Kế hoạch đội ngũ được chuẩn bị có lộ trình
Ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: trong thời gian qua, Sở đã đánh giá thực trạng về số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ giáo viên (GV) hiện có; đồng thời căn cứ yêu cầu của của việc triển khai CT-SGK mới để tính toán số lượng, cơ cấu giáo viên, từ đó xác định nhu cầu đào tạo lại, bồi dưỡng và bổ sung giáo viên đối với những bộ môn còn thiếu, nhất là những môn chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, cùng với kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là hệ thống chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên được ban hành, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, ban hành kế hoạch và triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách đồng bộ, kịp thời, trước mắt là bậc Tiểu học sau đó đến THCS và THPT.
Ông Hoàng Tiến Đức chia sẻ: Số GV dôi dư hiện nay, trước mắt rà soát để có kế hoạch bố trí cho đi đào tạo văn bằng 2, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp, đồng thời kiêm nhiệm các công việc khác. Theo kết quả khảo sát (tháng 6/2017), tỷ lệ GV được đào tạo 02 chuyên ngành có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn tích hợp chiếm tỷ lệ gần 30%.
Kết hợp bồi dưỡng giáo viên trực tuyến và trực tiếp
Về kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, theo ông Hoàng Tiến Đức: Trong thời gian tới, khi có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ GV cốt cán từ Bộ GD&ĐT, sở chủ trương triển khai đại trà theo định hướng: Triển khai bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến cho toàn bộ cán bộ quản lý cấp Tiểu học và Trung học. Tiếp đó là bước trưng tập đội ngũ GV cốt cán cấp tỉnh tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp cho toàn bộ GV của tất cả các môn học ở các huyện của tỉnh theo cụm, đảm bảo 100% GV được GV cốt cán cấp tỉnh tập huấn, hướng dẫn trực tiếp...
Ông Hoàng Tiến Đức khẳng định: Với mục tiêu việc bồi dưỡng, tập huấn CT - SGK mới của từng khối lớp được triển khai tới toàn bộ quản lý, GV; thực hiện liên tục, thường xuyên, nhắc đi nhắc lại; các đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội thảo để giải quyết các vấn đề phát sinh; quá trình bồi dưỡng, tập huấn phải bao gồm cả giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả và kết quả.
Lồng ghép, ưu tiên các nguồn lực đầu tư CSVC cho các trường phổ thông
Căn cứ Quy hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD&ĐT Sơn La đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình dự án để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất cho việc triển khai CT – SGK giáo dục phổ thông mới.
Trong thời gian qua tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ GV tiểu học, bổ sung trang thiết bị dạy học để dạy học 2 buổi/ngày ở cấp Tiểu học, tập trung triển khai thực hiện tại các trường triểu học ở khu vực đô thị, vùng kinh tế phát triển, trường phổ thông dân tộc bán trú, từ đó lan tỏa ra các khu vực khác trong tỉnh.
Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm thực hiện trích một phần kinh phí sự nghiệp GD&ĐT hợp lý để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp Tiểu học (hiện tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chiếm 70 %), xóa phòng học tạm vào năm 2020. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện thành phố rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư; xây dựng, hoàn thiện các cấp học tinh gọn, hoạt động hiệu quả phù hợp với điều kiện tỉnh miền núi Sơn La.
Số GV dôi dư hiện nay, trước mắt rà soát để có kế hoạch bố trí cho đi đào tạo văn bằng 2, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp, đồng thời kiêm nhiệm các công việc khác. Theo kết quả khảo sát (tháng 6/2017), tỷ lệ GV được đào tạo 02 chuyên ngành có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn tích hợp chiếm tỷ lệ gần 30%.