Giảng viên với nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe giữa đại dịch

GD&TĐ - Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Nam Hà (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đề xuất tổ chức chương trình truyền thông, tập huấn “Dự phòng truyền nhiễm bệnh Covid-19 trong trường học”.

TS.BS Nguyễn Nam Hà trong một buổi tập huấn về phòng chống dịch Covid-19.
TS.BS Nguyễn Nam Hà trong một buổi tập huấn về phòng chống dịch Covid-19.

Đến nay chương trình này đã lan tỏa nhiều thông tin hữu ích đến nhiều đơn vị trường học góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh của thành phố.

Đề xuất hữu ích giữa đại dịch Covid-19

TS.BS Nguyễn Nam Hà
TS.BS Nguyễn Nam Hà

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Nam Hà, giảng viên chính chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, trưởng đơn vị Truyền thông giáo dục sức khỏe của Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã đề xuất Ban lãnh đạo nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình truyền thông, tập huấn “Dự phòng truyền nhiễm bệnh Covid-19 trong trường học”.

Được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã giao cho Đơn vị Truyền thông giáo dục sức khỏe Phòng khám đa khoa làm nòng cốt tổ chức thực hiện các buổi truyền thông, tập huấn.

Hoạt động này góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch và đội ngũ y bác sĩ Phòng khám đa khoa của nhà trường phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động phòng chống dịch. Chương trình này đã thực hiện 18 buổi cho 10 trường ĐH, CĐ với hơn 3.900 người tham dự trực tiếp và nhiều lượt xem trực tuyến, xem lại chương trình.

Để đảm bảo tính chuyên môn cho các họat động tập huấn, BS Hà đã được trường cử tham dự “Khóa đào tạo giảng viên (ToT) giảng dạy chương trình đào tạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19” đầu tiên của Bộ Y tế vào tháng 4/2020 và các khóa cập nhật kiến thức tiếp theo.

TS.BS Nguyễn Nam Hà tập huấn cho sinh viên.
TS.BS Nguyễn Nam Hà tập huấn cho sinh viên.

Theo bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM, năm 2021, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM tổ chức chương trình truyền thông, tập huấn “Chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho giảng viên, sinh viên trong mùa dịch Covid-19”. BS Hà đã tích cực tham gia công tác tổ chức ba loại hình hoạt động cấu thành chương trình này.

Loại hình thứ nhất là các buổi truyền thông, tập huấn “Chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các giảng viên, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng TPHCM” với 4 nội dung: giới thiệu kiến thức cơ bản về bệnh Covid-19, một số biện pháp dự phòng truyền nhiễm bệnh Covid-19, tư vấn chăm sóc F0 là sinh viên và người thân tại nhà, tư vấn tâm lý cho F0 và giảng viên và sinh viên tham gia phòng chống dịch.

Có 7 buổi được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Luật TPHCM , Trường ĐH Ngân Hàng TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn, Trường ĐH Việt Đức… với hơn 8.500 giảng viên, sinh viên tham dự.

Loại hình thứ hai là các buổi tọa đàm vào tối thứ 3, 5, 7 hằng tuần với 2 nội dung cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe và chăm sóc tinh thần, tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia chống dịch.

Tính đến ngày 30/11/2021, chương trình tọa đàm đã tổ chức được tổng cộng 38 buổi với 74 nội dung khác nhau thuộc 12 nhóm chủ đề cùng sự góp mặt của hơn 55 điều phối viên là các GS, PGS, TS, BS thuộc nhiều chuyên ngành y khoa liên quan đến Covid-19.

Loại hình thứ ba là các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe định kỳ hàng tháng của Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Với nội dung truyền tải kiến thức phổ thông cho người dân, các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe được chính thức phổ biến rộng rãi cho giảng viên, sinh viên các trường trong Khối ĐH, CĐ TPHCM.

Ngoài việc giúp người tham dự có thêm kiến thức và kỹ năng phòng bệnh Cobid-19, các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe còn cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc về các bệnh lý không phải Covid-19, góp phần không bỏ quên các đối tượng yếu thế hoặc có bệnh nền là các yếu tố nguy cơ làm nặng khi nhiễm Covid-19.

Đến tháng 11/2021 chương trình đã thực hiện 11 buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân, với mỗi chương trình hơn 1.000 lượt tham dự trực tuyến, chưa kể lượt xem lại.

“Đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 tại TPHCM, ngoài các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe  định kỳ nói trên, các hội thảo do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đăng cai với sự tham dự của Bộ Y tế, Sở Y Tế TPHCM, WHO, Hội Quân Dân Y, CDC Hoa Kỳ, Trường ĐH Y Dực TPHCM, được chính thức chuyển rộng rãi đến giảng viên, sinh viên các trường trong Khối ĐH, CĐ TPHCM để cùng tham dự…” - bà Đặng Thùy Khánh Vân cho biết.

Nói về lý do gắn bó với chương trình truyền thông, tập huấn cho giảng viên sinh viên, TS.BS Nguyễn Nam Hà cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế là khi đại dịch xảy ra, nhân viên y tế rất bận rộn với công tác trong các cơ sở chữa bệnh,  công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là rất cấp thiết để mọi người tự trang bị kiến thức phòng ngừa bệnh và tự chăm sóc tại nhà.

Chúng tôi tập trung vào giảng viên và sinh viên vì đây là những người có kiến thức nhất định, nắm bắt nhanh và có khả năng chuyển tải kiến thức, kỹ năng đúng đắn cho cộng đồng. Trong tình thế cấp bách thì giảng viên, sinh viên là những người hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch nhanh nhất và rất hiệu quả”.

Kết nối và phục vụ cộng đồng

Ngoài chương trình nói trên, BS Hà còn tham gia các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe khác dành cho giáo viên, sinh viên như: Nói chuyện chuyên đề “Bạn làm gì khi mình là F0” trong chương trình Bí quyết sống khỏe của Nhà văn hóa Sinh viên TPHCM; nói chuyện chuyên đề: “Thêm kiến thức hay, đánh bay Covid” do Đoàn Thanh niên Khối Dân chính Đảng TPHCM thực hiện; viết bài và nói chuyện chuyên đề “Chăm sóc Tai Mũi Họng trong mùa dịch Covid-19” do Hội Y học TPHCM tổ chức; tham gia giao lưu trực tuyến “Phòng, chống Covid-19: Trường học chủ động ứng phó” do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức… cùng các hoạt động khám chữa bệnh Tai-Mũi-Họng, tư vấn điều trị F0, khám tiêm vắc-xin cho cộng đồng…

TS.BS Nguyễn Nam Hà (thứ 3 từ phải qua) tham gia giao lưu trực tuyến “Phòng, chống Covid-19: Trường học chủ động ứng phó” do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức.
TS.BS Nguyễn Nam Hà (thứ 3 từ phải qua) tham gia giao lưu trực tuyến “Phòng, chống Covid-19: Trường học chủ động ứng phó” do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “TS.BS Nguyễn Nam Hà là người giảng viên rất nhiệt tình trong hành nghề, giảng dạy cũng như trong công tác phục vụ cộng đồng.

Đây cũng là một trong những trách nhiệm của thầy thuốc cũng như của thầy giáo, phải tiên phong đi đầu, không những trong công tác khám chữa bệnh mà còn truyền thông giáo dục sức khỏe giúp cho người dân có những kiến thức đúng để tự bảo vệ và chăm sóc nâng cao sức khỏe của mình”.

Theo dõi, đồng hành xuyên suốt chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị, bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học Cao đẳng TPHCM, cho rằng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế về việc chuẩn bị và huy động các cơ sở đào tạo nhân lực y tế làm nòng cốt tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

“Chương trình rất đáng tuyên dương, góp phần giúp Phòng khám đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện tốt chức năng kết nối và phục vụ cộng đồng.

Sau Tết Nhâm Dần này, chúng tôi sẽ phối hợp với nhà trường trong việc lan tỏa chương trình đến các trường khối THPT, cũng như kết nối các trường Đại học, Cao đẳng trong khối với các trường phổ thông giúp chăm lo cho các cháu mồ côi, có người thân mất vì Covid-19” - bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM, chia sẻ.

“Khi đại dịch xảy ra, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là rất cấp thiết để mọi người tự trang bị kiến thức phòng ngừa bệnh và tự chăm sóc tại nhà. Chúng tôi tập trung vào giảng viên và sinh viên vì đây là những người có kiến thức nhất định, nắm bắt nhanh và có khả năng chuyển tải kiến thức, kỹ năng đúng đắn cho cộng đồng. Trong tình thế cấp bách thì giảng viên, sinh viên là những người hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch nhanh nhất và rất hiệu quả”.
TS.BS Nguyễn Nam Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ