Giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức:Cạnh tranh bằng uy tín và chất lượng

Giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức:Cạnh tranh bằng uy tín và chất lượng
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải

(GD&TĐ) - Trên nhiều diễn đàn, hội nghị liên quan đến đào tạo đại học, “cạnh tranh” là cụm từ chưa có quản lý nhà trường nào nói ra, nhưng ai cũng nghĩ đến điều đó. Thực tế cho thấy nhiều năm nay, ở loại hình dịch vụ đặc biệt này, tình trạng cạnh tranh người học diễn ra rất quyết liệt.

Để lôi kéo người học, nhiều trường đã triển khai rầm rộ các chiến dịch truyền thông, từ phát tờ rơi, gửi thông tin ngành học nhằm hấp dẫn thí sinh, cấp học bổng cho đến trực tiếp làm việc với các trường THPT thương thảo cho có học sinh. 

Cạnh tranh

Hết ngày 30/11, đây là mốc thời gian được quy định để các trường ĐH, CĐ kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển. Nhiều trường tuyển sinh chỉ được 20 - 30%, có trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên. Trong đó phải nói khó khăn nhất là các trường ngoài công lập.

Cho dù Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập đã dùng mọi cách để “cứu”, kể cả kêu lên Thủ tướng Chính phủ, thể theo kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (Vipua) và thực tế tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho các trường gọi nhập học. Nhưng kết thúc mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, nhiều trường vẫn bế tắc.

Ở phía Bắc, Trường Đại học Chu Văn An với quy mô đào tạo đến 6.000 sinh viên nhưng nhận được chưa tới 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đại học quốc tế Bắc Hà, Đại học Thành Đô cũng chỉ tuyển được từ vài chục đến trăm chỉ tiêu. Miền Trung, Trường Đại học Phú Xuân (Huế) chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu, các ngành tiếng Trung, tiếng Pháp, điện tử phải đóng cửa do không có người học.

Tệ hơn, Trường Đại học Yersin (Đà Lạt), chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu. Những ngành môi trường, công nghệ sinh học, tiếng Anh, tin học phải đóng cửa. Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) chỉ mở được hai ngành tiếng Anh và tiếng Trung với hơn 20 sinh viên.

Các trường đang cạnh tranh nhau từng người học là một thực tế chắc chắn quản lý nhà trường nào cũng biết. Thực tế cho thấy khi đã có cạnh tranh ở các nhà cung cấp thì người tiêu dùng được lợi, họ sẽ chọn lựa sản phẩm tốt, phù hợp với điều kiện khả năng tài chính của mình là điều hiển nhiên.

Có thể dẫn chứng việc này, trong số các trường ngoài công lập đang hoạt động thu hút được người học do đã tạo dựng được uy tín với xã hội như Đại học Thăng Long, Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội... Những mất ổn định nội bộ khiến các trường sút giảm uy tín và người học xa lánh là Đại học dân lập Hải Phòng, Đại học Đông Đô.

Ngay cả với trường công lập, không phải trường nào cũng thuận lợi trong tuyển sinh, các đại học địa phương, đại học vùng cũng rơi vào khó khăn chung như ở Đại học Thái Nguyên, các trường thành viên là Đại học Nông lâm, Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Khoa học chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.

Ở phía Bắc và Nam, Phân hiệu Quảng Trị của Đại học Huế và Phân hiệu Ninh Thuận của Đại học Nông lâm TPHCM cũng rất khó khăn về nguồn tuyển dẫn đến buộc phải ghép sinh viên vào một số ngành để đào tạo.

Một minh chứng cho thấy người học quyết định là chính, như Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, khi còn là cao đẳng trường này có số thí sinh dự thi luôn vào loại cao nhất, điểm trúng tuyển có ngành học ngang ngửa với trường đại học. Nhưng từ khi được nâng cấp lên đại học thì 2 năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh vào trường giảm hẳn.

Khẳng định bằng chất lượng

 Chạy đua mở trường, mở ngành đào tạo mà không tính đến những hệ lụy có thể xảy đến là điều giờ đây ai cũng thấy. GS Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra có trường đặt vấn đề với ông “mượn” tên giảng viên của trường để mở ngành học. Thử hỏi, những trường đại học, những ngành đào tạo “non” như thế thì xã hội, người học nào dám tin tưởng mà theo học.

Phải tự khẳng định mình bằng chính uy tín và chất lượng, theo GS Hoàng Xuân Sính – sáng lập viên của Đại học Thăng Long, đến nay trường này vẫn duy trì năm khoa đào tạo quy mô 9.000 -10.000 sinh viên, đây là con số mơ ước của nhiều trường đại học.

Hay như Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng, chất lượng thực trong đào tạo cũng đã làm nên uy tín của trường này. Còn ở phía Nam, Đại học Lạc Hồng là trường ngoài công lập khá nổi đình đám khi đầu tư mạnh vào giảng dạy và nghiên cứu, giải thưởng từ các cuộc thi Robocon đã đem lại thương hiệu cho trường.

Còn với các trường công lập, thì cũng chỉ những đại học lâu đời, có tên tuổi đã tạo dựng được uy tín xã hội thu hút được số đông người học.

Còn những trường mới thành lập, nâng cấp, cho dù có được những thuận lợi do có sẵn hạ tầng cơ sở của Nhà nước, nhưng nếu trường nào biết phát huy thế mạnh để phát triển bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thì sẽ tạo dựng được thương hiệu của mình, còn ngược lại chỉ chăm chăm tuyển sinh thì sẽ yếu thế khi cạnh tranh vì người học sẽ có những đánh giá khách quan, chính xác.

Thực tế là cũng không nhiều trường ngoài công lập làm được như Đại học Thăng Long hay Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, vì cũng cần phải có thời gian để tạo dựng uy tín.

Giờ đây, khó khăn trong tuyển sinh hiện không chỉ có ở các trường ngoài công lập mà cả các trường công lập là các đại học địa phương, đại học mới được nâng cấp.... cũng cần phải có thời gian tạo dựng uy tín với xã hội.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi cho ngành Giáo dục, vì cạnh tranh là điều khó tránh khỏi, mà phải chấp nhận.

Hay ở một trường cũng mới thành lập là Đại học Đại Nam, TS Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường này xác định: Không có nguồn tuyển là khó khăn chung, nhưng chúng tôi kiên trì khắc phục bằng việc tạo dựng uy tín với người học và xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Năm nay có khoảng 10 trường đại học chỉ tuyển được khoảng 10% mặc dù Bộ đã mở rộng nguồn tuyển cho các trường rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các trường khó tuyển sinh là vị trí địa lý và uy tín, nhất là đối với các trường ra đời chưa lâu.

Hiện đã có nhiều trường gửi đề án tuyển sinh riêng và Bộ đang nghiên cứu để sửa đổi quy chế tuyển sinh, dự kiến tháng 11 hoặc 12 sẽ hoàn thành.

Mặc dù luật quy định các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng cần phải có quy chế để tạo hành lang pháp lý. Khi quy chế hoàn thành, bộ xem xét trường nào đủ điều kiện sẽ được giao tự chủ tuyển sinh riêng.

Hiên Kiều

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.