặt chủ đề giáo dục lều chõng thi cử xưa.

Ý tưởng sắp đặt chủ đề giáo dục lều chõng thi cử xưa.

Kích thích người trẻ sáng tạo

Không chỉ là “Dòng chảy kết nối”, triển lãm Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức còn khơi nguồn cho dòng chảy nghệ thuật vốn bị quên lãng, tắc nghẽn. 23 tác giả tham gia với gần 50 tác phẩm không chỉ là những giảng viên, mà còn là những người thực hành sáng tạo chuyên nghiệp trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Triển lãm là những lát cắt, những nét chấm phá giới thiệu đời sống thực hành nghệ thuật thường nhật của các tác giả. Các chất liệu và phương tiện nghệ thuật xuất hiện trong triển lãm lần này rất đa dạng, từ những chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, điêu khắc, tranh in, thư pháp… cho tới các chất liệu đa phương tiện như nhiếp ảnh, phù điêu, video art, sắp đặt.

Cùng với đó các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng như thiết kế thời trang, thiết kế đồ hoạ số, cho tới thiết kế nội thất, kiến trúc cũng cùng xuất hiện đan xen tương tác với nhau trong một không gian triển lãm mở, được lên ý tưởng thiết kế hoàn toàn ngẫu hứng.

Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế - Trần Trọng Dương tìm về truyền thống trung đại, Lê Hà - Phương Đặng chọn chất liệu thời trang để diễn ngôn về bản địa, Nguyễn Thế Sơn - Thành Vinh dựa trên phương thức nhiếp ảnh phù điêu và video hoạt hình tĩnh nói về ký ức đô thị.

Toàn bộ triển lãm xuất hiện trong một khoảng không gian giếng trời, tương tác với cảnh quan hiện có của toà nhà mang lại năng lượng sáng tạo tích cực cho người xem vốn phần đông là sinh viên. Với sinh viên nghệ thuật, triển lãm sẽ như một niềm cảm hứng trong học tập và nghiên cứu, bước đầu hình dung về công việc cụ thể của cá nhân trong tương lai.

Toàn bộ triển lãm xuất hiện trong khoảng không gian giếng trời.

Toàn bộ triển lãm xuất hiện trong khoảng không gian giếng trời.

Đồng thời, đưa tới những mường tượng về mối tương quan giữa các lĩnh vực nghệ thuật vốn rất đa dạng. Triển lãm cũng đem lại những niềm vui và những cảm xúc thẩm mỹ kích thích sáng tạo ở những người trẻ.

Theo GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, triển lãm “Dòng chảy kết nối” là dấu mốc quan trọng nhân kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội - VNU và 117 năm truyền thống.

Sự kiện này chính thức khẳng định vị trí của một cơ sở đào tạo và nghiên cứu về sáng tạo nghệ thuật, đồng thời là sự khởi đầu cho những kết nối và hội tụ, góp phần tạo nên không gian giáo dục sáng tạo và nghệ thuật liên ngành, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa và nghệ thuật của quốc gia.

“Trong khuôn khổ triển lãm, chiều 12/12, tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng diễn ra toạ đàm “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình - cuộc đối thoại liên ngành của Công nghệ - Di sản và Nghệ thuật”. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã bàn về chủ đề công nghệ mở ra những hướng đi mới cho ngành xuất bản – khi thông tin không nhất thiết phải lưu trữ trong “giấy trắng mực đen”, mà có thể gắn với bất kỳ sản phẩm nào”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.