Giao dịch vàng 'chợ đen': Tiềm ẩn nhiều rủi ro

GD&TĐ - Câu chuyện giá vàng vẫn luôn là tâm điểm thu hút dư luận bởi giá trị 'nhảy múa' theo từng thời điểm.

Mua bán vàng trên 'chợ đen' luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mua bán vàng trên 'chợ đen' luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặc dù đã dần đi vào ổn định, song việc giao dịch vàng giữa các cá nhân thông qua mạng xã hội trong thời gian qua đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vi phạm pháp luật.

“Săn” vàng trên “chợ đen”

Bằng các từ khóa “giao dịch vàng”, “hỗ trợ giao dịch vàng…” trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên hiện ra. Những hội nhóm này sinh ra với mục đích trao đổi kiến thức về vàng, nổi bật nhất cũng là giao dịch vàng. Việc thực hiện giao dịch được thỏa thuận giữa các cá nhân nhằm mục đích không qua các cửa hàng, công ty để đỡ mất phí chênh lệch giữa giá mua - bán vàng niêm yết.

Trong vai người đang có nhu cầu mua 5 lượng vàng miếng SJC, phóng viên đã liên hệ tới tài khoản Facebook nằm trong hội nhóm có tên H.L.. Thời điểm giá vàng tăng cao, người này quảng cáo: “Hiện tại trong tay chỉ còn 8 lượng vàng PNJ, vàng SJC thì tầm 4 hôm nữa mới về, giá bán ra sẽ rẻ hơn so với giá công ty niêm yết 300.000 đồng/lượng”.

Mới đây, người này cho biết, có khả năng gom vàng từ công ty kinh doanh vàng, nhưng số lượng giới hạn mỗi người được mua 5 lượng/ngày (nếu mua 10 lượng thì người này sẽ đứng tên 5 lượng giùm khách hàng). Tuy nhiên, giá mua vàng sẽ bằng giá niêm yết cộng thêm 500.000 đồng tiền thù lao cho nhân viên vì đã có công giữ lại vàng cho khách.

Anh Nguyễn Hà Thanh (32 tuổi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tham gia các nhóm này cũng vài tháng rồi. Lúc giá vàng đu đỉnh thì hoạt động mua bán trong đây cũng sôi nổi lắm, với tiêu chí là mua - bán cùng có lợi.

Còn ở thời điểm giá vàng giảm giá sâu thì việc mua vàng lại trở nên khó khăn, phải xếp hàng chờ đợi, phải đăng ký trước. Hiện tại, tôi chưa dám giao dịch vì thấy mình vẫn còn khá lơ ngơ”.

Những hội nhóm giao lưu vàng như đã nêu trên được xem là điểm gặp nhau giữa cung - cầu của những nhà đầu tư ở khắp mọi nơi. Qua theo dõi, dù giá vàng tăng hay giảm thì thị trường giao dịch vàng “ngoài quầy” vẫn luôn “rực nóng” và kèm theo nhiều vấn đề bất cập.

Chị Trần Ngọc Bích (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, có nhu cầu mua vàng trả nợ, tuy nhiên vì giờ đây ngân hàng bán rất hạn chế nên mua... cả tháng vẫn không đủ ba cây vàng mang trả cho người thân. Chị Bích cảm thấy khá sốt ruột vì sợ chờ lâu giá vàng sẽ tăng cao hơn nữa và chị sẽ phải chi thêm tiền mua vàng.

Anh Hoàng Tùng (quận Đống Đa, Hà Nội) sau hơn 1 tháng chờ đợi liên tục cũng thành công mua 1 lượng vàng tại VietinBank. Nhưng anh Tùng cho biết, ngoài việc tốn thời gian chờ đợi, anh còn phải xin nghỉ làm, tốn tiền xe lên ngân hàng nhận vàng.

giao dich vang cho den tiem an nhieu rui ro 2.jpg
Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội Facebook được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu giao dịch vàng.

Cần có phương án lâu dài

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thời gian qua các đơn vị quản lý Nhà nước đã có nhiều thành công trong việc điều tiết thị trường vàng. Tuy nhiên, đi cùng với đó là thị trường vàng “chợ đen” đang dần hình thành.

Trên thị trường tự do, giá vàng miếng SJC được một số tiệm vàng giao dịch mua vào 80 triệu đồng/lượng, bán ra 82,5 triệu đồng/lượng (cao hơn 1 – 1,5 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng tại công ty SJC và các ngân hàng thương mại).

Chênh lệch giá vàng mua vào bán ra trên thị trường tự do hiện trên 2 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này rất cao. Nó khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.

Theo chuyên gia Trần Minh Phong, giải pháp được cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra đã “hạ nhiệt” đối với giá vàng. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới đi lên, mà nguồn cung trong nước không có, sẽ lại dễ xảy ra hiện tượng nhập lậu, “chảy máu” ngoại tệ và sẽ lại ảnh hưởng đến tỉ giá và lạm phát.

Vì vậy, để thị trường vàng ổn định bền vững, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét phương án khác hiệu quả hơn, trong đó cần cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng, độc quyền thương hiệu vàng SJC, nhanh chóng đưa thị trường trở lại hoạt động bình thường.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cung đáp ứng nhu cầu thị trường. Cấp phép nhập khẩu vàng cho các đơn vị để đảm bảo cung cầu trên thị trường và điều quan trọng là phải có dữ liệu thống kê chính xác về sản xuất kinh doanh, cung cầu vàng trong nước hiện nay.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC cho các doanh nghiệp được cấp giấy phép mua - bán vàng miếng chỉ để trực tiếp bán cho người dân. Về thời gian, số lượng và phương thức bán theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, báo cáo theo quy định.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, nên cho phép các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trên thị trường tiếp cận nguồn vàng miếng và kinh doanh trở lại như trước đây, việc đó giúp giảm tâm lý sợ khan hiếm và cũng khiến cho người dân bớt quan tâm đến vàng.

Khi vàng miếng không còn khó mua, tự nhiên người dân cũng không còn quan tâm nhiều nữa, thị trường “chợ đen” vì vậy cũng không còn đất sống, đồng thời giảm rủi ro cho người dân.

Sáng 26/8, ghi nhận giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM hiện niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra. DOJI tại Hà Nội đang niêm yết giá vàng miếng ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng thương hiệu này tại TPHCM đang mua vào và bán ra ở mức tương tự như Hà Nội. Giá vàng nhẫn 9999 đang giao dịch ở mức 77,2 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên trước. Nhìn chung, giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra với mặt hàng vàng nhẫn sáng 26/8 đã là mức cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này. So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 15 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng hơn 24%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ