'Bệ đỡ' vững chắc giúp sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Luôn đồng hành và hỗ trợ kịp thời để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên là chủ trương được Trường ĐH Trà Vinh chú trọng thực hiện.

Trao giải cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2023.
Trao giải cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2023.

Nhờ có bệ đỡ vững chắc này, nhiều sinh viên khởi nghiệp thành công.

Ươm mầm khởi nghiệp

Những năm qua, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh là nơi ươm mầm, hiện thực hóa nhiều ý tưởng, mô hình khởi nghiệp cho sinh viên. Thông qua mô hình hợp tác xã, sinh viên nào có ý tưởng đều có được sự tận tình hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện các dự án khởi nghiệp. Ðồng thời, đây là mô hình mới nhà trường đang tích cực triển khai, tạo môi trường cho sinh viên phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong công việc, được thực hành ngay những kỹ năng đã được học…

Theo bà Lê Thị Hồng Rang - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trường ĐH Trà Vinh), mô hình Hợp tác xã sinh viên không chỉ đơn thuần là một tổ chức kinh tế thông thường mà còn là mô hình vệ tinh thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển cá nhân một cách hiệu quả. Qua đó tạo ra môi trường học tập thực tế, đa dạng, góp phần vào sự đổi mới, phát triển của cộng đồng và định hình tương lai của sinh viên trong thế giới kinh doanh và xã hội ngày nay.

Hiện, Hợp tác xã sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thực hiện các dịch vụ vệ sinh công nghiệp, giữ xe, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch (liên kết tiêu thụ sản phẩm do sinh viên của trường sản xuất và chế biến); cửa hàng kinh doanh tổng hợp; hoạt động thiết kế chuyên dụng... Thời điểm mới thành lập (năm 2018), tổng số vốn góp là 107 triệu đồng.

Đến nay hợp tác xã quy tụ 552 thành viên, tổng vốn góp hơn 120,5 triệu đồng, tổng tài sản hơn 282,8 triệu đồng, tổng số vốn góp của thành viên liên kết là 190 triệu đồng. “Hợp tác xã sinh viên là mô hình rất hay, tạo được hứng thú cho em và các bạn sinh viên đam mê kinh doanh, khởi nghiệp.

Đây là cơ hội giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế và học hỏi được nhiều kinh nghiệm khi tổ chức, hoạt động, điều hành trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp”, em Đặng Thị Yến Nhi, sinh viên ngành Điều dưỡng chia sẻ.

Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho SV Trường ĐH Trà Vinh.

Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho SV Trường ĐH Trà Vinh.

Rèn khả năng “thực chiến”

Bên cạnh mô hình Hợp tác xã sinh viên, mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL đặt tại Trường ĐH Trà Vinh cũng góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nâng cao khả năng khởi nghiệp. Mạng lưới hiện có 28 thành viên (gồm 3 tổ chức thúc đẩy - hỗ trợ khởi nghiệp, 11 trường đại học, 13 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp).

Mạng lưới được sáng lập nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và cựu học sinh, sinh viên (ra trường không quá 5 năm kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp). Qua đó đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thông qua thúc đẩy các hành động hợp tác song phương, đa phương với quan điểm nâng cao kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên…

Để hiện thực hóa, nâng tầm các ý tưởng khởi nghiệp, Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL hằng năm đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL”.

Cuộc thi thực sự trở thành sân chơi lớn cho học sinh, sinh viên có tinh thần khởi nghiệp thử sức và dấn thân. Vòng chung kết cuộc thi được tổ chức vào giữa tháng 11 vừa qua thu hút hơn 30 trường đại học, cao đẳng cùng 500 trường THPT ở ĐBSCL tham gia. Tham gia cuộc thi có 93 ý tưởng với gần 100 sinh viên, học sinh…

Chia sẻ những cảm nhận về cuộc thi khởi nghiệp, em Lê Bảo Hân, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Trà Vinh) cho biết: “Đây là cơ hội để các đội thi trình bày, giới thiệu dự án, tìm kiếm những cơ hội đầu tư, từ đó hiện thực hóa ý tưởng. Sân chơi này tạo điều kiện giúp em và các bạn sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn”.

Trao đổi về quy mô cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, Chủ tịch Mạng lưới hỗ trợ học sinh sinh - viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL cho biết: Cuộc thi năm nay đã phát triển hơn so với năm trước cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhiều sinh viên ra trường rồi nhưng vẫn mang nặng tâm lý làm thuê hơn làm chủ, kỳ vọng vào được cơ quan Nhà nước để làm cho ổn định, trong khi khối hành chính công thì đang tinh giảm biên chế. Câu hỏi được đặt ra là tại sao các em không tự làm chủ, không tự khởi nghiệp? Vì vậy, cuộc thi đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, mang đến cho học sinh, sinh viên cơ hội trải nghiệm thực tế, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh, góp phần hiện thực hóa ý tưởng của mình và tìm ra con đường lập nghiệp trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trường ĐH Trà Vinh), việc hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai thông qua các sự kiện kết nối cựu sinh viên khởi nghiệp; chương trình ươm mầm ý tưởng; chương trình đào tạo thực chiến; tổ chức cuộc thi ý tưởng sinh viên khởi nghiệp…

Nhà trường còn tổ chức vinh danh sinh viên, cựu sinh viên, học viên khởi nghiệp thành công. Những sinh viên khởi nghiêp thành công đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ, truyền lửa về khởi nghiệp cho các thế hệ đàn em…

Vừa qua, sự kiện ra mắt HUB Làng học sinh - sinh viên sáng tạo khu vực ĐBSCL được thành lập với 40 thành viên và kết nạp thành viên mới của Mạng lưới khởi nghiệp và phát động dự án “Hành trình xây dựng tư duy sáng tạo cho 10.000 học sinh khu vực ĐBSCL” được triển khai là minh chứng cho sự cam kết của các tổ chức và cộng đồng đối với việc khuyến khích sự phát triển bền vững và sáng tạo, khởi nghiệp của giới trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ