Một cách khuyến học, khuyến đọc
Thư viện xanh đang được triển khai rộng rãi ở nhiều trường học với những cách làm phong phú khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, mô hình thư viện xanh được làm ở ngoài trời. Có trường thiết kế hàng loạt các hộp bằng gỗ bên trong được để sách treo lên những thân cây trong sân trường và có ghế ngồi đọc. Có trường lại để từ 5- 10 đầu sách truyện trong những chiếc hộp nhựa to treo lên giá lưu động trong sân trường, hay những góc đọc sách.
Tủ sách được đưa tới cho học sinh đọc thường có nội dung trang bị, bổ trợ thêm về kiến thức toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ… học trên lớp. Bên cạnh đó còn có truyện tranh, truyện văn học lịch sử, báo chí, sách tham khảo. Và hầu hết sách truyện thường có nội dung phù hợp đúng lứa tuổi, nhu cầu đọc của mỗi từng đối tượng.
Với mô hình thư viện xanh có thể dễ dàng nhận thấy học sinh được tiếp cận với một cách học cách đọc mới tự do, không gò bó cứng nhắc nhưng lại vô cùng hiệu quả. Nhiều học sinh thay vì chạy chơi trong các giờ ra chơi, trước và sau buổi học có thể ngồi một chỗ tự mình lựa chọn đọc sách, truyện theo nhu cầu tìm hiểu.
Đáng nói, thư viện xanh không bó buộc học sinh bằng các nguyên tắc về mượn trả sách, không cần thẻ thư viện mỗi khi ra vào đọc sách… nên học sinh không thấy gò bó và thoải mái khi lựa chọn sách, truyện để đọc. Đọc xong sách truyện, học sinh chỉ cần xếp sách ngay ngắn vào các tủ thùng đựng tiện lợi mà không mất thời gian cho khâu kiểm tra sách và phiếu mượn.
Theo nhận xét của hầu hết các hiệu trưởng và nhân viên thư viện tại các trường học, việc đặt thư viện xanh có tác dụng khuyến khích lớn ý thức tự giác đọc sách của học sinh. Văn hóa đọc, kiến thức kĩ năng sống, kĩ năng đọc hiểu của (đặc biệt với học sinh dân tộc) được cải thiện đáng kể. Ngoài ra cũng hình thành cho các em sự tự giác, thói quen nền nếp trong việc bảo vệ giữ gìn sách, truyện sau khi đọc xong.
Tại Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ - Hà Giang), thầy hiệu trưởng Phạm Như Ý cho biết: Thư viện xanh đã thu hút học sinh đến đọc sách nhiều hơn rất nhiều so với thư viện trong phòng. Sự thân thiện, tiện lợi và giảm đáng kể phiền hà trong việc mượn trả sách (theo hình thức thư viện truyền thống) đã và đang thu hút ngày càng nhiều hơn học sinh tự giác đọc sách. Từ đây, nhận thức của học sinh trên nhiều khía cạnh, kiến thức được nâng lên đáng kể đã hỗ trợ tích cực cho việc học tập trên lớp thêm linh hoạt, hiệu quả.
Đặc biệt, theo thầy Phạm Như Ý, nhà trường có 827 học sinh, trong đó thành phần có 72% học sinh dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Tày, Bố Y, Nùng. Kể từ khi xây dựng phát triển thư viện xanh thì khả năng tiếng Việt của học sinh dân tộc đã tăng lên đáng kể. Mặt khác, khi các em hòa mình cùng bạn bè đọc sách cũng giúp mạnh dạn hơn trong tiếp xúc với thầy cô bạn bè, trong hoạt động bán trú tại trường. Nếu trước đây, học sinh gặp giáo viên thường lảng tránh, chạy đi chỗ khác thì hiện nay các em đã chủ động gặp gỡ chào hỏi trao đổi…
Được biết, Trường Tiểu học Quyết Tiến hiện có trường chính và 7 điểm trường thì có tới 3 điểm trường tiêu biểu trong việc xây dựng thư viện xanh (Nậm Nương, Tân Tiến; Khâu Bủng). Trong thời gian tới, nhà trường sẽ cố gắng phát triển hệ thống thư viện xanh tới các điểm trường lẻ chưa có để hỗ trợ tốt hơn nữa việc đọc, và học của học sinh tại các điểm trường.
Cần cách làm phát huy hiệu quả
Theo thầy giáo Phạm Như Ý – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Tiến (huyện Quản Bạ - Hà Giang), một trong những khó khăn để làm tốt thư viện xanh hiện nay đó là phải huy động được nguồn sách truyện dồi dào có chất lượng bởi các nguồn chi cho thư viện trường học hàng năm chỉ có hạn.
Chính vì vậy, kể từ khi có chủ trương và bắt tay vào triển khai mô hình thư viện xanh tại Trường TH Quyết Tiến, thầy Phạm Như Ý đã không ngừng nỗ lực phát triển nguồn sách từ các nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng thư viện xanh nhà trường đã kêu gọi cả giáo viên và phụ huynh học sinh, học sinh cùng vào cuộc.
Với phụ huynh học sinh và giáo viên sẽ hỗ trợ ngày công lao động để xây dựng những góc, chòi đọc sách. Vào những ngày đọc sách, nhà trường lại huy động mỗi giáo viên và học sinh cùng đóng góp 1-2 quyển ủng hộ vào thư viện xanh. Bằng nhiều cách làm linh hoạt phù hợp, hiện nay thư viện xanh của trường khá dày dặn về đầu sách bởi số lượng sách không ngừng tăng lên hàng năm.
Qua tìm hiểu chung ở nhiều trường học cho thấy, để tăng cường chất lượng cho thư viện xanh thì đội ngũ cán bộ thư viện đóng vai trò quan trọng. Trong khi số lượng cán bộ thư viện chuyên trách không đảm bảo về số lượng các nhà trường cần linh động huy động sự tự nguyện tham gia của các cộng tác viên trong các đoàn thể nhà trường, của giáo viên và cả học sinh cùng vào cuộc.
Thành phần tham gia vào hoạt động thư viện bên cạnh sự nhiệt tình cần được phổ biến, tập huấn cách vận hành thư viện xanh một cách khoa học, hiệu quả. Cụ thể đó là cách dẫn dắt học sinh đọc sách, kĩ năng tuyên truyền để học sinh đọc sách, sắp xếp đảo vị trí đầu sách một cách linh hoạt… Mỗi chòi sách, khu vực để sách cần quy định cụ thể về lứa tuổi. Cán bộ thư viện cần đảo vị trí sách liên tục để học sinh được dễ dàng tiếp cận với nhiều đầu sách, tránh sự nhàm chán, thiếu phong phú về sách và các vấn đề cần đọc.
Vấn đề chọn góc đặt thư viện xanh, hình thức đặt sách truyện ra sao, bảo quản sách ngoài trời thế nào cũng cần được các nhà trường nghiên cứu kĩ lưỡng. Địa điểm đặt thư viện xanh cần thuận lợi cho học sinh trong giờ nghỉ tìm đến đọc, có chỗ ngồi đọc và không gian đọc đầy đủ ánh sáng, mát mẻ. Việc bảo quản thu gom sách cần được tiến hành hàng ngày tránh tối đa sự tác động hư hại của thiên nhiên…
Đặc biệt, quản lý các nhà trường cần có sự kiểm tra sát sao với các hoạt động thư viện xanh về số lượng sách, khối lượng học sinh đên đọc sách… từ đó tìm ra cách phát triển thư viện xanh một cách thực chất và hiệu quả tránh trường hợp làm theo phong trào, hình thức.