Giảng viên trẻ hết lòng với công việc tình nguyện

GD&TĐ - Không chỉ năng nổ trong hoạt động giảng dạy, công tác Đoàn- Hội của trường, giảng viên Phạm Ngọc Cương, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên, còn góp sức mình cùng địa phương chống dịch.

Giảng viên Phạm Ngọc Cương, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên. Ảnh: NVCC.
Giảng viên Phạm Ngọc Cương, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Kỷ niệm chống dịch đêm 29 Tết

Tạm dừng hoạt động giảng dạy, từ ngày 12/1 trong không khí cả nước đang chào đón một mùa xuân mới, anh Phạm Ngọc Cương cùng nhiều đồng nghiệp và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên lên đường nhận nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Hưng Yên chống dịch.

Đối với giảng viên trẻ, dù thời gian thực hiện nhiệm vụ không quá dài nhưng đây là kỷ niệm mà theo anh là “những tháng năm không thể quên” đặc biệt khi anh đón Tết Nguyên đán trong khu cách ly. Năm 2022 là lần đầu tiên anh Cương đón tết xa nhà cùng anh chị em giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên và hàng trăm bệnh nhân Covid-19.

Anh Cương hỗ trợ địa phương chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.
Anh Cương hỗ trợ địa phương chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Anh Cương bộc bạch: Tết Nguyên đán năm 2022 là kỷ niệm vô cùng đặc biệt với tôi. Khi trực đêm 29 Tết, tôi và các đồng nghiệp vẫn tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 vào điều trị, trong đó có nhiều người cao tuổi, không có người thân bên cạnh.

Tết với chúng ta là để đoàn viên nhưng cũng như  những lực lượng y tế tuyến đầu, anh cùng đồng nghiệp động viên nhau cố gắng vơi bớt nỗi nhớ nhà với mong muốn tất cả sẽ được về nhà sớm nhất, dịch bệnh sớm qua đi và trở lại nhịp sống bình thường.

Anh Cương cho biết giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ, ai trong đoàn cũng căng thẳng, lo lắng. Đều đặn mỗi ngày, khu thu dung và điều trị có khoảng 1.000 bệnh nhân nhưng chỉ có khoảng 100 cán bộ y tế. Nguồn nhân lực mỏng, mọi người phải làm việc liên tục, không ngơi nghỉ để hỗ trợ được tối đa bệnh nhân.

Thời gian đầu, anh Cương chưa quen khi phải trực ca đêm từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Cơ thể mệt mỏi lại phải mang bộ đồ bảo hộ y tế khiến sinh hoạt bị hạn chế song anh Cương cũng dần dần thích nghi với guồng công việc tại đó.

“Áp lực, vất vả còn đó nhưng chứng kiến bệnh nhân từ từ hồi phục rồi trở về với gia đình, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục phấn đấu”, anh Cương bày tỏ.

Người thầy “vừa hồng vừa chuyên”

Vốn ấp ủ giấc mơ trở thành thầy giáo dạy Toán, nhưng năm ấy trong kỳ thi đại học, anh lỡ hẹn. Gác lại lần dang dở ấy, anh theo học y theo mong muốn của gia đình. Nhưng có lẽ nghề giáo chọn anh, sau khi tốt nghiệp, anh trở về giảng dạy tại khoa Y, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên.

Có trình độ chuyên môn lại mang tình yêu nghề giáo, anh Cương thường vận dụng phong cách giảng bài tự nhiên, cởi mở với sinh viên; khuyến khích các em trau dồi tinh thần tự học, trách nhiệm đối với công việc tương lai.

Thầy giáo Ngọc Cương hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yến. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Ngọc Cương hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yến. Ảnh: NVCC.

Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, giảng viên trẻ Phạm Ngọc Cương đã thu về nhiều “trái ngọt” như danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường năm 2019; danh hiệu Giáo viên dạy giỏi Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021; giải Nhất tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh lần thứ VII năm 2019. Anh là tác giả của 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2020 – 2021.

Bên cạnh công tác giảng dạy, anh Cương luôn đi đầu trong các hoạt động tập thể, hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh niên và Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên. Trong vai trò Phó Chủ tịch Hội Sinh viên, anh cùng Đoàn Thanh niên nhà trường tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động như tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên thực hiện văn hoá giao thông. Tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường; các chương trình tình nguyện hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Với tinh thần “tuổi trẻ là để cống hiến”, anh Cương thường xuyên chia sẻ các chương trình tình nguyện, hoạt động của Đoàn Thanh niên trên Facebook cá nhân. Giảng viên trẻ sử dụng mạng xã hội làm công cụ để khơi gợi, truyền cảm hứng và khuyến khích sinh viên, thanh thiếu niên tham gia.

“Trải nghiệm từ đời sống thực tế sẽ mang lại cho các bạn trẻ muôn vàn kiến thức quý báu. Do đó, tôi luôn khuyến khích sinh viên của mình đừng ngại thử thách, đừng ngại cống hiến sức trẻ. Nhiều em ban đầu khá rụt rè nhưng sau thời gian gắn bó với cộng đồng, công việc tình nguyện trở nên tự tin, trưởng thành hơn”, anh Cương nhận xét.

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam vào ngày 9/1, anh Phạm Ngọc Cương là một trong 16 giáo viên được vinh danh Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp tỉnh năm học 2021 – 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.