Giáo dục ĐH: Một năm và 14 thành tựu quan trọng

Giáo dục ĐH: Một năm và 14 thành tựu quan trọng

Thực hiện chủ đề năm học 2009-2010 “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội” toàn ngành ĐH đã cố gắng, tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều lĩnh vực công tác, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục đại học.

14 thành quả quan trọng

Thành quả đầu tiên thể hiện ở việc triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Ngày 16/12/2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 869 thành lập Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”. Đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát thực tiễn, làm việc với một số địa phương tại 3 miền, 13 bộ, ngành và tại 51 cơ sở GDĐH trong cả nước.

Trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát nói trên, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”.

Đợt giám sát lần này của Quốc hội đã tạo được chuyển biến bước đầu quan trọng trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và các cơ sở GDĐH: UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt cấp đất xây dựng trường cho một số cơ sở GDĐH trên địa bàn; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạm dừng giao nhiệm vụ mở ngành cao đẳng, đại học; phân cấp đào tạo và cấp bằng tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo sau đại học; tạm ngừng tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 đối với 2 trường đại học; tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; chấn chỉnh việc tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở 2/phân hiệu không đúng quy định;... đồng thời xây dựng chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII một cách toàn diện.

Thứ 2:
Triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Đến hết ngày 15/8/2010 đã có 311 trường đại học, cao đẳng báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 296 (đạt tỷ lệ 76,4%), trong đó, có 300 trường (đạt tỷ lệ 96,5% ) thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012; có 302 trường (đạt tỷ lệ 97,1%) xây dựng và ban hành Chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo; có 245 trường (đạt tỷ lệ 78,8%) xây dựng cam kết chất lượng đào tạo; có 183 trường (đạt tỷ lệ 58,8%) xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; có 218 trường (đạt tỷ lệ 70,1%) tổ chức xây dựng, rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triến trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020.

Thứ 3:
Công tác soạn thảo văn bản quản lý hệ thống giáo dục đại học được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Trong năm học vừa qua, tổng số văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH được cấp có thẩm quyền ban hành là 30 văn bản. Trong đó: Quốc hội: 03 văn bản; Thủ tướng CP: 04 văn bản; Bộ GD&ĐT: 19 văn bản; Liên tịch với Bộ khác: 04 văn bản.

Thứ 4:
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được xã hội hoan nghênh và đánh giá cao. Cả ba đợt thi có 1.589.305 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 76,45% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 7,22% so với năm 2009. Đề thi tuyển sinh năm nay nằm trong chương trình trung học phổ thông; bảo đảm tuyệt đối bí mật trong tất cả các khâu; đề thi không quá dài, không quá khó, phù hợp với thời gian làm bài và có tính phân loại cao. Công tác chấm thi của các trường bảo đảm đúng quy định. Điểm sàn xét tuyển các khối thi vẫn giữ ổn định như năm 2009, đã phản ánh khách quan chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được nâng lên và phù hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thứ 5:
Dự án xây dựng các trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế bảo đảm đúng kế hoạch. Trường đại học Việt-Đức với đối tác chiến lược là trên 30 trường đại học mạnh của Đức thuộc các lĩnh vực khác nhau, tự nguyện liên kết để hỗ trợ phát triển, Trường đã đi vào hoạt động từ năm 2008. Với sự giúp đỡ của Chính phủ và các trường đại học của Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường đã thông báo tuyển sinh năm 2010. Hai đề án về thành lập đại học xuất sắc tại Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ đang trong quá trình xây dựng.

Thứ 6:
Triển khai mạnh mẽ chủ trương đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Năm học vừa qua, các trường ĐH trong cả nước tiếp tục  triển khai tích cực các văn bản thoả thuận đã ký kết với các các doanh nghiệp, các địa phương để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, như: Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan), Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Intel, Campal Electrronic Company, tập đoàn Dệt May, ... các doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí, trang bị cho các trường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập và tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp về làm việc tại doanh nghiệp...

Thứ 7: Đẩy mạnh việc thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến. Bộ GD7DDT đã giao cho 23 trường đại học thí điểm đào 35 chương trình tiên tiến. Tất cả các trường đối tác đang tham gia thực hiện chương trình tiên tiến với các trường đại học của Việt Nam đều là những trường đại học mạnh, trong top 200 của thế giới. Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá thường xuyên tại các trường...

Thứ 8:
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học này có 27 trường ĐH, 33 trường CĐ thành lập bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục. Tính đến nay, cả nước có 287 trường có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục, đạt 70% so với tổng số trường ĐH, CĐ; 175 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đạt 43% so với tổng số trường ĐH, CĐ trong cả nước (vượt 13% so với chỉ tiêu đề ra). Các trường ĐH, CĐ  còn lại đang tiến hành tự đánh giá. Sau khi tiến hành tự đánh giá, nhiều trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ 9
: Hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện 20 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 03 dự án sản xuất thử nghiệm, 34 nhiệm vụ nghiên cứu thuộc các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, 29 nhiệm vụ hợp tác theo nghị định thư ký với nước ngoài và 06 nhiệm vụ bảo tồn lưu giữ nguồn gen. Trong năm qua, các đơn vị cũng đã triển khai thực hiện 103 đề tài KH&CN trọng điểm cấp Bộ. Đã hỗ trợ gần 1.300 NCS  thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở có nội dung gắn với luận án tiến sĩ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN. Đã có hơn 960 bài báo và công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, gần 4.100 bài báo, công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong nước...

Thứ 10:
Công tác hợp tác quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác và phát triển giáo dục đại học. Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ký kết 4 Điều ước quốc tế và 8 thỏa thuận quốc tế có nội dung liên quan đến giáo dục đại học. Việc ký Hiệp định riêng về tương đương văn bằng về giáo dục và học vị khoa học với Chính phủ Liên bang Nga làm một minh chứng cho tính hiệu quả và đi vào chiều sâu trong hợp tác về giáo dục. Trong năm học 2009-2010, Bộ đã làm thủ tục cử 1.229 người đi học nước ngoài. Đã thẩm định và cấp giấy phép cho 33 hồ sơ xin cấp phép liên kết đào tạo, không cấp phép cho 4 hồ sơ và đang xử lý 18 hồ sơ.

Thứ 11: Triển khai đề án đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục-đào tạo. Chính phủ đã có Nghị định số 49, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đổi mới công tác quản lý tài chính. Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1310/QĐ-TTg điều chỉnh khung học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009-2010 và quyết định số 1344/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Cùng với đó, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh sinh viên thuộc diện chính sách đã tạo điều kiện cho con em các gia đình nghèo, con em các dân tộc, con em thuộc các vùng đặc biệt khó khăn đã được vào học ở các trường ĐH, CĐ. Năm học 2009-2010 toàn ngành đã cấp 2.161 tỷ đồng miễn, giảm học phí và hỗ trợ học tập cho các sinh viên thuộc diện chính sách.

Thứ 12: Các nguồn vốn đầu tư để xây dựng tăng cường cơ sở vật chất các trường có bước cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, năm học 2009-2010, khối các trường trực thuộc đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất (từ nguồn vốn vay và viện trợ của các tổ chức nước ngoài), theo kế hoạch, đến cuối năm 2010 sẽ có 21 dự án hoàn thành. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo trên cả nước còn được thụ hưởng nguồn trái phiếu Chính phủ đầu tư ký túc xá sinh viên. Trên phạm vi cả nước có 94 dự án nhà ở sinh viên được phân bổ nguồn trái phiếu Chính phủ tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 02 Bộ (Bộ Quốc phòng và Công an) với tổng số vốn là 5.500 tỷ đồng. Tổng số khối nhà ở (block) đang được triển khai xây dựng (tại 93 dự án đã được khởi công) là 250 khối nhà.

Thứ 13: Thực hiện chính sách tín dụng đào tạo. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến hết tháng 6/2010, đã có 1.915.774 học sinh, sinh viên của 1.723.782 hộ gia đình được vay vốn, với tổng dư nợ là 23.745,595 tỷ đồng. Trong đó, 786.739 sinh viên đại học được vay vốn, dư nợ 10.376,171 tỷ đồng và 584.201 sinh viên cao đẳng được vay vốn, dư nợ 7.354,241 tỷ đồng. Từ ngày 26/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng mức cho vay ưu đãi từ 800.000 đ/sinh viên/tháng lên 860.000đ/sinh viên/tháng.

Thứ 14:
Hoạt động của Công Đoàn ngành khối Đại học-Cao Đẳng tác động tích cực đến giáo dục đạo đức, nâng cao chất lượng dạy và học. Công đoàn Giáo dục Việt Nam khối các trường ĐH, CĐ đã chủ động sáng tạo phối hợp với chính quyền đồng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qui định của ngành; giáo dục phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tổ chức tốt các hoạt động chào mừng kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Công đoàn đóng vai trò chủ lực trong triển khai thực hiện các cuộc vận động; vận động đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội...

Kỳ tuyển sinh 2010 diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ảnh: gdtd.vn
Kỳ tuyển sinh 2010 diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ảnh: gdtd.vn

Những hạn chế

Bên cạnh thành tựu đạt được, trong năm học qua, giáo dục đại học vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Về phía các cơ quan quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH chưa hoàn thiện; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục chưa kịp thời; một số chính sách về GDĐH ban hành chậm, chưa đồng bộ; một số chính sách đã bộc lộ hạn chế, bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Trách nhiệm quản lý các cơ sở giáo dục ĐH của các Bộ, Ngành, UBND cấp tỉnh có trường ĐH, CĐ còn chưa được làm rõ, đôi khi còn chồng chéo chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý các cơ sở giáo dục ĐH còn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, nên. Hệ thống giáo dục ĐH phát triển nhanh về mạng lưới, quy mô, nhưng cơ chế, phương pháp quản lý chưa theo kịp.

Nhiều địa phương chưa dành đúng mức quỹ đất cho xây dựng trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, chưa kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm các quy định của pháp luật ở các cơ sở giáo dục ĐH.

Về phía các cơ sở giáo dục đại học, công tác quản lý ở một số trường còn lỏng lẻo, bộc lộ những hạn chế; thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; chưa tập hợp và phát huy được trí tuệ tập thể. Đào tạo CĐ, ĐH hệ không chính quy của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và hình thức đào tạo; hoạt động liên kết đào tạo có nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật; Sự gắn kết giữa đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học ở một số cơ sở chưa chặt chẽ. Một số trường ĐH, CĐ mới thành lập chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường. Năng lực quản lý của BGH một số trường ĐH, CĐ còn nhiều hạn chế. Các cơ sở giáo dục ĐH không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.

Chủ đề năm học 2010-2011 là: “Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo”.
Chủ đề năm học 2010-2011: Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng ĐT

Nhiệm vụ trọng tâm giáo dục ĐH năm học 2010-2011

Chủ đề năm học 2010-2011 là: “Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo”.

Trên cơ sở 5 yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục ĐH và chủ đề năm học 2010-2011, các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010-2011 đối với giáo dục ĐH tập trung vào những vấn đề: Tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học; công tác tuyển sinh và đào tạo; đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; công tác tổ chức và cán bộ; hợp tác và đào tạo quốc tế; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất; công tác học sinh, sinh viên; công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức các Hội nghị, hội thảo.

Về tuyển sinh, tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học theo hướng giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội cho các trường tất cả các khâu có liên quan. Xây dựng qui chế tuyển sinh đặc thù thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu của xã hội ở các khu công nghiệp tập trung, các vùng miền khó khăn.

Về đào tạo, các trường tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cho việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ; tăng cường giảng dạy kỹ năng mềm; các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra; tăng cường hợp tác trong đào tạo, NCKH với doanh nghiệp; tổ chức quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo; rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh; rà soát, điều chỉnh cơ cấu trình độ đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh...

Xây dựng Đề án phát triển kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2010-2020; hình thành các tổ chức kiểm định chất lượng GD; công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các nhà trường, kiện toàn các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng trong nhà trường. Chú trọng đầu tư làm tốt công tác tự đánh giá làm cơ sở để đăng ký thực hiện đánh giá ngoài. Tăng cường vai trò quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản đối với các trường trong việc triển khai công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và TCCN. Khuyến khích các trường tham gia các hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế. Xây dựng các tiêu chí về mức sàn trình độ ĐH...

Đề xuất với Bộ KH&CN để tham gia tuyển chọn nhiệm vụ cấp Nhà nước. Triển khai 176 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Tiếp tục triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học giáo dục “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên của các trường đại học sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế”. Xây dựng đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ hoạt động KH&CN của Bộ GD&ĐT.

Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học theo khối ngành. Kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của các trường, kiểm tra công quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các chế độ, chính sách (nghỉ hưu, BHXH, tinh giảm biên chế ...) tại các đơn vị. Khảo sát, đánh giá việc thành lập Hội đồng trường, hoạt động của Hội đồng trường (các trường đã thành lập) và đề xuất hướng xây dựng văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường ĐH&CĐ. Tiếp tục khảo sát đánh giá và tổng kết 15 năm hoạt động của mô hình đại học quốc gia, đại học hai cấp, để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp...

Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước và thỏa thuận quốc tế về giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học. Dự kiến trong năm học 2010-2011 có 1.200 học bổng NSNN, 575 học bổng hiệp định, 200 học bổng diện xử lý nợ và khoảng 100 học bổng từ các nguồn khác.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2020, dự kiến năm 2011 tuyển mới đào tạo tiến sĩ tăng 15%, đào tạo thạc sĩ tăng 10% so với năm 2010. Xây dựng kế hoạch đào tạo giai đoạn 2011-2015. Tăng cường giám sát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường thành lập trước năm 2010 nhưng chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập.

Từ năm 2011, Bộ khuyến khích các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tốp đầu giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học; giảm dần chỉ tiêu đào tạo các trình độ dưới đại học, tăng cường các điều kiện mở rộng quy mô đào tạo sau đại học và nâng cao chất lượng đào tạo đại học chính quy. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai thực hiện đề án xây dựng ký túc xá sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đến năm 2011 giải quyết được khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên theo Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ...

Hiếu Nguyễn (TH)

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ