Singapore: Hai thiếu niên phát minh nền tảng học trực tuyến miễn phí

Để giúp đỡ trẻ em được tiếp cận với giáo dục trong thời gian dịch bùng phát, hai thiếu niên tại Singapore đã thiết lập nền tảng trực tuyến hoàn toàn miễn phí.

Mihika và Arsh đã tạo ra nền tảng Explorexa.
Mihika và Arsh đã tạo ra nền tảng Explorexa.

Là một thành viên tham dự chương trình tình nguyện giúp đỡ trẻ em kém may mắn, Mihika Mishra (15 tuổi) tại Singapore thường đến căn hộ HDB hằng tuần và giảng dạy cho một cô bé ba tuổi.

“Vì đại dịch, chương trình đã phải tạm dừng. Tôi tự hỏi rằng, không biết cô bé đã phải trải qua những gì. Tôi muốn tạo ra một nền tảng, cho phép những đứa trẻ như cô bé có thể tham gia một số hoạt động vui chơi hoặc khám phá”, Mihika chia sẻ.

Từ đó, Mihika cùng bạn học Arsh Sheikh đã suy nghĩ về cách có thể giúp trẻ em tham gia vào các hoạt động mới, trong bối cảnh đại dịch bùng phát.

“Dựa trên hoàn cảnh khó khăn của nhiều trẻ, tôi muốn cung cấp cho các em một nền tảng miễn phí. Tôi cũng biết rằng, sẽ có nhiều em muốn theo đuổi đam mê trong khi vẫn giữ khoảng cách an toàn”, Arsh cho biết.

Giải pháp mà đôi bạn này đưa ra là Explorexa - nền tảng sử dụng Zoom để tổ chức bài học miễn phí kéo dài 45 phút cho trẻ em từ 3 - 18 tuổi. Các buổi học diễn ra 3 tuần một lần, với chủ đề từ nghệ thuật hay làm bánh, đến ca hát và nhảy múa. Các bài học được giảng dạy bởi những sinh viên có tài năng hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực.

Arsh cho biết, người hướng dẫn đều ở độ tuổi từ 13 - 18, giúp bài học trở nên gần gũi hơn với trẻ em. Những người đồng sáng lập nền tảng này sẽ yêu cầu giáo viên chứng minh kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, người hướng dẫn sẽ được cho biết những điều nên và không nên làm.

Ví dụ, giáo viên sẽ không được phép yêu cầu người học bật camera trong giờ, nhằm bảo vệ quyền riêng tư. Ngoài ra, việc dừng lại sau mỗi 15 phút, nếu người học có thắc mắc là điều cần thiết. Arsh chia sẻ, những quy định này đã khiến học sinh hào hứng.

“Đó không phải là một khung cảnh lớp học chính thức, mà chỉ là một môi trường tương tác, nơi những đứa trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái để đặt câu hỏi và say mê với hoạt động”, Mihika nói.

Các bài học có thể bao gồm lời giải thích cơ bản, video được ghi sẵn và những buổi hướng dẫn trực tiếp. Ví dụ, một bài học về nghệ thuật graffiti sẽ bao gồm phần giới thiệu về các bản phác thảo, cũng như cách vẽ nhân vật hoạt hình nổi tiếng “chú bọt biển tinh nghịch”.

Những người quan tâm có thể truy cập trang web để biết danh sách các hoạt động sắp tới, trước khi đăng ký tham dự. Trước một ngày học, người đăng ký sẽ nhận được liên kết Zoom. Người hướng dẫn cũng có thể đăng ký thông qua một mẫu riêng.

Kể từ khi được ra mắt vào tháng 7, Explorexa đã có khoảng 120 lượt đăng ký với 18 bài học, bao gồm các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ và các chủ đề như lập trình và kinh doanh. Một số người đăng ký đến từ các quốc gia như Na Uy, Oman và Australia.

“Phần lớn người học của chúng tôi đến từ các trường quốc tế, nhưng chúng tôi thực sự muốn mở rộng nền tảng này tới các trường địa phương, hoặc thậm chí với những trẻ em không có cơ hội đến trường”, Mihika cho biết.

Tuy nhiên, Mihika và Arsh đã gặp không ít khó khăn trong quá trình tạo ra Explorexa. Đôi bạn này chia sẻ đã mất khá nhiều thời gian để quyết định cách thức tiến hành các bài học và cân nhắc việc bắt đầu kênh YouTube.

“Chúng tôi nghĩ rằng, các phiên trực tiếp sẽ phù hợp nhất với trẻ em vì chúng đòi hỏi sự tương tác và là môi trường phù hợp nhất. Thay vì chỉ xem video, trẻ có thể đặt câu hỏi và học tốt hơn”, Mihika nói.

Thời gian mới bắt đầu, đôi bạn đã dành nhiều giờ để xem hướng dẫn trực tuyến về thiết kế trang web bằng nền tảng Wix, nghiên cứu chi tiết về chọn giao diện và màu sắc phù hợp nhất đối với trẻ em.

“Thực sự tốn rất nhiều thời gian vì chúng tôi cần phải xem qua hướng dẫn để hiểu được một tính năng. Wix là một trang web thực sự rộng lớn với rất nhiều tính năng. Do đại dịch, chúng tôi thực sự không có bất cứ điều gì khác để làm và chỉ nỗ lực hết mình vào trang web”, Arsh chia sẻ.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.