Giáo dục gia đình với việc nuôi dạy trẻ hiện nay

GD&TĐ - Nuôi dạy trẻ em thật tốt là một quá trình kiến tạo nguồn lực phát triển cho tương lai. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, giáo dục gia đình giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, tạo nền tảng cho trẻ bước vào cuộc sống một cách vững chắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, giáo dục gia đình đối với quá trình nuôi dạy trẻ ở nước ta đang có những vấn đề bất cập khi các giá trị truyền thống không được tiếp nối cho thế hệ trẻ, bên cạnh đó, giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường đối với trẻ em cũng đang có khoảng cách nhất định. Điều đó đặt ra nhiều bài toán khó cần phải được nhận thức và giải quyết hợp lý và hiệu quả.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người. Đặc biệt với trẻ em dưới 10 tuổi thì giáo dục gia đình giữ vai trò quan trọng bậc nhất. Trong nền giáo dục hiện tại của nước ta, giai đoạn dưới 3 tuổi, trẻ sống trong sự chăm sóc chủ yếu của bố mẹ. Từ 3-6 tuổi là bước vào thời kỳ học mẫu giáo, làm quen với môi trường ngoài gia đình.

Còn từ 6-10 tuổi là những năm tháng học tiểu học, bước đầu tiếp nhận những tri thức nền tảng từ nhà trường, nhưng giáo dục gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ. Một cuộc khảo sát nhỏ với 35 cặp vợ chồng đang nuôi dạy 67 trẻ em dưới 10 tuổi ở một vùng nông thôn Nghệ An cho thấy càng ngày, việc nuôi dạy trẻ trong gia đình càng phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng, tri thức và phương pháp hơn. Và nó cũng đặt ra nhiều vấn đề phải quan tâm hơn đối với toàn xã hội cũng như những người làm bố, làm mẹ, đặc biệt là các vợ chồng trẻ.

Cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết các gia đình đều rất quan tâm đến việc giáo dục con cái từ lúc còn nhỏ, và càng lớn lên thì mối quan tâm đến việc học hành ở các gia đình càng tăng lên cao. Tuy nhiên, sự quan tâm của các gia đình lại tập trung vào việc nhắc nhở, rèn luyện tác phong hay đầu tư cho con cái ăn học hơn là việc trực tiếp dạy con học tập. Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, việc học tập chủ yếu là dạy cháu đọc số, học chữ cái và học viết, bên cạnh đó là học hát, học nói. Những công việc này thường người mẹ tham gia nhiều hơn bố.

Trong khi 100% người mẹ tham gia vào việc học của con thì chỉ có 44% ông bố tham gia với vợ cùng dạy con lúc này. Trong đó, người mẹ thường dạy con viết, tô, vẽ và hát theo các mẫu có trong sách, còn bố quan tâm chủ yếu là việc nhắc con học tập hay xem qua các sản phẩm tô, vẽ, viết của con chứ không trực tiếp dạy và kiểm tra việc học của con.

Khi trẻ vào tiểu học thì mối quan tâm của bố mẹ có sự thay đổi, mẹ vẫn là người quan tâm chính nhưng các ông bố cũng coi trọng việc học tập của con nhiều hơn khi có 79% ông bố quan tâm việc học của con. Tuy nhiên, để có thể dạy cho con trực tiếp trong việc học tập lúc này chỉ có khoảng 15% số ông bố bà mẹ có thể làm được.

Như một ông bố tâm sự: “Mình không học được phải ở nhà làm nông vất vả nên cũng muốn đầu tư cho con học. Nhưng chương trình ngày trước mình học với bây giờ khác nhau quá, không thể dạy con học được. Chỉ có thể chịu khó chịu khổ cho con đi học, mua sắm đầy đủ đồ dùng và cho tiền đi học thêm, chứ không đủ sức dạy cho con như các gia đình cô giáo được”.

Một điều đáng nói là việc dạy trẻ trong các gia đình hiện nay không chú trọng nhiều đến việc truyền dạy các phong tục tập quán, các giá trị gia đình truyền thống, về lịch sử, văn hóa của họ tộc hay của các thế hệ trước. Dù các ông bố bà mẹ cũng nghĩ rằng việc con cái biết về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán là quan trọng, nhất là việc thực hành các nghi lễ trong đời sống tâm linh là điều rất tốt.

Tuy nhiên, có 80% ông bố và 82% bà mẹ không thể dạy cho con những kiến thức này. Nguyên nhân chính là những người làm bố mẹ cũng không hiểu biết nhiều về những việc này nên khó dạy cho con. Mặt khác, người ta cũng không xem những giá trị này là cần thiết cho một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành.

Việc thực hành các phong tục tập quán không được truyền đạt từ ông bà sang bố mẹ và đến con cái, cũng là một nét đứt trong giáo dục văn hóa gia đình. Chỉ một số trường hợp là con trai trưởng ở các dòng họ thì được dạy nhiều hơn về vấn đề này do họ phải thực hành các nghi lễ, phong tục tập quán trong gia đình, dòng họ nhiều hơn.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy một số đặc điểm quan trọng đối với việc giáo dục trẻ em trong gia đình hiện nay. Trước hết, việc giáo dục trẻ em trong gia đình có vai trò quan trọng của người phụ nữ. Từ lúc sinh con cho đến khi học hết tiểu học, gần như mọi công tác nuôi dạy con đều gắn liền với vai trò người mẹ. Họ tham gia vào hết các công việc, ở các mức độ khác nhau. Dù là giáo viên, cán bộ viên chức hay nông dân thì tình yêu thương và trách nhiệm của người mẹ với con là không thể so sánh.

Ở nông thôn, người đàn ông gắn liền với việc làm ăn kinh tế, lao động nặng nhọc để nuôi gia đình, nhưng người phụ nữ là người sắp xếp cuộc sống gia đình. Nhưng trong việc nuôi dạy trẻ thì người vợ là người trực tiếp hơn, từ chuyện lo cho con ăn ngủ hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau đến chuyện rèn dạy con học tập. Thế nên nói đi cũng phải nói lại, “con hư tại mẹ” nhưng “con thành người tốt thì cũng do mồ hôi, nước mắt của mẹ”.

Thứ hai là mối quan hệ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình trong việc nuôi dạy trẻ đang có khoảng cách. Ở nông thôn hiện nay, những người bố, người mẹ (đặc biệt là nông dân) không đủ tri thức và kỹ năng để dạy con khi đi học tiểu học. Theo một lẽ thường, dù không phải tất cả nhưng những kiến thức cơ bản nhất thì những người bố mẹ đã học hết phổ thông có thể dạy cho con học tiểu học.

Đàng này hầu hết các ông bố bà mẹ đều bất lực trong việc dạy con học tập theo chương trình của nhà trường. Cái họ làm được là dạy cho con một số phép tính cơ bản và những chữ cái, chữ số. Còn quá nhiều điều trong sách giáo khoa mà người làm cha, làm mẹ không biết dạy thế nào? Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều cặp vợ chồng đang đẩy hết trách nhiệm dạy con cho nhà trường khi mình bất lực trong việc này.

Thứ ba là quan hệ gia đình liên quan đến việc giáo dục trẻ. Dân gian có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” để nói về các mối quan hệ trong gia đình liên quan đến việc nuôi dạy con trẻ. Sự thay đổi trong hệ thống giá trị gia đình và trong các hình thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ khiến cho các mối quan hệ trong gia đình liên quan đến vấn đề này cũng thay đổi.

Ở nông thôn, số lượng gia đình có 3 thế hệ gồm ông bà, bố mẹ và con cái cũng còn khá nhiều nhưng mức độ quan hệ không chặt chẽ như trước. Những kinh nghiệm, kỹ năng nuôi dạy trẻ của các thế hệ cũng khác nhau. Số lượng con trong mỗi gia đình ít hơn mà trẻ ngày càng khó dạy bảo hơn cũng có thể gây ra những xung đột trong gia đình. Như một cô giáo dạy cấp 1 tâm sự: “Vợ chồng em ở riêng nhưng ông bà chiều cháu lắm. Ông bà quan tâm nhiều đến sức khỏe lẫn việc học của cháu.

Mỗi lần bà xuống mà thấy cháu gầy hơn hay học kém hơn thì bà sẽ mắng em. Bà bảo làm cô giáo mà con mình không chăm được, không dạy được thì làm sao đi dạy con thiên hạ. Việc đó làm cho em luôn cảm thấy sợ mỗi khi bà xuống chơi, nhiều khi làm cho đời sống gia đình không được thoải mái”. Mặt khác, do các gia đình nhiều thế hệ đang giảm dần và các gia đình nhỏ chỉ bố mẹ và con cái đang tăng lên nên việc giáo dục giá trị truyền thống lại có phần bị đứt đoạn, dẫn đến nguy cơ bị mất dần nhiều giá trị văn hóa gia đình truyền thống.

Tóm lại, dù cuộc khảo sát này mới ở mức vi mô với số lượng mẫu còn ít nhưng cũng phần nào cho thấy việc giáo dục trẻ em trong các gia đình đang có những thay đổi. Trong khi các phương pháp, kỹ năng nuôi dạy trẻ truyền thống đang mất dần vị trí thì việc nuôi dạy trẻ hiện nay lại trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Ngày trước, bố mẹ dù học không cao vẫn dạy được con học hết tiểu học nhưng hiện giờ thậm chí bố mẹ tốt nghiệp đại học cũng gặp khó trong việc dạy con trẻ. Cùng với việc thay đổi trong phương pháp và tri thức nuôi dạy trẻ ở nông thôn thì cũng có nhiều vấn đề quan trọng đang đặt ra cần phải được giải quyết hợp lý và hiệu quả. Nói cho cùng, khi các gia đình sản sinh ra được những đứa trẻ khỏe mạnh sẽ làm cho tương lai của đất nước thêm phần lạc quan và tươi sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.