Giảng viên, doanh nhân đồng hành hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều giảng viên, nhà khoa học, doanh nhân đồng hành, hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM.

Tập thể Câu lạc bộ Mentoring mùa 1 Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT
Tập thể Câu lạc bộ Mentoring mùa 1 Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT

Ngày 13/1, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) sơ kết hành trình "Mentoring HUIT mùa 1" và giao lưu chia sẻ Mentor - Mentee.

ThS Hoàng Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (HUIT) cho biết, hiện nhiều bạn trẻ, trong đó có sinh viên của trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng tương lai, lựa chọn nghề nghiệp.

Họ thiếu kỹ năng và vốn sống, nên thường lúng túng, thiếu tự tin và quyết định sai lầm khi đối diện những thử thách, đứng trước những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống.

Để hỗ trợ sinh viên, nhà trường đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó có hình thức cố vấn theo nhóm (mentoring nhóm) và cố vấn 1:1 (mentoring 1:1).

Hình thức "mentor nhóm" được HUIT triển khai từ năm 2018. Các nhóm sinh viên khi có ý tưởng khởi nghiệp phù hợp sẽ được các mentor (người cố vấn, định hướng), mà trực tiếp là giảng viên cùng đồng hành, hỗ trợ chuyên môn để phát triển thành các dự án khởi nghiệp. Sau đó, các dự này sẽ tham dự cuộc thi khởi nghiệp các cấp.

Tham gia các cuộc thi đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nhóm tiếp tục được kết nối với các chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư - những người đóng vai trò như một mentor - đồng hành và cố vấn cho sinh viên phát triển dự án, bản thân.

ThS Hoàng Thị Thoa chia sẻ về hoạt động của Câu lạc bộ Mentoring mùa 1. Ảnh: HUIT

ThS Hoàng Thị Thoa chia sẻ về hoạt động của Câu lạc bộ Mentoring mùa 1. Ảnh: HUIT

Trong quá trình mở rộng mạng lưới kết nối với các nguồn lực khác nhau trong xã hội để hỗ trợ sinh viên, HUIT đã phát triển hoạt động metoring phong phú hơn với hình thức "mentoring 1:1".

Tháng 4 năm ngoái, Câu lạc bộ Mentoring ra mắt, tạo sức hút và sự quan tâm không chỉ đối với các sinh viên HUIT mà còn lan toả ngoài trường.

Bốn tháng sau đó, nhà trường chính thức khai giảng chương trình Câu lạc bộ Mentoring mùa 1 với 26 cặp đôi mentor, mentee (người đi sau) được tuyển chọn, lựa chọn theo các tiêu chí cụ thể.

Theo đó, Mentor là những doanh nhân, chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học…có trải nghiệm thực tiễn phong phú, có nhu cầu chia sẻ, hỗ trợ các thế hệ sau phát triển tốt hơn.

Mentee là những sinh viên HUIT có nhiệt huyết, khao khát vươn lên học hỏi, phát triển để thực hiện những ước mơ, hoài bão của bản thân.

Mentor Phạm Văn Vương và Mentee Nguyễn Châu Long chia sẻ về dự án "Cộng đồng sinh viên các tỉnh, thành phía Nam". Ảnh: HUIT

Mentor Phạm Văn Vương và Mentee Nguyễn Châu Long chia sẻ về dự án "Cộng đồng sinh viên các tỉnh, thành phía Nam". Ảnh: HUIT

Mentoring hoạt động tự nguyện, miễn phí. Trong quá trình làm việc, cả mentor và mentee đều có được những cơ hội phát triển, hoàn thiện bản thân.

Hành trình kết nối này đã có những "quả ngọt" đầu tiên.

Chẳng hạn, mentor Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị VNO Group đã hướng dẫn và đầu tư 800 triệu đồng để hiện thực hoá ước mơ khởi nghiệp "Không gian cafe Startup VNO coffee" cho Trần Phạm Cẩm Tú (sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh).

Trong khi đó, mentee Nguyễn Thị Huệ (sinh viên năm 3 ngành Marketing), dưới sự dẫn dắt của mentor Wilson Lieu - CEO Học viện Chuyển đổi số NextAcademy, Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam, đã đoạt giải Media Superstar tại Chung kết cuộc thi Personal Branding 4.0 mùa 2.

Nhà trường khen thưởng các Mentor - Mentee có thành tích nổi bật. Ảnh: HUIT

Nhà trường khen thưởng các Mentor - Mentee có thành tích nổi bật. Ảnh: HUIT

Theo ThS Hoàng Thị Thoa, những kết quả đạt được trong thời gian ngắn, cho thấy các thành viên sáng lập và điều hành Câu lạc bộ Mentoring HUIT rất quyết tâm với định hướng trở thành câu lạc bộ Mentoring hàng đầu trong các trường đại học trên cả nước.

"Câu lạc bộ với các nguồn lực và điều kiện của mình sẽ luôn sát cánh cùng các sinh viên để thực hiện những mục tiêu cao và cao hơn, luôn đồng hành hỗ trợ các sinh viên vượt qua những khó khăn, trở ngại trên con đường lập thân, lập nghiệp", ThS Thoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.