Ấn Độ: Tranh cãi về kỳ thi chung tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Sinh viên và giảng viên tại các trường đại học lớn ở Ấn Độ đang phản đối kế hoạch mở rộng việc dùng bài thi đầu vào chung của một số trường đại học công lập.

Các thí sinh đi thi đại học ở Ấn Độ.
Các thí sinh đi thi đại học ở Ấn Độ.

Điều này được cho là tạo thêm gánh nặng và căng thẳng cho thí sinh, vốn đã trải qua sự bất ổn và gián đoạn từ các kỳ thi tốt nghiệp bị hoãn, hủy vì Covid-19.

Lung lay quyền tự chủ

Tháng 12/2020, một ban thuộc Ủy ban Tài trợ đại học Ấn Độ (UGC) đề nghị đưa ra bài kiểm tra năng lực chất lượng cao để tuyển sinh vào tất cả các trường đại học công lập trung ương.

Kể từ năm 2010, chỉ có 14 trường đại học trung ương (centrally funded universities) và 4 trường của bang được tuyển sinh dựa trên điểm CUCET (Central Universities Common Entrance Test – Bài kiểm tra tuyển sinh vào các chương trình tích hợp, dưới đại học, sau đại học và nghiên cứu ở một số trường đại học trung ương và đại học bang tại Ấn Độ). Nhưng các cuộc tham vấn của Bộ Giáo dục với đại diện các trường đại học diễn ra vào đầu năm nay nhằm áp dụng nó cho tất cả 41 trường do trung ương tài trợ, thay vì chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.

Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các trường đại học về việc liệu có nên tổ chức kỳ thi như vậy trong năm nay không. Các trường đại học lâu đời và danh tiếng hơn như Đại học Delhi và Jawaharlal Nehru ở New Delhi đều có quy trình tuyển sinh riêng và họ được cho là phản đối mạnh mẽ việc này.

“Các bài thi tuyển sinh chung làm xói mòn quyền tự chủ của các trường đại học. Mỗi trường đều thiết kế các tiêu chuẩn riêng để đánh giá thí sinh. CUCET không tính đến bản chất liên ngành của hệ thống trường đại học”, ông Aditya Narayan Mishra - Cựu Chủ tịch Hiệp hội giảng viên Đại học Delhi (DUTA) và Liên đoàn các Hiệp hội giảng viên Đại học Trung ương (FEDCUTA) – phát biểu tại một hội thảo trực tuyến gần đây.

Khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm, Bộ Giáo dục Ấn Độ đang xem xét tiến hành các kỳ thi của Hội đồng Giáo dục Trung học Quốc gia (CBSE) trong 2 tháng tới. Tuy nhiên, Bộ này chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp dụng CUCET để tuyển sinh cho năm học mới 2021.

Quá trình tuyển sinh đại học đã bắt đầu, nhưng với việc gián đoạn các kỳ thi tốt nghiệp do đại dịch Covid-19, CBSE và nhiều hội đồng giáo dục cấp bang khác ở Ấn Độ đã ban hành một chính sách đánh giá dựa trên kết quả của các bài thi dành cho học sinh lớp 12.

Sinh viên Trường Đại học Delhi (Ấn Độ).
Sinh viên Trường Đại học Delhi (Ấn Độ).

Thiếu thời gian cho thí sinh chuẩn bị

Tập trung hóa giáo dục đại học là một lực đẩy quan trọng của Chính sách Giáo dục Quốc gia (NEP) 2020. Theo NEP, việc tuyển sinh vào tất cả các trường đại học tốt nhất nên thông qua đánh giá năng lực của Cơ quan Khảo thí Quốc gia, để loại bỏ gánh nặng cho thí sinh có nhiều bài thi đầu vào chồng chéo nhau do mỗi trường tạo ra.

Nó sẽ được bổ sung cho điểm tốt nghiệp lớp 12 và bao gồm một yếu tố nhất định của môn học để đánh giá xem thí sinh có phù hợp với khóa học đại học mà họ đăng ký hay không.

Thí sinh Shrishty Deka (sống tại Jorhat, bang Assam), dự định học Đại học Delhi, nhưng cô không chuẩn bị để tham gia kỳ thi tuyển sinh chung.

“Nếu nó được công bố sớm hơn, như một năm trước, thì chúng tôi đã có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho bài thi. Vì các mẫu giáo trình hoàn toàn không rõ ràng và chúng tôi cũng không có đủ nguồn lực cần thiết. Nên việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trong 1-2 tháng, nhiều thí sinh không thể thực hiện được” - Shrishty Deka nói và nhấn mạnh đây sẽ là một kỳ thi đầu vào cho cả Ấn Độ.

Các diễn giả tại hội thảo trên website của AAD (Academics for Action and Development – Viện Hàn lâm Hành động và Phát triển) cho biết, việc triển khai đột ngột năm 2021 có thể tạo thêm gánh nặng cho các thí sinh vốn đã phải trải qua nhiều bất ổn. Đối với kỳ thi tuyển sinh cấp quốc gia, thí sinh cần có đủ thời gian và không gian để chuẩn bị, điều này hiện không được tạo điều kiện trong hoàn cảnh hiện nay.

Đại học Delhi (Ấn Độ).
Đại học Delhi (Ấn Độ).

Lo ngại về bất bình đẳng

Theo một tuyên bố của AAD, các học giả bày tỏ mối quan ngại lớn liên quan đến khó khăn đối với HS nghèo và khu vực chịu thiệt thòi. Các tiêu chí mới sẽ làm phức tạp thêm quá trình đánh giá thành tích, làm chậm trễ quá trình xét tuyển và thực hiện CUCET.

Điều này sẽ dẫn đến việc các trung tâm luyện thi mọc lên như nấm và học sinh nghèo sẽ không thể được nhận vào các trường đại học. Chỉ những thí sinh được hướng dẫn tốt nhất mới được vào học, tước bỏ những học sinh tài năng đến từ các gia đình khó khăn hơn. Hệ thống giáo dục đại học Ấn Độ phải mang tính toàn diện và dựa trên công bằng xã hội – tuyên bố của AAD cho biết.

Trợ lý giáo sư Lịch sử Richa Raj ở Trường Cao đẳng Jesus và Mary thuộc Đại học Delhi cho biết, bất chấp tuyên bố cung cấp một sân chơi bình đẳng cho tất cả học sinh, kỳ thi tập trung lại làm điều ngược lại. Bà cho rằng “có sự thiên vị dành cho tầng lớp thượng lưu và đẩy ra xa hơn những học sinh ở những vùng khó khăn”.

Giới học thuật cũng lo ngại một kỳ thi tập trung có thể dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực luyện thi tư nhân và gây bất lợi cho thí sinh thiệt thòi. Họ cho biết, việc mở rộng CUCET đến nhiều trường đại học hơn có thể đánh bại các mục tiêu khác của NEP như tính linh hoạt cho sinh viên muốn chuyển đổi ngành học.

Nguy cơ phản tác dụng

Trong cuộc thảo luận trực tuyến, các học giả cho biết không có hạn chế nào ở đại học Delhi và các trường đại học trung ương khác trong việc lựa chọn các môn học để tốt nghiệp. Tuy nhiên, họ cho rằng sự ra đời của CUCET sẽ hạn chế thí sinh đăng ký các khóa học như vậy.

Các học giả cho rằng những thí sinh mong muốn vào đại học Delhi hoàn toàn tập trung vào việc chuẩn bị cho các kỳ thi hội đồng ở lớp 12 và định dạng CUCET khác hẳn so với chương trình của trường các em.

Thí sinh muốn theo ngành khoa học có thể không được chuẩn bị cho phần kiến thức chung, trong khi thí sinh theo ngành nghệ thuật và thương mại có thể cần thời gian để chuẩn bị cho phần suy luận logic…

Cựu Tổng Thư ký của Liên đoàn các tổ chức giảng viên đại học và cao đẳng toàn Ấn Độ (AIFUCTO) Ashok Barman và là Chủ tịch của Diễn đàn các giảng viên có mối quan tâm cho biết: “CUCET là một quyết định tập trung quan liêu và là một phần của NEP 2020. Hệ thống cứng nhắc này sẽ được áp đặt vào các trường ĐH của bang. Các tổ chức giảng viên từ trường đại học trung ương và bang nên chung tay phản đối cách thi tập trung như vậy”.

Phó Giáo sư Chandrachur Singh tại Trường Cao đẳng Hindu, thuộc Đại học Delhi cho rằng, “những ý tưởng cải cách sâu rộng, đặc biệt là trong thời điểm không chắc chắn và mờ mịt, có vẻ như sâu sắc nhưng không hợp lý với thực tế, do đó có thể gây phản tác dụng. CUCET là một trong những nỗ lực như vậy”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.