Giao bài tập Tết thế nào là phù hợp?

GD&TĐ - Nhiều thầy cô cho rằng, vẫn nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết, tuy nhiên mức độ và hình thức cần phù hợp.

Học sinh Trường Tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang, Khánh Hòa) trong các hoạt động vui Tết cổ truyền. Ảnh: INT
Học sinh Trường Tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang, Khánh Hòa) trong các hoạt động vui Tết cổ truyền. Ảnh: INT

Không nên chỉ là bài tập ôn lại kiến thức, mà cần có những bài tập trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Bài học trải nghiệm

Trước nghỉ Tết, cô Trần Thị Hội (Hà Nội) từng giao cho học sinh lớp 4 bài tập môn Khoa học xã hội như sau: Dịp Tết, con được trải nghiệm những hoạt động thú vị gì? Con hãy chia sẻ cho cô và các bạn dưới hình thức một tranh vẽ, hoặc một bài thơ/một bài hát/một tấm poster tự thiết kế. Gợi ý được cô Hội đưa ra là học sinh có thể chọn một trong các hoạt động: Chuyến du lịch được trải nghiệm cùng gia đình trong dịp Tết/ một món ăn cổ truyền/ một nét văn hóa truyền thống dịp Tết Nguyên đán/ một kỷ niệm đẹp, thú vị dịp Tết...

“Bài tập dịp nghỉ Tết không nên là các câu hỏi yêu cầu ôn lại lý thuyết, làm bài tập khô khan vì dễ làm học sinh áp lực, không có tác dụng khuyến khích các em quan sát thực tế, trải nghiệm và để ý đến cảm xúc, hoạt động xung quanh, bỏ lỡ những niềm vui bên gia đình, bạn bè trong dịp Tết”, cô Hội cho hay.

Khi còn là một giáo viên dạy Lịch sử ở THPT, cô Trần Thị Hội chia sẻ từng giao những bài tập yêu cầu học sinh tìm hiểu các nét văn hóa được trải nghiệm trong dịp Tết Nguyên đán như ẩm thực, địa điểm du lịch, lễ hội tiêu biểu, các nét văn hóa đặc trưng… Đó nên là những bài tập vận dụng nhẹ nhàng, như vẽ, làm bài văn ngắn, thơ, viết câu đối, trang trí…

Nhiều năm dạy học, thầy Nguyễn Bá Giang, giáo viên Trường THCS Giấy Phong Châu (Phù Ninh, Phú Thọ), cho biết chưa từng cho học sinh những bài tập ôn lại lý thuyết, làm bài tập khô khan dịp nghỉ Tết. Tùy đối tượng, thầy kết nối với việc học của học trò trong dịp Tết bằng những “nhiệm vụ” như: Dậy sớm ngắm bình minh; đi chợ Tết, gói bánh chưng cùng ông bà, bố mẹ… Các em quan sát, ghi lại cảm nhận ra những tờ giấy ghi chú nhỏ để chia sẻ với các bạn trong tiết học của năm mới. Thầy Giang cũng thường có một bài tập chung cho học sinh, đó là: Viết bài văn ghi lại trải nghiệm đọc một quyển sách trong dịp Tết kèm danh mục gợi ý một số tên sách cho học trò.

“Về cơ bản, tôi nghĩ việc ra bài tập trong dịp Tết là không cần thiết, đặc biệt với những bài thiên về lý thuyết. Vì đó là một khoảng thời gian tuyệt vời mà các em có bên gia đình, người thân, để các em tái tạo những năng lượng tinh thần tích cực...”, thầy Nguyễn Bá Giang chia sẻ quan điểm.

Là giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, cô Lê Thế Phúc, Trường THCS Trần Hưng Đạo (Quảng Trị) cho biết dịp Tết bài tập giao cho học sinh cũng chỉ như những buổi học bình thường, không giao thêm, vì đây là thời gian các em được vui chơi, đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, với các môn xã hội, thầy cô có thể giao bài tập nhẹ nhàng liên quan đến các trải nghiệm khi nghỉ Tết cổ truyền.

Trẻ em chơi kéo co ở Bảo tàng Dân tộc học dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: INT

Trẻ em chơi kéo co ở Bảo tàng Dân tộc học dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: INT

Giao bài vừa đủ

Theo cô Vũ Thị Dung, giáo viên Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), thời gian nghỉ Tết thường là khá dài (7 - 9 ngày). Trong thời gian đó, giáo viên cũng nên giao cho học sinh nhiệm vụ học tập để các em không xao nhãng việc học. Thêm nữa, bài tập trong thời gian nghỉ sẽ là “chất kết dẫn” để trò không bị đứt đoạn mạch học.

Tuy nhiên, việc giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cũng là một “nghệ thuật”. Theo đó, về lượng không nên nhiều (nhiều quá dễ gây nhàm chán, hoặc ảnh hưởng tới kỳ nghỉ của học sinh). Về chất, bài tập không nên chú trọng việc ôn tập, kiểm tra kiến thức, mà nên là những bài nhằm tăng khả năng thực hành, ứng dụng, vận dụng cho người học. Ví dụ, với môn Ngữ văn, giáo viên có thể giao học sinh làm video thuyết minh về ngày Tết ở gia đình/quê hương mình; thiết kế thiệp chúc Tết; thiết kế phong bao lì xì với những lời chúc ý nghĩa; làm thơ chúc Tết ông bà, cha mẹ…

Cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cũng đồng quan điểm nên giao bài tập Tết cho học sinh vì thời gian nghỉ Tết khá lâu, học sinh có thể quên một số kiến thức. Trường hợp này, khi bắt nhịp việc học sau Tết, các em sẽ mệt mỏi nhiều hơn khi phải ôn lại kiến thức cũ đồng thời tiếp nhận kiến thức mới.

Tuy nhiên, bài tập giao không nên nhiều, nặng, chỉ đủ để học sinh không quên nhiệm vụ ôn bài, đồng thời cũng là hình thức trải nghiệm thực tế và vận dụng. Ví dụ, các lớp đầu cấp, học sinh đọc bài còn chậm, kinh nghiệm và hiểu biết về ngày Tết cổ truyền còn hạn chế, giáo viên có thể sưu tầm những mẩu chuyện nói về ngày Tết, phong tục tập quán ngày Tết để học sinh đọc. Sau mỗi bài đọc, thiết kế vài câu hỏi để học sinh trả lời. Hoặc bài tập có thể là viết cảm nhận về ngày Tết/ kể lại một hoạt động ý nghĩa nhất của ngày Tết tại gia đình/ ngày Tết em thích nhất điều gì, điều gì em chưa thích, vì sao?...

Dù giao bài tập, nhưng cô Đỗ Thị Hồi cho rằng, không nên gây áp lực, gò ép, bắt buộc. Tránh tình trạng có học sinh quên làm bài, ngày đầu năm mới đã không dám đi học vì sợ thầy cô trách phạt. Việc giao bài tập cho học sinh làm trong dịp nghỉ Tết chỉ nên mang tính khích lệ, động viên. Em nào hoàn thành tốt nội dung cô giao sẽ được khen thưởng…

“Giáo viên nên chú ý giao bài tập phù hợp với đối tượng học sinh trung bình, học sinh giỏi… để các em có thể phát huy được năng lực của mình (tránh quá dễ đối với học sinh giỏi, hay quá khó đối với học sinh yếu). Việc giao bài Tết như là một sự trải nghiệm mới trên nền kiến thức cũ. Lượng bài không quá nhiều nhưng bảo đảm cho việc kết nối kiến thức cũ và mới sau Tết được dễ dàng; đồng thời phát huy được trải nghiệm về Tết cổ truyền, làm giàu thêm sự hiểu biết và kỹ năng sống của các em”, cô Đỗ Thị Hồi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.