Với sự trải nghiệm của bản thân, cô Chúc Liên, GV Trường THCS Đồng Đen, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ cách thức thực hiện hoạt động “Giáo dục đạo đức học sinh qua những câu chuyện kể”.
Dạy học bằng những câu chuyện trong thực tiễn đời sống
Một trong những nội dung cần nghĩ đến đầu tiên trong hoạt động “Giáo dục đạo đức học sinh qua những câu chuyện kể” đó là xây dựng trang lưu trữ dữ liệu. Dữ liệu ở đây là những câu chuyện cần thiết giúp học sinh phát triển tư duy, tình cảm thẩm mĩ, hình thành nên những đức tính tốt đẹp.
Những câu chuyện này nên chia tách thành những chủ đề cụ thể để giáo viên dễ dàng cập nhật, sử dụng. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ đã có rất nhiều trang lưu trữ dữ liệu đáng tin cậy và dung lượng lưu trữ khá cao, trong đó có: Google drive, Onedrive, … hoặc lưu trữ vào USB.
Giáo viên cũng phải xây dựng trang cá nhân, công cụ phổ biến các câu chuyện ấy, nếu sử dụng gián tiếp. Ở đây, bản thân chọn Facebook vì tiện dụng, linh hoạt và đa dạng hình thức thể hiện.
Thứ hai, cần xây dựng nội dung chuyện kể: Nội dung các câu chuyện được kể, giáo viên có thể sử dụng ở hai nguồn: Trước tiên là nguồn sưu tầm: Với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc tìm kiếm những câu chuyện kể mang tính giáo dục là không khó khăn gì. Giáo viên có thể tìm trên các trang sách, báo, đài, bản tin, … hoặc trên các trang thông tin, báo điện tử, … Điều này là rất dễ dàng.
Bản thân GV cũng sẽ chịu trách nhiệm đọc, kiểm duyệt và truyền thụ nội dung cho học sinh. Bên cạnh đó, việc đọc những câu chuyện đạo đức cũng giúp bản thân có thêm những tri thức, những bài học giá trị cho chính mình.
Tiếp đến, nội dung truyện kể là những câu chuyện trong thực tiễn đời sống mà bản thân nhìn, nghe hay đã trải nghiệm. Chính những nội dung này mang tính thuyết phục cao hơn đối với học sinh. Thật vậy, những điều gần gũi với các em, dễ dàng đi sâu vào tâm hồn hơn là những câu chuyện giáo điều, sách vở. Mặt khác, chính những kinh nghiệm quý báu của giáo viên về cuộc sống là những bài học quý giá để học sinh nhìn nhận thế giới quan xung quanh và hình thành nhân sinh quan của chính mình.
Nhiều giáo viên ngại chia sẻ về bản thân mình trước các em học sinh trên lớp học, hay ở những hoàn cảnh khác với ý nghĩ mất đi uy tín cá nhân, sự uy nghi của bản thân. Nhưng theo người viết nhận thấy việc chia sẻ về chính mình lại gây nhiều thú vị cho các em, từ đó học sinh càng quý mến giáo viên hơn, tin tưởng hơn.
Qua đó, các em tự tin hơn chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm, dự tính của các em với giáo viên; sẵn sàng xin những ý kiến đóng góp của giáo viên khi gặp vấn đề rắc rối để giải quyết đạt hiệu quả cao.
Truyền ngọn lửa yêu thương qua những câu chuyện kể
Trong thực tiễn bản thân đã có nhiều trải nghiệm khá thú vị khi chia sẻ với học sinh: Trở thành một nhà tư vấn tình cảm gia đình cho một phụ huynh khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế dẫn đến việc bất hòa trong quan hệ vợ chồng; trở thành nhà tư vấn chăm sóc sắc đẹp cho học sinh tuổi vị thành niên khi da mặt các em bị dị ứng và mụn nhọt; trở thành chuyên gia tâm lí cho học sinh cá biệt thay đổi chính bản thân mình. Chính những trải nghiệm đó khiến bản thân giáo viên tin tưởng và gắn bó hơn với môi trường làm việc, yêu thích hơn công việc, …
Cuối cùng, cần xác định không gian, thời gian kể chuyện: Chúng ta có thể thực hiện linh hoạt ở những khoảng thời gian, không gian khác nhau, như: Trong giờ học giáo viên lồng ghép các câu chuyện vào các đơn vị kiến thức, bài học giúp tiết học trở nên phong phú, đa dạng và thu hút hơn. Chính điều này giúp tiết học lí thú, nhẹ nhàng và đạt được hiệu quả nhất định.
Còn ngoài giờ học, giáo viên cũng có thể đăng tải các câu chuyện trên trang facebook của bản thân, trang nhóm lớp để các em đọc và theo dõi. Từ đó, học sinh có những suy ngẫm riêng và rút ra bài học của bản thân. Hoặc thể hiện trong những buổi gặp gỡ, trải nghiệm cùng nhau. Đó chính là những khoảnh khắc vàng để nắm bắt và giáo dục các em: vừa nhẹ nhàng, vừa đạt hiệu quả.
Và trong tiết học, mỗi giáo viên không thể nào phủ nhận được với ánh mắt long lanh của các em học sinh khi chúng ta kể những câu chuyện. Rồi tiếp đến là những tình cảm trong sáng, những quan niệm, suy nghĩ của các em được gợi lên. Dù kết quả của hoạt động giáo dục này không hiển hiện trên những hằng số nhưng đã là yếu tố kích hoạt giá trị sống của mỗi học sinh. Các em sẽ dần hoàn thiện bản thân hơn, hiểu hơn về cuộc sống, hình thành những thói quen tốt nhất định.
Nhà giáo dục phải luôn tin tưởng rằng “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim” và mãi truyền ngọn lửa yêu thương qua những câu chuyện kể. Chúng ta hãy luôn kì vọng về những con người hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và con người hạnh phúc trong tương lai nếu chúng ta gieo hạt hạnh phúc trong thực tại vào tâm hồn những đứa trẻ hôm nay.