Giáo dục ATGT hôm nay, công dân văn hóa ngày mai!

GD&TĐ - “Hãy nhắc con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông như nhắc việc vệ sinh răng miệng vào mỗi sáng” là lời nhắn nhủ của ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về những chủ trương, giải pháp triển khai nội dung tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật đảm bảo an toàn giao thông tại các trường học Hà Nội.

Giáo dục ATGT hôm nay, công dân văn hóa ngày mai!

Nhiều cha mẹ mua mũ che mưa nắng cho con, nhưng quên mũ bảo hiểm

Trong quá trình triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học, cụ thể là việc đội mũ bảo hiểm, khó khăn lớn nhất mà các trường học Hà Nội gặp phải là gì, thưa ông?

- Giáo dục pháp luật ATGT trong trường học là một chủ trương lớn theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và thành phố. Với việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm thì khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là nhiều bậc phụ huynh học sinh chưa thật sự hoàn toàn chia sẻ đối với việc đội mũ bảo hiểm cho con, cũng như việc cần thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông. Có lẽ có người nghĩ rằng tai nạn sẽ chỉ xảy ra với người khác chứ không xảy ra với con mình.

Thật lạ là nhiều phụ huynh có thể dừng xe lại ngay khi trời hơi mưa để mua áo mưa cho con, hơi nắng một chút có thể tìm mua mũ ngay vì sợ con ốm nhưng mũ bảo hiểm thì lại không để tâm trang bị. Chỉ cái hại ngay trước mắt là ướt áo thì lo cảm lạnh, nắng đầu thì lo sốt mà đội mũ bảo hiểm để giữ gìn tính mạng của trẻ thì lại thờ ơ.

Một thách thức nữa là nhiều người lớn còn chưa làm gương trong việc thực hiện quy định khi tham gia giao thông. Học sinh ra đường thấy đèn đỏ thì dừng lại, nhưng bên cạnh là các anh các chị thanh niên thậm chí cả cha mẹ các em cũng đi xe phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách vượt đèn đỏ, gây nên những hình ảnh tiêu cực ảnh hưởng xấu đến những suy nghĩ của trẻ . Vì vậy, việc giáo dục trẻ là rất khó khi các em cho rằng mình bị đối xử không công bằng.

Cam kết về an toàn giao thông giữa gia đình và nhà trường

Vậy bài toán đặt ra cho những các thầy cô không chỉ là nâng cao ý thức cho học sinh về đảm bảo an toàn giao thông mà còn là vận động, tuyên truyền đến các bậc cha mẹ và từ đó lan tỏa ra cả cộng đồng nữa. Xin hỏi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tìm lời giải gì cho bài toán này?

- Sở GD&ĐT Hà Nội rất quan tâm đến công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học và chúng tôi đã triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện việc này. 

Trong quá trình triển khai, điểm nhấn lớn nhất là cần có sự cam kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường: Không giao xe phân khối lớn cho học sinh; Nhắc nhở con đội mũ bảo hiểm như nhắc các con vệ sinh răng miệng buổi sáng; Đưa nội dung đội mũ bảo hiểm, chấp hành luật ATGT của học sinh vào đánh giá xếp loại hạnh kiểm và làm tiêu chí đánh giá thi đua về công tác học sinh, sinh viên tại mỗi trường học.

Đồng thời, chúng tôi đã tham mưu với TP ban hành “quy chế phối hợp” giữa ngành Giáo dục, lực lượng công an, Đoàn thanh niên và chính quyền địa phương, cứ 3 tháng 1 lần, từng quận huyện tổ chức họp giao ban xem ở trường nào có tồn tại về an toàn giao thông cũng như an ninh trường học thì chính quyền địa phương, lực lượng công an cùng nhà trường chung tay tháo gỡ, tìm giải pháp giải quyết, với cấp thành phố sẽ giao ban 6 tháng /lần.

Sáng tạo để nội dung giáo dục ATGT luôn mới mẻ, hấp dẫn

Thường người ta hay nghĩ học các nội dung về Luật An toàn giao thông rất khô cứng, nhiều điều luật, không hấp dẫn. Và để có một tiết học sinh động thì mỗi giáo viên, nhà trường phải đầu tư nhiều công sức, sáng tạo các hình thức dạy – học… nhằm thu hút học sinh. Ông có thể tiết lộ một số kinh nghiệm triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học của Sở GD&ĐT Hà Nội?

- Theo chỉ đạo của Bộ, ngoài những tiết học trên lớp trong chương trình chính khóa, chúng tôi luôn hướng dẫn và khuyến khích, động viên các trường, tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh bằng nhiều hình thức sáng tạo theo từng cấp học như: Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi nhiếp ảnh xây dựng tiểu phẩm thơ ca hò vè, nhạc kịch, kể chuyện, các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa… liên quan đến nội dung này. Cùng với đó là các cuộc thi tình huống, thi giao thông thông minh trên Internet…

Trên thực tế, các hình thức này đã cuốn hút được học sinh tham gia sôi nổi tích cực và có hiệu quả.

Cùng với đó là các phương pháp tuyên truyền truyền thống như pa-nô khẩu hiệu, tờ gấp, loa đài phát thanh ở cổng trường đầu giờ, cuối giờ cho HS và phụ huynh; tuyên truyền trong giờ chào cờ đầu tuần ở mỗi trường… 

Đặc biệt các nhà trường cũng đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị như Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, Công ty Nhựa Chí Thành, Công ty Yamaha, Honda Việt Nam... thông qua hình thức xã hội hóa để nội dung giáo dục ATGT được lan tỏa mạnh mẽ, có hiệu quả như tặng mũ cho học sinh gia đình chính sách, bán mũ giá rẻ cho học sinh vùng khó khăn, cùng tổ chức mở các chuyên đề về sự cần thiết của việc đội mũ bảo hiểm và hướng dẫn các em các kĩ năng điều khiển xe gắn máy xe đạp điện, xe máy điện.

Nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật ATGT đã được Sở GD&ĐT Hà Nội đưa vào nhiệm vụ của mỗi năm học và các trường cũng luôn chủ động, sáng tạo trong từng năm học để nội dung này luôn mới và thu hút được sự quan tâm của không chỉ học sinh, giáo viên mà còn cả phụ huynh. Đồng thời tuyên truyền sâu, rộng đến toàn xã hội về ý thức trách nhiệm bảo vệ an toàn, tính mạng cho các em học sinh và của chính mình.

Rất mừng là những cố gắng đó đã đạt được một số kết quả bước đầu ấn tượng, được lượng hóa bằng con số! Nhiều năm trước, khi việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh còn chưa có chủ trương bắt buộc, chưa được tuyên truyền mạnh mẽ, thì số lượng học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là chỉ khoảng trên 10%. 

Nhưng sau khi được luật hóa và có những đợt tuyên truyền, giáo dục, trên 90% học sinh Hà Nội đã chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông theo quy định.

Tuy nhiên, đây là con số đáng mừng nhưng chưa thực sự đạt yêu cầu triệt để bởi với hơn 1,1 triệu học sinh (chưa tính những học sinh dưới 6 tuổi) thì chỉ cần 10% học sinh không đội mũ thì đã có 110.000 em không đội mũ bảo hiểm như chúng ta vẫn còn thấy trên đường.

Vì vậy, để có kết quả bền vững, thì công tác tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông trong trường học cần được thực hiện kiên trì thường xuyên, liên tục và cần xử lý nghiêm túc, có tính răn đe, không phải chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai hay trong các đợt cao điểm. Đặc biệt là người lớn phải gương mẫu trước hết.

“Đầu tư” cho thế hệ trẻ văn minh trên mỗi cung đường

Giáo dục ATGT hôm nay, công dân văn hóa ngày mai! ảnh 1 Phó Giám đốc Nguyễn Hiệp Thống
Chúng ta giáo dục học sinh chấp hành luật hôm nay không chỉ cho em học sinh đó an toàn, không chỉ để giảm tổn thất cho xã hội, mà lâu dài, 5 hay 10 năm nữa khi các em trưởng thành, trong thế giới hội nhập, các em ra nước ngoài học tập công tác, các em hiểu luật giao thông và chấp hành luật giao thông để thể hiện nét đẹp văn minh của người Việt với bạn bè thế giới.

Chúng ta mong muốn giáo dục các em hôm nay để mai sau có những thế hệ học sinh không phóng xe lên vỉa hè, không vượt đèn đỏ, không chen chúc nhau, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông… để các em trở thành những người công dân văn minh trên mỗi cung đường, vừa đảm bảo giữ gìn tính mạng cho chính mình, vừa giữ gìn trật tự trị an cho toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ