Giáo dục góp phần đưa Hà Nội thành 'Kinh đô sáng tạo'

GD&TĐ -  Từng bước đưa Thủ đô trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, kinh đô sáng tạo quan trọng của khu vực và châu Á.

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học là một trong ba trụ cột được TP Hà Nội xác định để thực hiện hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á.

Ngày 20/12, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo: Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”. Sự kiện nhằm đánh giá thực trạng cũng như tìm kiếm giải pháp phát triển giáo dục sáng tạo góp phần củng cố thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo, từng bước đưa Thủ đô trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, kinh đô sáng tạo quan trọng của khu vực và châu Á.

Giải pháp từ 3 trụ cột chính

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cho biết, một trong những giải pháp cho mục tiêu trên là xây dựng, phát triển nền giáo dục sáng tạo. Qua đó, góp phần hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng khái quát thực trạng về việc phát triển giáo dục sáng tạo của Thủ đô thời gian qua, những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức để hình thành, phát triển môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo bền vững. Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Trần Thị Ngọc Hân cho rằng, Hà Nội với tiềm năng to lớn về nghệ thuật, sáng tạo và văn hóa, đang trong thời điểm chín muồi để phát triển các mô hình giáo dục sáng tạo mang tính tích hợp - công cụ cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, các nội dung văn hóa và sáng tạo dù đã được đưa vào chương trình giảng dạy, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục và học sinh, thường bị coi là môn phụ.

Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chỉ ra một số bất cập liên quan đến giáo dục sáng tạo. Trong đó, nguồn lực cho giáo dục sáng tạo, cả nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, còn thiếu và yếu. Giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến nhận thức và môi trường minh bạch cho sáng tạo. Các hoạt động giáo dục sáng tạo còn thiếu sự liên kết, tương đối nghèo nàn, đơn điệu, chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo, chủ động, tích cực của người dân.

Ông Nguyễn Doãn Toản - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - nhấn mạnh, để thực hiện hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á, Hà Nội xác định 3 trụ cột chính. “Tái tạo phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng. Mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học. Hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo...”, ông Nguyễn Doãn Toản thông tin.

Hà Nội chú trọng phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng “Thành phố sáng tạo”.

Hà Nội chú trọng phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng “Thành phố sáng tạo”.

Phát triển công nghiệp văn hóa

Trước đó, ngày 17/12, trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài tham luận về định hướng, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo. Theo ông Phong, ngày 17/6/1999 Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30/10/2019, TP Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy Nguồn lực văn hóa và Sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

“Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người. Đồng thời, quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến...”, ông Nguyễn Văn Phong nói.

TP Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng hàng trăm nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng cùng cộng đồng thợ giỏi và rất nhiều nhà sáng tạo trẻ đã đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, nơi tôn vinh văn hóa Việt, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống ra thị trường quốc tế.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, giai đoạn 2015 - 2020 cơ cấu kinh tế của thành phố đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh ngành dịch vụ từ 57,2%/năm lên tới 64,1%. GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Mục tiêu chung TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng góp 5% GRDP của thành phố.

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tháng 4/2022, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 02 bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo với hơn 14.000 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa - nguồn lực vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo. Đây là một quyết định mạnh mẽ, quyết liệt, chưa từng có để biến công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thành phố sẵn sàng thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.