Indonesia yêu cầu cải cách giáo dục đại học

GD&TĐ - Tân cử nhân Indonesia năm 2021 đang bước vào thị trường lao động đầy biến động. Với khoảng 6,4 triệu người thất nghiệp, cơ hội việc làm của các em trong năm nay và những thập kỷ tiếp theo bị thu hẹp.

Giáo dục ĐH Indonesia cần tập trung vào kỹ năng nghề nghiệp.
Giáo dục ĐH Indonesia cần tập trung vào kỹ năng nghề nghiệp.

Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải đổi mới, tập trung nhiều hơn vào kỹ năng với hình thức giảng dạy linh hoạt.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về sinh viên, lao động trẻ cho thấy 1/5 người được hỏi thất nghiệp, 52% bị giảm giờ làm vì đại dịch.

Ngoài ra, cuộc khảo sát sinh viên toàn cầu của tổ chức giáo dục Chegg cho thấy bức tranh chi tiết về quan điểm, kỳ vọng cũng như lo lắng của sinh viên Indoneisa và sinh viên tại hơn 20 quốc gia khác nhau trên thế giới sau một năm Covid-19.

Sinh viên Indonesia bày tỏ quyết tâm lớn để tiếp tục học tập nhưng sức khỏe tinh thần của các em đang bị ảnh hưởng.

51% sinh viên được hỏi cho biết gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đại dịch. Hơn 40% người được hỏi cảm thấy gia tăng căng thẳng, lo lắng và gần 7% có ý định tự tử. 67% người cho biết phải vật lộn để trang trải tiền thuê nhà, mua thực phẩm, hoá đơn sinh hoạt hoặc chi phí y tế. Những áp lực về tài chính có thể gây tác động xấu tới sức khỏe tâm thần của các em.

Vấn đề nghiêm trọng hơn với những sinh viên có khoản vay hoặc nợ học phí. Khoảng 54% người được hỏi bày tỏ “mất ăn mất ngủ” khi nghĩ đến việc hoàn trả học phí đại học. 27% phải cầu cứu trợ giúp y tế và 63% ước đã không học đại học.

Trong một năm qua, giáo dục đại học đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tài chính của sinh viên. Vì vậy, trong nhiều năm tới, các em có thể chọn những con đường khác để đạt được mục tiêu nghề nghiệp.

Khoảng 66% sinh viên Indonesia cho biết học đại học để tìm kiếm cơ hội việc làm nhưng chưa đến 10% người lao động tại quốc gia này có bằng đại học. Như vậy, dù có bằng đại học, tỷ lệ sinh viên Indonesia thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Trên thực tế, trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ thanh thiếu niên Indonesia thất nghiệp cao thứ 2 tại Đông Nam Á. Điều này đặt ra câu hỏi, các trường đại học tại quốc gia này làm thế nào để thích nghi và tồn tại trong nhiều năm tới?

Bà Christina Lee, đại diện tổ chức giáo dục Chegg đánh giá Indonesia cần tìm ra mô hình giáo dục đại học linh hoạt, tiết kiệm chi phí dành cho sinh viên. Trước sự phổ biến của giáo dục trực tuyến, các trường cần tập trung trau dồi kỹ năng thay vì lý thuyết.

Những kỹ năng này cần thiết để đáp ứng mục tiêu nghề nghiệp, chi phí phải chăng và có thể tiếp cận trực tuyến. Phương pháp học trực tuyến lấy kỹ năng nghề nghiệp làm trung tâm có thể rút ngắn thời gian học đại học, giảm thiểu các khoản nợ học phí.

42% sinh viên Indonesia đã tham gia các khóa học trực tuyến tư nhân. Đây là bằng chứng cho thấy thanh thiếu niên Indonesia quan tâm tới phương pháp học này. Từ đó, thúc đẩy các trường đại học phải tìm cách để chuyển hóa hình thức trực tiếp sang trực tuyến, tập trung hơn vào đào tạo kỹ năng cho sinh viên.

Cách làm này giúp dân chủ hóa ngành giáo dục, hỗ trợ sinh viên trong thời gian đóng cửa phòng Covid-19 và thúc đẩy quốc gia nắm bắt cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần 4.

Bà Christina bày tỏ việc cải cách giáo dục đại học tại Indonesia là rất cần thiết, nhằm cho phép thế hệ sinh viên tương lai hưởng lợi từ những thất bại của hôm nay. Cải cách có thể mang lại cơ hội học tập, làm việc cho giới trẻ quốc gia này trong nhiều thập kỷ tới.

Theo The Jakarta Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ