Giáo dục Campuchia: Cải cách để chuẩn bị cho hậu đại dịch

GD&TĐ - Có hơn 1/3 số dân dưới 15 tuổi, tỷ lệ người học đại học của Camphuchia tăng quá chậm.

Học sinh Campuchia trong lớp học.
Học sinh Campuchia trong lớp học.

Theo kế hoạch chiến lược 4 năm cho ngành giáo dục được công bố trước đại dịch Covid-19, chính phủ Campuchia hy vọng 16% tổng số học sinh tốt nghiệp THPT sẽ đăng ký vào trường đại học năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể không đạt được.

Đáp ứng mục tiêu đa dạng

Theo Bộ Giáo dục Campuchia, đại dịch Covid-19 không chỉ khiến năm học bị gián đoạn, mà còn khiến nhà chức trách phải quyết định cho hơn 120 nghìn học sinh lớp 12 không phải thi tốt nghiệp. Ngoài ra, khi các gia đình thấy thu nhập bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, nhiều học sinh đã hoãn việc theo học đại học.

Nền giáo dục Campuchia đang ở một bước ngoặt, không những phải thu hút các em trở lại lớp học, mà còn phải nâng cao trình độ của học sinh các cấp học. Hệ thống giáo dục Campuchia cần hướng tới việc hỗ trợ các ngành công nghiệp mà nước này hy vọng sẽ thúc đẩy được trong những năm tới.

Campuchia nhận ra, họ không thể chỉ dựa vào sản xuất hàng may mặc, sản xuất hàng giá trị thấp và du lịch. Trong khi đó, các quốc gia lớn hơn như Ấn Độ hoặc Indonesia đang tìm cách thu hút các công ty nước ngoài khi họ tìm cách xây dựng năng lực công nghiệp.

Mặt khác, sự sụp đổ nhanh chóng của thời trang nhanh và du lịch cho thấy, các doanh nghiệp Campuchia dễ tổn thương như thế nào trước các cú sốc bên ngoài. Nói một cách khác, hàng hóa và dịch vụ trong những lĩnh vực này không phải là nhu cầu thiết yếu.

Trong khi đó, mối đe dọa tiềm tàng của tự động hóa có thể khiến nhiều người làm công việc quen thuộc ở đây bị thất nghiệp.

Sinh viên Campuchia.
Sinh viên Campuchia.

Theo Chính sách Phát triển Công nghiệp Campuchia 2015 - 2025, chính phủ nước này hy vọng ngành sản xuất phi dệt may sẽ chiếm hơn 15% nền kinh tế trong những năm tới và tỷ lệ này sẽ cần tăng thêm nữa.

Các lĩnh vực như chế biến nông sản, sản xuất phụ tùng xe đạp, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, sản xuất thiết bị và dụng cụ y tế, điện tử, phụ tùng ô tô và tiện ích… sẽ phát triển khi Campuchia ký kết các hiệp định thương mại với nước ngoài.

Để bảo đảm sự phát triển của các lĩnh vực trên, Campuchia cần có thêm nhiều sinh viên theo học các ngành khoa học, công nghệ, giáo dục và quản lý (STEM). Năm 2018, chỉ 27,1% sinh viên theo học các khóa học này tại trường đại học.

Các trường học sẽ cần thúc đẩy chương trình giảng dạy tập trung vào STEM mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, họ cần thực hiện những chương trình tiếp cận để bảo đảm học sinh đã bỏ học quay lại trường. Trong khi đó, sinh viên cần được tư vấn về các cơ hội việc làm tiềm năng.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu Campuchia chỉ tập trung vào các khóa học liên quan đến STEM. Các ngành công nghiệp cũng đang chuyển đổi và đòi hỏi một kỹ năng khác với những gì phổ biến trước đây.

Ví dụ, Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp Campuchia của Ngân hàng Thế giới sẽ đầu tư 91,7 triệu USD nhằm giúp ngành này đa dạng hóa việc sản xuất gạo. Đồng thời, dự án cũng rộng mở thị trường trong nước và quốc tế cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ. Nuôi trồng thủy sản cũng là một lĩnh vực tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc. Những người làm nông nghiệp trong tương lai ở Campuchia sẽ cần sử dụng các phương pháp hiện đại và học hỏi về các loại hình canh tác mới, bao gồm nuôi trồng thủy sản.

Người Campuchia cần được tạo điều kiện ngay từ nhỏ để họ tự tin với máy móc hiện đại, học hỏi những kỹ thuật mới và mở rộng kiến thức về các sản phẩm nông nghiệp. Họ cũng sẽ cần nâng cao giao tiếp đa văn hóa để làm việc hiệu quả với các đối tác quốc tế.

Cuối cùng, học sinh phải nhận được nền giáo dục mà họ cần để hỗ trợ sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số như thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý những công ty như vậy có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “dày vốn” ở các nước    láng giềng.

Trường Đại học Campuchia.
Trường Đại học Campuchia.

Tăng cường đối thoại giữa các bên

Các tổ chức khác nhau sẽ cần hợp tác hiệu quả và hướng việc giáo dục thanh thiếu niên đi đúng hướng. Đặc biệt, các công ty Campuchia cần đầu tư tích cực hơn vào giáo dục và cung cấp hướng dẫn cho các trường học, các nhóm xã hội dân sự và thậm chí cả các cơ quan chính phủ.

Đã có một số ví dụ tích cực cho thấy các tập đoàn đang bắt đầu coi trọng giáo dục hơn rất nhiều. Một trong những tập đoàn lớn nhất Campuchia là Prince Holding Group đã liên tục đóng góp cho giáo dục bằng cách tìm kiếm các giải pháp có tầm ảnh hưởng lâu dài. Họ đã giúp khai trương trường học chế tác đồng hồ đầu tiên của Campuchia. Đây được xem là cách phục hồi danh tiếng của Campuchia với vai trò là nơi có nghề thủ công xuất sắc từ một kỷ nguyên trước đó, mở ra tiềm năng thu hút các thị trường xa xỉ và quảng bá người Campuchia trên thế giới.

Ngoài ra, nhà điều hành viễn thông hàng đầu Campuchia là Smart Axiata đã nỗ lực cải thiện giáo dục ở cả cấp độ cơ bản và hỗ trợ doanh nhân.

Quốc gia thay đổi thì giáo dục cũng thay đổi

Theo tờ Bangkok Post (Thái Lan), ước tính “30 - 40% thanh niên trên 15 tuổi, chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều quốc gia, muốn được nhận làm công việc mà không còn tồn tại vào thời điểm họ tốt nghiệp”. Do vậy, giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi bền vững cho          Campuchia sau đại dịch Covid-19.

Với những cải cách giáo dục đúng đắn, Campuchia có thể bảo đảm thanh niên của mình không phải học để làm những việc không còn tồn tại khi các em tốt nghiệp. Quốc gia này có thể bảo đảm tiếp tục giai đoạn phát triển ấn tượng kéo dài 2 thập kỷ diễn ra trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Campuchia có khả năng chuyển đổi thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao với lực lượng lao động được đào tạo, được nhiều khách du lịch và khách hàng ở thị trường nước ngoài biết đến.

Theo California News Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.