Giảng viên phục hồi thảm thực vật cho rừng ngập mặn Cần Giờ

GD&TĐ - Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như lá phổi xanh cho TPHCM và nhiều tỉnh lân cận.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như lá phổi xanh của các thành phố xung quanh.
Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như lá phổi xanh của các thành phố xung quanh.

Việc phục hồi thảm thực vật, bảo vệ rừng Cần Giờ là góp phần bảo vệ không khí cho các đô thị xung quanh.

Phục hồi diện tích rừng sau thiên tai

TS Nguyễn Thị Lan Thi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và cộng sự vừa hoàn thiện công trình nghiên cứu phục hồi thảm thực vật cho rừng ngập mặn Cần Giờ.

Theo TS Lan Thi, rừng ngập mặn là những hệ sinh thái đặc thù ở vùng ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các hệ sinh thái này cung cấp nhiều loại dịch vụ sinh thái đa dạng và quan trọng đối với đời sống con người.

Trong bối cảnh tần suất và cường độ thiên tai đến từ biển và đại dương không ngừng tăng lên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vai trò bảo vệ đường bờ và các vùng ven biển của rừng ngập mặn càng trở nên quan trọng hơn.

TS Lan Thi phân tích, dưới tác động của bão, lượng vật chất hữu cơ có chất lượng thấp (thân gỗ, cành cây, lá xanh) gia tăng đột ngột trong thời gian ngắn đi kèm với sự mất lớp phủ thực vật sống sẽ đưa đến những thay đổi mạnh mẽ trong toàn bộ cấu trúc quần xã sinh vật và chức năng của hệ sinh thái theo chiều hướng tiêu cực.

Xử lý môi trường rừng ngập mặn sau bão Durian nhằm nâng cao chức năng phòng hộ và phục vụ quản lý rừng bền vững của rừng ngập mặn Cần Giờ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo đó, sau 15 năm tự phục hồi, thảm thực vật trong vùng rừng gãy đổ dọn cây và vùng rừng gãy đổ không dọn cây không cho thấy khác biệt đáng kể trong cấu trúc tổ thành loài và các chỉ số đa dạng sinh học. Tuy nhiên, mật độ cây lớn và chiều cao cây tại vùng gãy đổ có dọn cao hơn đáng kể so với vùng gãy đổ không dọn.

Quần xã thực vật trong cả hai vùng rừng này đều đang tăng trưởng mạnh mẽ. Phân bố cấp kính và cấp chiều cao cho thấy hai quần xã này còn cách trạng thái đỉnh cực khá xa. Các thân cây đổ được giữ lại tạo ra nguồn thức ăn thay thế cho quần thể Perisesarma eumolpe trong giai đoạn đầu sau xáo trộn.

Quá trình tự phục hồi của thảm thực vật rừng ngập mặn dẫn tới sự thay đổi theo hướng tích cực của quần thể này do tái tạo nguồn thức ăn ưa thích của chúng (lá cây), đồng thời tạo ra nhiều nơi trú ẩn cho các cá thể của loài.

Những số liệu thu được từ nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng nền trầm tích và diễn biến phục hồi rừng qua phân tích ảnh vệ tinh thống nhất rằng việc dọn dẹp các thân cây gãy đổ ngay sau bão hỗ trợ cho quá trình tái sinh sớm của thảm thực vật do nó tạo ra không gian cho sự sinh trưởng của trụ mầm.

Tuy nhiên, việc giữ lại các thân cây đổ lại tạo ra nguồn dinh dưỡng cho các loài thủy sản sinh sống trong thủy vực kế cận rừng ngập mặn trong suốt nhiều năm. Tái sinh sớm khiến mật độ cây cao và vì vậy mà kìm hãm sự sinh trưởng của thực vật nếu không được chăm sóc, tỉa thưa.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Để cây đổ tự phân hủy thành dinh dưỡng

Diện tích rừng ngập mặn lại liên tục giảm đi, không chỉ do ảnh hưởng từ các hoạt động của con người, mà còn do chính các thiên tai như bão, sóng thần. Những tai biến như thế để lại các hậu quả nghiêm trọng và lâu dài về mặt sinh thái - môi trường và có thể kéo theo các bất ổn về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở những quốc gia có mức độ lệ thuộc của sinh kế vào tự nhiên còn cao như Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Lan Thi cho biết, sau bão, việc để các thân cây gãy đổ phân hủy tự nhiên lại khiến cho tình trạng dinh dưỡng nitrogen trầm tích được cải thiện rất nhanh chóng và kết quả là một quá trình tái sinh của thảm thực vật bậc cao tuy khởi sự trễ nhưng tăng trưởng nhanh và tốt, khiến nó nhanh chóng đuổi kịp thảm thực vật tái sinh sớm ở vùng có dọn về mặt đa dạng sinh học.

Khu vực nghiên cứu nằm trong vùng ít bị rủi ro sinh cảnh do nằm sâu trong rừng, cách xa vùng ven biển nơi bị tác động của xói mòn và sạt lở.

Giải pháp xử lý môi trường rừng xáo trộn do bão được đề xuất là giữ nguyên các thân cây đổ trên sàn rừng và để chúng phân hủy tự nhiên sau xáo trộn. Đây là giải pháp hữu hiệu cho việc phục hồi rừng ngập mặn sau các biến cố tự nhiên như bão, sét đánh.

Giải pháp đưa ra từ kết quả của nghiên cứu này cũng có thể được áp dụng cho các vùng rừng ngập mặn có cây gãy đổ do các nguyên nhân khác (ngoại trừ các vùng cây chết do sâu bệnh) và đối với các sản phẩm tỉa thưa.

Nhóm cũng đưa ra kiến nghị cần có những nghiên cứu rất chi tiết về dịch tiết rễ và hoạt động của quần xã vi sinh vật trầm tích. Cần xây dựng một khung chương trình quan trắc định kỳ mỗi 2 năm.

Nội dung của chương trình quan trắc này tập trung vào diễn biến thành phần loài và cấu trúc của thảm thực vật trong mối liên hệ với tình trạng dinh dưỡng của nền trầm tích và chương trình quan trắc này cần kéo dài ít nhất đến khi quần xã đạt trạng thái đỉnh cực.

Cần theo dõi, đánh giá những thay đổi (nếu có) trong vai trò của rừng ngập mặn đối với mức độ đa dạng sinh học và chất lượng của các loài thủy sản, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế, sống trong những thủy vực lân cận.

Ngoài ra, xây dựng ngân hàng gen cho các loài cua còng ghi nhận theo thời gian trong khu vực; mô phỏng giả lập các tác động của cua còng lên sự phục hồi thảm thực vật thông qua hoạt động sống, sinh trưởng và phát triển; phân lập khu hệ vi sinh vật trong bao tử còng trong vai trò phân hủy vật rụng và cung cấp dinh dưỡng cho nền trầm tích; và tiếp tục đánh giá cấu trúc quần xã cua còng trong khu vực cho thấy tác động lên sự phục hồi cây mầm đặc biệt giữa sinh cảnh gãy đổ có dọn và không dọn.

“Kết của đề tài đã đưa ra phương pháp phục hồi, tái sinh rừng ngập mặn Cần Giờ sau thiên tai, bão lũ, đảm bảo hệ sinh vật phục hồi nhanh nhất, ít ảnh hưởng đến rừng nhất”, TS Nguyễn Thị Lan Thi cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ