Trung Quốc: Đau đầu về hình phạt dành cho HS

GD&TĐ - Những hình phạt áp dụng đối với HS là vấn đề mà phụ huynh, GV, các nhà chức trách GD phải đau đầu. Phạt như thế nào, trao cho GV quyền hạn ra sao là những điều đang được bàn luận nhiều ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để đưa ra một quy tắc cho việc phạt HS dường như không dễ dàng.

GV Trung Quốc gặp khó khăn trong việc lựa chọn hình phạt cho HS
GV Trung Quốc gặp khó khăn trong việc lựa chọn hình phạt cho HS

Được ủng hộ khi phạt theo luật

Zhang Zhaobao - bố cậu bé Haohao - phải cho con chuyển trường trong mùa hè vừa qua vì cho rằng con anh đã được một GV có xu hướng bạo lực dạy dỗ. Haohao thường bị véo vào mặt hoặc chân vì không hoàn thành bài tập về nhà đúng thời hạn, hay nói chuyện trong lớp tại Trường Tiểu học Kaixuan ở hạt Linyi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc – anh Zhang Zhaobao cho biết.

“Một số hình phạt nhỏ để cảnh báo con tôi thì không vấn đề gì, nhưng thế này là quá nghiêm trọng và cô giáo không hề liên lạc với chúng tôi trước” – anh Zhang cho biết khi đề cập tới GV chủ nhiệm của Haohao.

Hình phạt về thân thể bị cấm ở các trường Trung Quốc, tuy nhiên cách truyền thống để buộc SV nghe lời và chăm học này vẫn tồn tại, như Haohao đã trải qua.

Đây là một vấn đề tạo ra các cuộc tranh luận mới. Hiện không có luật nào ở Trung Quốc quy định cụ thể điều gì cấu thành hình phạt thân thể và cách giám sát nó như thế nào mà chỉ có các chỉ thị từ Bộ GD và các phòng GD địa phương.

Tuy nhiên, các nhà chức trách ở tỉnh Quảng Đông đang xem xét một dự thảo để hợp pháp hóa một số biện pháp thường được sử dụng.

Theo quy định đề xuất, GV tại trường tiểu học và trung học có thể sử dụng hình phạt đứng trước lớp hoặc chạy bộ cho các hành vi như ném vật cứng, xô đẩy, gây tiếng ồn quá mức và đạo văn.

Trong một cuộc thăm dò của hãng tin Southern Daily trên mạng xã hội Weibo, 2/3 trong số 28.000 người được hỏi cho rằng, họ không coi những hình phạt đó là hình phạt về thân thể.

Ở Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, hơn 80% trong số khoảng 1.000 người được hỏi trong cuộc thăm dò của báo Thành Đô Business News nói rằng, họ ủng hộ GV phạt HS theo luật.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lo lắng về việc mức độ GV được sử dụng hình phạt trên không rõ ràng.

Anh Zhang cho biết, anh có thể đánh đòn Haohao khi cậu làm gì đó kinh khủng và nói chung anh coi việc con trai bị phạt đứng một góc ở trường là điều chấp nhận được.

Tuy nhiên, GV của Haohao “sẽ để cậu đứng trong hành lang cả buổi sáng. Điều này khiến cậu không biết bài tập về nhà của hôm đó như thế nào, kết quả là cậu không nộp bài tập vào ngày hôm sau và lại bị phạt thêm lần nữa”.

Cô Jessica Liu có con gái 9 tuổi học tại một trường tiểu học ở trung tâm Thượng Hải, cô cho biết mọi thứ “đã tốt hơn” so với hồi cô đi học.

“Khi tôi còn bé, mỗi lớp đều có một chiếc roi tre gọi là “thước dạy học”, nó được GV dùng để chỉ lên bảng đen” – cô Liu nói – “Nhưng một chức năng quan trọng khác của nó là để phạt những HS không nghe lời. HS có thể bị đánh vào đầu, điều mà ngày nay không thể tưởng tượng được”.

Một HS mầm non Trung Quốc bị phạt nằm ngoài trời nắng vì không chịu ngủ trưa
 Một HS mầm non Trung Quốc bị phạt nằm ngoài trời nắng vì không chịu ngủ trưa

Không dễ dàng để đưa thành luật

Một phụ huynh tên Maggie Zeng cho biết từng giúp con gái lớp 8 của mình làm bài tập vì sợ con bị phạt do không nộp bài đúng thời hạn. “Từ lớp 7, GV của con sẽ yêu cầu HS tập squat (động tác tập tạ và mông) 80 hoặc 100 lần nếu họ không làm bài tập đúng thời hạn” – cô nói.

“Giờ GV này không còn dùng cách đó mà dùng biện pháp khác như dọn vệ sinh lớp học hay lau bảng, điều này với tôi là được. Tôi cho rằng, GV khó có thể biết chính xác thể lực của HS, do đó có thể làm hại sức khỏe của các em. Một HS chưa ăn sáng mà GV không biết có thể sẽ ngất nếu phải chạy vào buổi sáng”.

Những trường hợp ngược đãi trong trường học, thậm chí trong trường mầm non đã gây phẫn nộ trong cộng đồng, nhưng chính phủ đang cố gắng đảm bảo GV có thẩm quyền bằng cách cho họ đưa ra các hình phạt.

Trong một chỉ thị hồi tháng 7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ra lệnh cho quan chức địa phương “thực hiện các quy tắc chi tiết để làm rõ quyền của GV trong việc đưa ra các hình phạt định hướng GD”.

“Có sự đồng thuận rằng GV phải có hành động kỷ luật đối với HS, nhưng làm thế nào để làm việc đó vẫn là một câu hỏi khó” – Phó Giám đốc Xiong Bingqi của Viện Nghiên cứu GD thế kỷ 21 cho biết.

Ông Xiong nói rằng, các nhà chức trách địa phương cần cụ thể hơn về loại hành vi sai trái có thể dẫn đến hình phạt, mức độ hình phạt và ai nên giám sát quá trình này. Nếu không làm rõ, phụ huynh và GV sẽ đều lo lắng.

Lau bảng có thể là một hình phạt dành cho HS

“Các bậc phụ huynh có thể lo ngại về việc GV lạm dụng quyền của mình, trong khi đó GV có thể làm ngơ những HS vi phạm kỷ luật vì họ sợ bị buộc tội vi phạm quy tắc ứng xử” – ông Xiong nói.

GV Shen Hongxia của một trường tiểu học ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cảm thấy việc làm GV ngày càng khó hơn.

“Tôi nghĩ rằng hình phạt thân thể về mặt nào đó cũng cần thiết, nhưng nhiều GV đã bị kỷ luật vì phạt HS” – cô nói.

Cô Shen chọn cách yêu cầu HS cư xử sai tự chọn một hình phạt từ chạy, dọn vệ sinh lớp học hay chép từ vựng tiếng Anh. Cô nói rằng chưa nhận được lời than phiền nào từ phía các vị phụ huynh.

Tuy nhiên, anh Zhang cho rằng sự lạnh lùng của cô giáo Haohao là một lý do để anh cho con chuyển trường. Anh cho biết, Haohao đã tốt hơn nhiều kể từ khi chuyển trường nhưng cậu vẫn thường xuyên được điều trị về tâm lý.

“Điều khiến tôi đau lòng nhất là cô ấy yêu cầu HS khác không được nói chuyện với con tôi” – anh nói – “Cô ấy muốn cô lập thằng bé”.

“Nó từng rất vui vẻ và cởi mở, nhưng nó trở nên rất nhạy cảm. Những đứa trẻ khác xin cha mẹ mình chơi với chúng, nhưng điều này ngược lại ở nhà tôi. Hàng ngày sau giờ đi làm, tôi phải xin nó chơi với tôi để cổ vũ nó” – bố Haohao cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ