Giáo dục đại học: Chìa khóa thúc đẩy tăng năng suất lao động

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Học viện Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giáo dục đại học là chìa khóa thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho Học viện Tài chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho Học viện Tài chính.

Sự kiện diễn ra ngày 19/11 tại Hà Nội. Về dự có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ.

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo lời tri ân và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.

Động lực then chốt phát triển đất nước

Khẳng định quan điểm nhất quán "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng đào tạo đại học, sau đại học đóng vai trò quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Cần cụ thể hóa triết lý giáo dục "Công dân toàn cầu trong thế giới thay đổi" gắn liền với các giá trị cốt lõi "chất lượng, uy tín, hiệu quả, chuyên nghiệp và hiện đại".

Ngoài ra, cần làm rõ hơn mục tiêu Học viện Tài chính trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Học viện cần xác định rõ mô hình phát triển; rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phát triển hệ sinh thái nhà trường; nghiên cứu thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán mà Học viện có thế mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ.

Nhấn mạnh “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự phát triển của nhà trường, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Học viện Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống, có các chính sách đột phá, khả thi để xây dựng Học viện trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực”, có chính sách thu hút, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các sinh viên xuất sắc, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có trình độ ngang tầm với khu vực và thế giới.

Ưu tiên nguồn lực phát triển Học viện

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, tập trung đầu tư, ưu tiên các nguồn lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển Học viện Tài chính có đủ tiềm lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao tri thức, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Học viện Tài chính mở rộng địa điểm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngang tầm nhiệm vụ, sớm chuyển đổi và xây dựng phát triển theo mô hình Học viện thông minh;

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Học viện Tài chính ổn định quy mô, đồng thời phát huy truyền thống đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong môi trường đại học đa ngành, môi trường số, góp phần thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Học viện Tài chính 60 bộ máy tính và trang thiết bị giảng dạy, học tập.

Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Học viện Tài chính 60 bộ máy tính và trang thiết bị giảng dạy, học tập.

Nhân dịp Học viện Tài chính thành lập Quỹ Phát triển giáo dục Tâm-Tài-Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Học viện vận hành hiệu quả quỹ này, dành nguồn lực thỏa đáng để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên xuất sắc; hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để Học viện Tài chính trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo có chất lượng và uy tín của cả nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Học viện Tài chính 60 bộ máy tính và trang thiết bị giảng dạy, học tập; trao tặng Quỹ Phát triển Giáo dục Tâm - Tài – Chính 100 triệu đồng. Tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Học viện Tài chính, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ đã trao biểu trưng Nhà giáo tiêu biểu vinh danh Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ.

Diễn văn kỷ niệm của PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh, cách đây tròn 60 năm, trước yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện chiến tranh, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 31/7/1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 117/CP thành lập Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Trung ương, trực thuộc Bộ Tài chính (tiền thân của Học viện Tài chính ngày nay).

60 năm qua, với các hệ đào tạo đại học, cao học và nghiên cứu sinh, Học viện đã đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực chất lượng cao cho đất nước, trong đó có trên 500 tiến sỹ, gần 10.000 thạc sỹ kinh tế, không chỉ cho đất nước ta mà còn đào tạo cho các nước bạn Lào, Campuchia.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm luôn đứng đầu trong số các trường có tỷ lệ việc làm cao của sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp, khảo sát năm 2018 là trên 98%, năm 2023 là 98,3%.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính trình bày diễn văn kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính trình bày diễn văn kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển.

Hiện, Học viện Tài chính có 31 đơn vị, trong đó có 14 khoa; 12 ban và tương đương; 5 đơn vị sự nghiệp. Đào tạo 6 ngành với 22 chuyên ngành; Với tổng số viên chức, người lao động hiện đạt khoảng 650 người, trong đó có gần 450 giảng viên; trên 30 nghiên cứu viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ