Giáo dục hòa nhập - Giải pháp tối ưu với học sinh tự kỷ

GD&TĐ - Những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã nỗ lực đưa HS tự kỷ vào môi trường giáo dục hòa nhập. Cách làm này đã góp phần giúp các em có thêm cơ hội trong cuộc sống tương lai cũng như làm vơi đi khó khăn, vất vả của các bậc phụ huynh. 

Dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, không được áp đặt mà phải nương theo sở thích của từng em
Dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, không được áp đặt mà phải nương theo sở thích của từng em

Tuy nhiên, con đường giáo dục hòa nhập với những học sinh này còn nhiều chông gai, thách thức với ngành Giáo dục.

Học sinh tự kỷ ngày càng tăng

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ở nước ta hội chứng tự kỷ mới được chẩn đoán gần 10 năm trước nhưng đã phát triển rất nhanh. Năm 2003, Bệnh viện Nhi đồng I chỉ điều trị 2 trẻ, đến năm 2007 là 170 trẻ, năm 2008 có 450 trẻ, năm 2009 có 950 trẻ, năm 2010 có 1.972 trẻ và sau đó lên tới 2.200 trẻ. Nhưng hiện nay thống kê chưa đầy đủ trên phạm vi cả nước, con số này cao hơn rất nhiều. Thậm chí, có gia đình cả hai con đều mắc chứng tự kỷ. Thế nhưng, trong số đó có tới 50% trẻ tự kỷ dạng điển hình, còn lại thể nhẹ và trung bình.

Thạc sỹ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá 76 trẻ được chẩn đoán xác định là tự kỷ trong độ tuổi từ 20 tháng đến 7 tuổi vào điều trị từ năm 2008 - 2011 cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ là 8 bé trai/1 bé gái và trẻ ở thành thị mắc chứng tự kỷ nhiều hơn trẻ ở nông thôn; tuổi thấp nhất khi nhập viện lần đầu của trẻ là 20 tháng tuổi và tuổi lớn nhất là 68 tháng tuổi; khoảng 12% số trẻ được phát hiện các dấu hiệu của bệnh tự kỷ trước 2 tuổi; 19,74% số trẻ được phát hiện là do cô giáo chứ không phải là bố mẹ hay ông bà; 56,58% trẻ được phát hiện bệnh nhờ dấu hiệu chậm nói.

Chia sẻ tại hội thảo tự kỷ ở Việt Nam - hiện trạng và thách thức diễn ra tại Hà Nội ngày 1/4, PGS.TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 - 2007 cũng cho thấy số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó. Xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% - 268% trong giai đoạn 2004 - 2007 so với năm 2000.

Sự gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ em tự kỷ đã khiến cho các trường học tham gia công tác giáo dục hòa nhập cho các em gặp nhiều khó khăn và thách thức, kể cả cơ sở vật chất, đến đội ngũ giáo viên chuyên biệt. Đây chính là gánh nặng lớn cho việc giáo dục hòa nhập đối với các nhà trường khi không có đội ngũ giáo viên chuyên biệt tham gia gảng dạy trực tiếp.

Thực tế, nhiều gia đình, có con tự kỷ nhưng phát hiện rất muộn, điều này đã ảnh hưởng đến việc nuôi dạy và chăm sóc phục hồi cho trẻ. Như trường hợp gia đình chị H.V ở quận Hải An, Hải Phòng là một ví dụ. Khi con trai lên 5 tuổi, thấy bạn bè nói chuyện có đứa cháu tự kỷ, thấy các biểu hiện của con tương tự lúc này, vợ chồng chị mới biết con mình mắc bệnh. Rất may, khi đến khám tại Viện Châm cứu Trung ương, đích thân viện phó cho biết: Trường hợp này do lúc sinh bị ngạt, vì thế, càng lớn, thể lực của cháu tốt hơn sẽ át dần bệnh. Giờ cháu đã học THCS, mặc dù hơi chậm hơn so với các bạn nhưng nhận thức, hành vi của cháu hoàn toàn thay đổi tiến bộ rõ rệt.

Nỗ lực giáo dục hòa nhập cho học sinh tự kỷ

Rõ ràng, việc gia tăng trẻ tự kỷ sẽ tạo thêm áp lực cho ngành Giáo dục khi các em đến tuổi đi học. Dạy học sinh bình thường đã vất vả, với giáo viên dạy học sinh tự kỷ càng vất vả hơn nhiều. Đó là cảm nhận từ chính công việc hàng ngày của mỗi thầy, cô giáo trong các trường học hiện có học sinh tự kỷ được giáo dục hòa nhập.

Với riêng Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây xuất hiện nhiều trường có học sinh tự kỷ, đông nhất ở bậc mầm non và tiểu học. Trường đông thì khoảng chục em, trường ít cũng vài ba em. Công tác giáo dục hòa nhập cho đối tượng này đang là bài toán nan giải cho các nhà trường, cho giáo viên đứng lớp cũng như cả ngành. Bởi hầu hết các trường không có giáo viên chuyên biệt mà cơ bản vẫn là thầy cô chủ nhiệm kiêm nhiệm công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh tự kỷ.

Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường TH Dịch Vọng B - quận Cầu Giấy - Hà Nội chia sẻ: Trong lớp học, trẻ tự kỷ thường lầm lì, ít nói, nhất là thời gian đầu hòa nhập với trường lớp, cô giáo hỏi học sinh thường không trả lời, ít biểu hiện cảm xúc, không giơ tay phát biểu ý kiến. Các em không thích hoạt động theo nhóm, ngại tiếp xúc với bạn cùng tuổi. Thế nhưng, chỉ qua một học kỳ, giáo dục hòa nhập đem lại hiệu quả. Nhất là khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính toán. Nhiều em tiến triển tốt, gần như hòa nhập bình thường.

Ở các thành phố lớn hiện nay, số lượng trẻ tự kỷ được giáo dục hòa nhập ngày càng tăng. Ngay trên địa bàn Hà Nội, một số gia đình có điều kiện còn thuê giáo viên chuyên biệt đến trường học cùng con hoặc tham gia các lớp học chuyên biệt. Chi phí từ 300 -400 ngàn đồng/buổi học kéo dài 2 tiếng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào có con mắc chứng tự kỷ cũng có đủ khả năng chi trả cho việc thuê giáo viên hay đưa con đi chữa trị tại các trung tâm y khoa. Không ít gia đình, chính bản thân người mẹ phải bỏ việc, chấp nhận ở nhà để chăm sóc và nuôi dạy cho con.

Trẻ tự kỷ được can thiệp càng sớm, hiệu quả chữa trị càng cao. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội đưa các em hòa nhập với môi trường giáo dục càng cao. Vì thế, những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập cho các em ở nhiều trường học đã thực sự đem lại cơ hội học tập cho đối tượng này.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà trường cũng tạo điều kiện tốt nhất có thể để giúp học sinh hòa nhập với trường, lớp. Với các em thể nhẹ, việc giáo dục hòa nhập dễ dàng hơn rất nhiều với các em mắc bệnh nặng hơn. Do vậy, khi dạy học cho đối tượng này các thầy cô không chỉ có tình thương, trách nhiệm mà phải có tấm lòng yêu con trẻ cao cả, biết hy sinh và chịu đựng, biết nắm bắt tâm lý, hành vi của các em. Bởi thực tế, mỗi khi trái gió trở trời, nhiều học sinh tự kỷ rất thích ra ngoài sân trường gào thét, sau khi gào thét một hồi, các em sẽ có thể trở về lớp ngồi học bình thường cùng các bạn.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.

Hội chứng tự kỷ được biết đến nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nếu ở các nước trên thế giới, người tự kỷ có hẳn một mô hình can thiệp chung và mạng xã hội lớn thì tại Việt Nam ngay cả những thông tin, hiểu biết về chứng tự kỷ cũng chưa nhiều. Các phụ huynh tự tìm đến nhau để chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau vượt khó khăn. Thế nhưng, chính sách cho người tự kỷ lại chưa có, từ việc hỗ trợ, học hành, trẻ tự kỷ hiện đang rất khó khăn trong hòa nhập cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.