Giáo dục đại học Iraq bị kéo lùi 10 năm bởi IS

GD&TĐ - Nhà nước Hồi giáo trong quá trình mở rộng phạm vi kiểm soát đã nhấn chìm xã hội văn minh, trong đó có cả GD đại học.

Nhiều giảng viên chen chân trong dòng người tị nạn
Nhiều giảng viên chen chân trong dòng người tị nạn

Giảng viên rơi vào thảm cảnh

Một giảng viên giấu tên công tác tại Trường ĐH Anbar (nằm tại Ramadi, thủ phủ tỉnh lớn nhất nước Al-Anbar), cho biết: Thậm chí ngay cả trước khi IS chiếm quyền kiểm soát hồi tháng 6/2014, giảng viên chúng tôi đã không thể tự do bày tỏ quan điểm về IS bởi một số sinh viên có dính líu với IS mà một số giảng viên đã bị những SV này đánh hội đồng. Thậm chí cho điểm kém với “một sinh viên thuộc IS” cũng là điều rất nguy hiểm.

Hiển nhiên là mọi chuyện tồi tệ hơn khi IS chiếm quyền kiểm soát. Kể từ lúc đó, chúng “đe dọa các học giả và muốn họ thành công cụ tuyên truyền cho chúng”. 

Các giảng viên bị bắt cóc và sát hại nếu không chịu tuân lệnh. IS cũng cấm các giảng viên rời khỏi khu nội trú của trường để làm lá chắn sống cho chúng… Trường Cao đẳng Al-Qaim đã bị IS chiếm giữ và chuyển đổi thành tòa án và nhà tù.

Một học giả kể lại: “IS bắt đầu bắt bớ giảng viên từng người một và tống họ vào tù, nơi trước đó chính là ngôi trường họ giảng dạy. Họ bị sỉ nhục, xúc phạm và tra tấn. Nhiều giảng viên bất chấp nguy hiểm chạy trốn khỏi thành phố”.

Thậm chí những người đã chạy trốn an toàn cũng thường bị dọa giết hoặc nhận thông tin con cái còn mắc kẹt lại đã bị bắt cóc. Những giảng viên chua xót nói rằng “tội lỗi” duy nhất của họ chỉ là muốn “cải thiện GD đại học tại đất nước mình và dạy kiến thức khoa học bị IS cấm và không chấp nhận”.

Đào thoát - con đường máu

Tình cảnh cũng tương tự với giảng viên tại ĐH Mosul, từng là trường lớn thứ hai tại Iraq. Hiện trường này ở tình trạng đóng cửa “bán phần”. 

Kể từ khi IS chiếm quyền kiểm soát Mosul tháng 6 năm ngoái đã dẫn tới giao tranh lớn giữa IS và quân chính phủ, khiến hàng ngàn dân thường mắc kẹt. Trong đó có hàng trăm giảng viên và hàng ngàn sinh viên chạy sang khu vực Kurrdistan cũng như các thành phố Iraq khác để lánh nạn.

Hoạt động giảng dạy đã ngừng tại tất cả các khoa Trường ĐH Mosul, ngoại trừ Sư phạm và Y. Kẹt giữa 2 làn đạn, cán bộ giảng viên đi cũng dở, ở cũng không xong. 

Chính phủ và Bộ Giáo dục Iraq không công nhận các trường đại học hoạt động dưới sự quản lí của IS, 10 trưởng khoa đã bị Bộ Giáo dục cắt chức ngày 21/4.

Đào thoát khỏi những khu vực IS đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn không dễ dàng, đòi hỏi cả tốn kém lẫn nguy hiểm. Khi IS phong tỏa Mosul, con đường duy nhất đào thoát là vượt sa mạc Anbar bằng con đường tới Baghada. 

Chặng đường này kéo dài ít nhất 2 tới 3 ngày và tiền taxi là hơn 1.000 USD. Việc di chuyển trên con đường này đầy nguy hiểm khi máy bay liên quân quốc tế thường xuyên oanh tạc.

Với những người đã thoát được tới Kurdistan, một núi khó khăn đang chờ họ. Hầu hết phải sống trong trại tị nạn. Những giảng viên tị nạn này cũng thường không được các trường đại học nơi họ tới tị nạn tiếp nhận.

Hy vọng duy nhất với những giảng viên ĐH Mosul tị nạn là chính phủ Baghdad sẽ tìm một địa điểm phù hợp tại Kurdistan để đặt lại ĐH Mosul.

Bên cạnh đe dọa mạng sống các giảng viên đại học, IS cũng phá hủy hạ tầng giáo dục đại học và sau đại học tại Al-Anbar. Sách và tài liệu nghiên cứu bị đốt, nhà của giảng viên, thư viện, máy tính và xe hơi của họ bị phá hủy.                                                                                                                                                                                   Năm học 2014 đã gián đoạn và nhiều sinh viên phải bỏ dở giữa chừng. Toàn bộ các dự án nghiên cứu bị đình trệ và có lẽ là mãi mãi. Nhiều giảng viên đại học nhìn nhận GD đại học đã bị kéo lùi 10 năm tại khu vực IS chiếm đóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ