Bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp GV
Đơn vị cấu trúc của hệ thống CSĐTGV là các CSĐTGV. Trước hết đó là các trường sư phạm: Trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm.
Các trường sư phạm đó đào tạo giáo viên cho các cấp học: Giáo dục mầm non, phổ thông. Bên cạnh đó, còn có các trường đa ngành có đào tạo GV, các Viện, Học viện vừa nghiên cứu, vừa đào tạo GV và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD).
GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh, khái niệm “đào tạo GV” ngày nay được hiểu rộng hơn với thuật ngữ mới “giáo dục giáo viên” theo khuyến nghị của UNESCO. Với nghĩa này, giáo dục GV bao gồm giai đoạn đào tạo ban đầu ở các CSĐTGV và giai đoạn bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp trong cả quá trình hành nghề của người GV.
Ngày nay, cũng theo xu hướng đó, Việt Nam cũng cần và thực tế đã thực hiện gắn liền việc đào tạo ban đầu và bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp GV.
Mặt khác các CSĐTGV không chỉ đào tạo ban đầu, mà còn bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp GV và đào tạo bồi dưỡng CBQLGD, ngược lại các cơ sở bồi dưỡng thường xuyên GV, CBQLGD cũng có chức năng đào tạo GV. Các trường bồi dưỡng CBQLGD cũng được hình thành và theo logic cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển năng lực đội ngũ GV và CBQLGD.
"Như vậy trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ GV, CBQLGD cho ngành giáo dục là những lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ logic hệ thống. Điều này đã được khẳng định trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành GD" - GS Đinh Quang Báo nói.
GS Đinh Quang Báo: Các CSĐTGV không chỉ đào tạo ban đầu, mà còn bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp GV và đào tạo bồi dưỡng CBQLGD. |
Chức năng chính của hệ thống CSĐTGV
Từ các quan điểm nêu trên, GS Đinh Quang Báo đề xuất một số chức năng chính của hệ thống CSĐTGV sau:
Thứ nhất, nghiên cứu chiến lược phát triển hệ thống CSĐTGV để tư vấn cho Bộ GD&ĐT hoạch định chính sách, giải pháp quản lý nhằm phát triển đội ngũ GV và nền giáo dục.
Thứ hai, phát triển đội ngũ giảng viên cho các CSĐTGV.
Thứ ba, phối hợp, chia sẻ, phát huy các nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng GV, CBQLGD. Các nguồn lực đó là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, chương trình, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu, v.v...
Thứ tư, nghiên cứu để tư vấn cho Bộ GD&ĐT giải quyết những vấn đề liên quan đến đội ngũ GV, CBQLGD (Phát triển mạng lưới CSĐT, bồi dưỡng GV, CBQLGD; Quản lý việc cấp phép hành nghề GV; Xây dựng tiêu chí kiểm định chất lượng các CSĐT, bồi dưỡng GV, CBQLGD và tổ chức hoạt động kiểm định; Xây dựng chuẩn nghề nghiệp GV các cấp học, ngành học và tổ chức đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp; Đề xuất các chính sách về GV; Phát triển các chuyên ngành đào tạo mới, v.v...).
Thứ năm, nghiên cứu đề xuất, thẩm định các chiến lược, chương trình, đề án phát triển GD các cấp học, đào tạo, bồi dưỡng GV, CBQLGD, v.v...
Thứ sáu, phát triển, đánh giá, thẩm định các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV. Tổ chức biên soạn giáo trình đào tạo, bồi dưỡng GV, CBQLGD, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa các môn học cho các bậc học, v.v...
Thứ bảy, hỗ trợ cập nhật thông tin khoa học phát triển học thuật, tổ chức các sinh hoạt học thuật, trao đổi kinh nghiệm giáo dục, đào tạo; Tổ chức phối hợp nghiên cứu, triển khai các đề tài, chương trình khoa học, v.v...
Thứ tám, tổ chức hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, GV; triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học.
"Theo tiếp cận hệ thống thì một hệ thống khi được hình thành sẽ có khả năng tự điều chỉnh chức năng dưới tác động của môi trường bên ngoài và môi trường bên trong.
Đặc điểm này phải được tính đến khi thiết kế mô hình cấu trúc để sao cho hệ thống hoạt động vận hành có sự thống nhất hài hoà giữa cơ chế tự chủ, chủ động linh hoạt với cơ chế quản lý hành chính và thích ứng với yêu cầu đổi mới của hệ thống giáo dục. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn khi mô tả các chức năng của hệ thống" - GS Đinh Quang Báo.