Giáo dục học sinh từ những câu chuyện về Bác

GD&TĐ - Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành đã được đưa vào sử dụng trong các trường học trong cả nước, là một trong những tài liệu quan trọng trong “Tủ sách Bác Hồ”.

Học sinh trường Tiểu học Giang Biên đọc sách bên Tủ sách Bác Hồ
Học sinh trường Tiểu học Giang Biên đọc sách bên Tủ sách Bác Hồ

“Tủ sách Bác Hồ” trong trường học

Năm học 2017-2018, việc triển khai công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được các nhà trường đẩy mạnh, trở thành một hoạt động được duy trì thường xuyên, nền nếp, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh.

Nhiều đơn vị trường học đã có cách làm sáng tạo, như việc triển khai bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 theo hình thức lồng ghép tích hợp ở một số môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân và một số môn có liên quan như Ngữ văn, Lịch sử và thực hiện trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đoàn, Đội.

Ông Nguyễn Văn Tùng- Chủ biên bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” cho biết: Bộ sách đã tập hợp được gần 100 câu chuyện về Bác Hồ vĩ đại, bộ sách dựa trên ý tưởng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua những câu chuyện đặc sắc từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điểm đặc sắc, độc đáo là bộ sách này hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm với các hình thức đa dạng, như thảo luận, trò chơi, vẽ tranh, diễn kịch...

Không chỉ là những bài học về đạo đức, lối sống chung chung, bộ sách đã gắn những bài học với những câu chuyện sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, với cuộc sống, với công việc, sinh hoạt, vui chơi gần gũi, quen thuộc của mỗi học sinh ở trường, ở nhà hằng ngày.

“Chúng tôi xác định mục tiêu là giáo dục đạo đức lối sống, tư tưởng Bác Hồ bằng cách đi vào lòng người, cảm hóa qua các câu chuyện có thật về Bác. Và một mục tiêu cần thiết là học sinh không chỉ nắm được vẻ đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mà còn làm theo, vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống”- ông Tùng chia sẻ.

Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”
 Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác

Nằm trong chương trình xây dựng Tủ sách Bác Hồ, năm học vừa qua các đơn vị trường học tại Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyên đề thư viện với chủ đề: Nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, xây dựng Tủ sách Bác Hồ. Tại các buổi chuyên đề, giáo viên giới thiệu với học sinh bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”.

Cô Nguyễn Thị Hoàn- giáo viên trường Tiểu học Trưng Vương (Quận Hoàn Kiếm) cho biết: Có thể sử dụng tích hợp bộ tài liệu với bộ môn Đạo đức và Hoạt động ngoài giờ lên lớp… Với những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ, học sinh tiếp nhận được những bài học về đạo đức, lối sống một cách dễ hiểu, dễ nhớ và có thể vận dụng vào thực tế cuộc sống.

Bộ sách có giá trị giáo dục đạo đức, lối sống thiết thực và sâu sắc với không chỉ học sinh mà cả với giáo viên trong quá trình tìm kiếm thêm tư liệu và lồng ghép dạy cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải linh hoạt vận dụng để đưa bộ tài liệu giảng dạy cho phù hợp với hoạt động dạy và học.

Tại quận Long Biên, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo 100% các nhà trường đầu tư xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” tại các thư viện nhà trường, tổ chức thi cán bộ thư viện giỏi giới thiệu sách về Bác cho học sinh trong các thư viện trường học; 100% các lớp học đều treo ảnh Bác ở vị trí trang trọng.

Cô Hứa Thu Huyền- Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (Quận Long Biên) nhận định: Có rất nhiều nội dung giáo dục học sinh qua văn hóa đọc. Trong đó, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh qua chủ đề “Bác Hồ với nhiếu nhi” là hết sức quan trọng.

Để phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học, tích cực phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, Ban giám hiệu trường Tiểu học Giang Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về tác dụng, vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách.

Nhà trường còn tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài liệu, sách báo có trong thư viện. Sau mỗi chuyên đề đọc sách, học sinh làm bài thu hoạch. Từ những nhận thức về các giá trị đạo đức, các em có thể áp dụng, thực hành, tu dưỡng và rèn luyện hàng ngày, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ