Italy: Đưa biến đổi khí hậu vào giáo dục bắt buộc

GD&TĐ - Các trường công lập tại Italy sẽ đưa vấn đề môi trường vào chương trình dạy học. Chính sách này được cho là có thể giúp Italy trở thành quốc gia dẫn đầu về giáo dục môi trường.

Bộ trưởng GD Italy, ông Lorenzo Fioramonti
Bộ trưởng GD Italy, ông Lorenzo Fioramonti

Tiên phong trong giáo dục môi trường

Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục Italy, ông Lorenzo Fioramonti cho biết, vào năm 2020 các tổ chức GD công lập tại nước này sẽ sớm đưa ra những chương trình yêu cầu HS ở mọi cấp độ tìm hiểu và nghiên cứu về biến đổi khí hậu, cũng như tính bền vững. Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti nhận định, động thái này có khả năng giúp cho Italy trở thành quốc gia đi đầu thế giới trong việc GD môi trường.

Theo kế hoạch, các bài học về môi trường sẽ được dạy như một phần của môn học GD công dân. Học sinh ở tất cả các trường công lập trên cả nước sẽ có 33 giờ học mỗi năm về các vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, một số môn học truyền thống, như địa lý, toán học hoặc vật lý, sẽ được giảng dạy dưới góc độ phát triển bền vững. Không ít nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ sự ủng hộ trước chương trình GD này. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo đã thể hiện lo ngại.

Ông Edoardo Zanchini, Phó Chủ tịch của Legambiente - Hiệp hội Bảo vệ môi trường của Italy nhận định, việc dạy cho trẻ em về tính bền vững là điều “vô cùng cần thiết”. Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh rằng, trách nhiệm đó không nên chỉ đơn giản là truyền lại cho trẻ em. “Khoa học nói với chúng tôi rằng, khoảng thời gian 10 năm tới sẽ rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta không thể chờ đợi đến thế hệ tiếp theo”, ông Zanchini nói.

Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti là một thành viên của Phong trào Năm sao - đảng chính trị từ lâu đặt mối quan tâm về môi trường lên hàng đầu. Không ít chính sách của ông như ủng hộ đánh thuế đường và nhựa, hay khuyến khích SV tham gia các cuộc biểu tình về khí hậu vào tháng 9 năm ngoái thay vì tới lớp học... đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Phát biểu với truyền thông, ông Lorenzo Fioramonti cho biết, kể từ tháng 9/2020, giáo viên sẽ cung cấp các bài học về biến đổi khí hậu cũng như bền vững môi trường tới HS. Bài học kéo dài 33 giờ/năm được áp dụng như chương trình thí điểm. Sau đó, nội dung của Hội nghị Thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ được đưa vào toàn bộ chương trình giảng dạy.

Trả lời câu hỏi cho rằng, liệu môn Địa lý có phải chỉ đơn thuần là cho phép HS nghiên cứu tên địa điểm và các vị trí, ông Fioramonti khẳng định, chuyện đó sẽ không xảy ra. “Các khóa học địa lý sẽ yêu cầu người học nghiên cứu về tác động mà hành động của con người mang lại đối với hành tinh”, ông nói.

Cũng theo Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti, một nhóm các chuyên gia - bao gồm Jeffrey D. Sachs, Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard và Kate Raworth của Viện Thay đổi Môi trường thuộc Trường ĐH Oxford, sẽ đóng vai trò là “đồng nghiệp thẩm định”, giúp nhân viên của Bộ GD chuẩn bị cho chương trình GD môi trường. Theo kế hoạch, Bộ GD sẽ đào tạo giáo viên về chương trình mới vào tháng 1/2020.

“Đối với trẻ em từ 6 - 11 tuổi, chúng tôi đang nghĩ đến việc sử dụng mô hình truyện cổ tích. Những câu chuyện từ các nền văn hóa khác nhau sẽ nhấn mạnh mối liên hệ với môi trường”, ông Lorenzo Fioramonti chia sẻ. Bên cạnh đó, HS bậc THCS sẽ được học nhiều thông tin chuyên sâu hơn, còn HS ở các trường THPT sẽ tìm hiểu chi tiết về “Chương trình phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc”.

Ý kiến trái chiều

“Điều chúng tôi muốn làm là GD trẻ em rằng, biến đổi khí hậu chính là thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Tôi muốn bảo đảm điều này được truyền tải trước khi có bất kỳ thay đổi nào trong chính phủ - việc có thể khiến quy trình đó biến mất”, Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti nhấn mạnh.

Không ít chương trình GD môi trường dành cho trẻ em tại Italy đã bị xóa bỏ sau khi có sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Chẳng hạn như chương trình dạy cho trẻ em cách phát hiện những thông tin sai lệch đang được lan truyền cũng đã bị ngừng lại ngay sau khi các nhà lãnh đạo kết thúc nhiệm kỳ.

Ông Fioramonti cho biết, trong thời gian Phong trào Năm sao vẫn còn liên minh với đảng cực hữu Liên đoàn, một bộ luật đã được thông qua, cho phép Bộ GD giới thiệu chương trình học về biến đổi khí hậu. Bộ trưởng GD Italy khẳng định, dù điều kiện không hề thuận lợi để tiếp tục các chương trình giảng dạy mới, nhưng chúng sẽ được đưa tới người học.

Trước những tuyên bố của Bộ GD nước này, không ít người đã bày tỏ lo ngại khi cho rằng, việc đảng Phong trào Năm sao chú trọng vào các vấn đề môi trường có thể sẽ mang lại thất bại khi không thể theo đuổi các mục tiêu đến cùng; đồng thời nhận định, các chính sách bảo vệ môi trường có khả năng phá hủy nền kinh tế của đất nước.

Trong tháng này, Italy phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp kinh tế khi Ilva - nhà điều hành nước ngoài của một nhà máy thép miền Nam nước này cho biết sẽ rút khỏi dự án. Lý do là bởi chính phủ do Phong trào Năm sao lãnh đạo đã quyết định chấm dứt miễn trừ pháp lý với trường hợp vi phạm môi trường, ngay cả khi công ty đưa ra biện pháp làm sạch các cơ sở bị ô nhiễm. Động thái này có thể sẽ khiến hơn 8.000 người dân nước này rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Mới đây, một nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ sự e dè trước kế hoạch của ông Fioramonti khi cho rằng, các chính sách bảo vệ môi trường này có phần độc đoán.

Ông Chicco Testa, Chủ tịch của nhóm môi trường Assombiente, đã kêu gọi các cơ quan chức năng bảo đảm rằng, thông qua những chương trình GD môi trường, trẻ em sẽ được tiếp xúc với nhiều quan điểm khác nhau, bao gồm cả những người cho rằng, biến đổi khí hậu chủ yếu không phải do con người gây ra.

“Được nghe những quan điểm khác nhau từ nhiều người là điều tốt. Những gì Liên Hợp Quốc nói không phải là chân lý”, ông Testa nhận định.

Phát biểu với truyền thông, Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti khẳng định: “Công dân thế kỷ 21 phải là một công dân bền vững”.

Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti cho biết, toàn bộ trường công ở nước này sẽ phải đưa khoảng 33 giờ học về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu vào chương trình học mỗi năm từ năm học 2020 - 2021. Trong khi đó, vấn đề phát triển bền vững sẽ được đưa vào các môn đã có sẵn như: Địa lý, Toán học và Vật lý. Bộ Giáo dục Italy khẳng định, các công dân của tương lai cần phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Như vậy, Italy sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa biến đổi khí hậu vào giáo dục bắt buộc.
Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ