Giáng sinh ­trên đất khách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm ấy tôi vô tình có một chuyến đi xa vào đúng mùa thu. Ra đi lòng tôi vẫn nặng trĩu với mùa thu Hà Nội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xuống sân bay Heathrow-London tôi lên tàu đi thẳng đến Nottinghamshire và cũng không ngờ công việc giữ chân tôi trọn mùa thu năm ấy, nhưng cũng là cơ hội cho tôi trải qua một mùa thu trên đất lạ.

Nhà thơ John Keats đã nói rằng thu là “mùa của sương muối và mùa của thành quả chín bùi”, mùa mà những bông hoa cuối cùng của mùa hạ héo tàn, mùa táo chín mọng, mùa lá đổi màu và mùa của màn đêm kỳ diệu. Trong những giờ rảnh rỗi, tôi hay đi lang thang ở ngoại ô thành Nottingham. Cái đẹp của mùa thu miền trung du này giống với mùa thu ở quê tôi, nó bộc lộ nỗi cô liêu và tan tác trong cánh lá vàng bay bay, nhưng nó khác quê tôi, vì nó xán lạn một màu vàng: Lá cây khô vàng; mây trời cũng lâng lâng bay, quả thông già nặng trịch cũng rơi giúi vào trong đống lá khô và chim nhạn đã chuẩn bị cho chuyến đi xa tránh mùa đông giá lạnh.

Cái đẹp của mùa thu huyền diệu làm cho tôi đã ngây ngất lại càng ngây ngất. Nhưng, chẳng mấy chốc, mùa thu qua đi nhanh chóng, công việc chưa xong, tôi phải ở lại qua mùa đông. Âu cũng là dịp cho tôi hòa mình vào không khí rộn ràng của Mùa Giáng sinh và năm mới trên miền đất lạ. …Trời đã sang đông, mây xám giăng giăng và những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi lãng đãng, rồi ngày càng rơi dày hơn. Mùa Giáng sinh và năm mới đã tới. Việc đầu tiên là thuê căn phòng nhỏ ở Richmon, cách trung tâm London ba mươi phút đi tàu điện ngầm, rồi đi mua chiếc áo lông chống tuyết. Hằng ngày xong việc, tôi đi ăn quanh trung tâm nên thường đi về bằng chuyến tàu bảy giờ tối, trừ những hôm hứng lên đi lang thang thì về chuyến muộn hơn, lúc chín hoặc mười giờ. Lịch trình di chuyển này đã đưa đến cơ duyên cho tôi gặp một cô bạn người Nhật. Tôi cũng đã thường xuyên trông thấy cô trên chuyến tàu sáng, nhưng không tiện làm quen vì giờ tầm tàu rất đông. Hôm đó, vừa bước lên chuyến tàu mười giờ tối, tàu vắng, tôi trông thấy cô ngồi ở góc cuối toa nên liền đi xuống. Lúc đầu tôi tưởng cô là người Việt, nhưng nhìn vào đôi mắt nhỏ thanh, lông mi cong và mái tóc ngắn bao lấy khuôn mặt bàu bàu, đôi môi đỏ chót, làn da trắng mịn tôi nhận ra đó là vẻ đẹp Á Đông của người Nhật. Mấy ngày sau tôi cũng gặp Kikoko, tên cô gái, trên tàu và chúng tôi ngày càng thân mật, thỉnh thoảng đi ăn tối với nhau, và hay ra công viên uống trà chiều.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi muốn tận hưởng không khí Giáng sinh thực sự vì ở quê hương tôi lễ Giáng sinh chỉ là bản sao không đầy đủ. Các bạn bè người Anh đều nói với tôi mùa Giáng sinh rất buồn cho người nước ngoài. Tôi hiểu và rất thích. Đúng vào đêm Giáng sinh tôi rủ Kikoko vào trung tâm London. Xuống tàu, trời đã tối được khá lâu, cũng phải khoảng hơn mười giờ đêm. Tôi hỏi:

- Kikoko, em có theo đạo Thiên Chúa không?

Cô ngẩng đầu lên nhìn tôi vừa đúng lúc một bông tuyết rơi trúng mắt mũi. Kikoko lấy tay quệt mắt, cười rất duyên dáng:

- Quà tặng của Chúa đấy! Em yêu Chúa Jesus nhưng không phải là tín đồ của Thiên Chúa.

- Ừ, anh cũng vậy. Lát nữa chúng ta rẽ qua nhà thờ St Johns (St. Johns Church) nhưng không vào dự lễ nhé.

- Vâng, chúng ta đi dưới trời của Chúa thế này là hay lắm rồi.

Chúng tôi vừa đi vừa nói với nhau những lời bình, những câu chuyện về Giáng sinh, về tiểu thuyết “Bản Thánh ca mùa Giáng sinh” của Charles Dickens, về những bản Thánh ca mà mình yêu thích, và bài “Happy New Year” của nhóm ABBA, rồi cô hát khe khẽ cho tôi nghe một đoạn. Đi dưới trời tuyết rơi bên nhau tôi rất thích cảm giác “hai người cô đơn” trên đất khách mà sau này tôi không còn gặp lại nữa, tuy rằng cảm xúc ấy vẫn mãi mãi trong lòng tôi. Chúng tôi đi ngang qua một ngôi nhà có hàng hiên chìa ra, bên trên treo một cành tầm gửi. Tôi giật nhẹ tay Kikoko và chỉ lên cành tầm gửi trang trí, mỉm cười nói:

- Mistletoe!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo tục lệ ở đây, nếu đi qua dưới cành tầm gửi, người đàn ông sẽ yêu cầu người phụ nữ cho mình hôn, hoặc ngược lại. Nếu người nào từ chối sẽ gặp nhiều điều không may trong năm mới. Kikoko dừng lại, quay người sang tôi, đứng im, hơi ngẩng mặt lên và từ từ nhắm mắt lại. Tôi nhẹ nhàng vòng tay ôm chặt ngang lưng cô, đặt một nụ hôn lên đôi môi đỏ chót, nóng bỏng. Cô vòng tay ôm ngang lưng tôi. Một phút thiên thần. Tôi chưa bao giờ có cảm xúc tuyệt vời như thế này trong mùa Giáng sinh.

- Bây giờ chúng ta qua St. Johns Church nhé.

- Vâng.

Không khí nhà thờ đã rộn ràng. Con chiên lần lượt vào Thánh đường vui vẻ và nghiêm túc, không vào dự lễ vì sợ rằng cái cảm giác “ngoại đạo” sẽ làm mình buồn. Chúng tôi đi tiếp. Bỗng tôi dừng lại và kéo tay Kikoko, nói:

- Bắt đầu từ đây, anh bước bước chân thứ nhất, em bước tiếp bước thứ hai, anh thứ ba, em thứ tư…, cứ như thế đến hết mười hai bước thì dừng lại nhé.

- Em hiểu, ai bước thừa thì bị phạt, anh nhé.

- Phạt gì?

- Phạt gì tùy thuộc vào người kia.

- Yes! Bắt đầu!

Khi chúng tôi dừng lại và quay đầu nhìn, những bước chân đầu tiên đã bị tuyết làm mờ đi. Kikoko nói:

- Tuyết rơi bắt đầu dày rồi đấy, anh Hoài ạ.

Chúng tôi đi tìm quán ăn có món chim đa đa nhồi vì hôm nay là ngày Giáng sinh thứ nhất trong mười hai ngày Giáng sinh.

Theo truyền thuyết của Anh, mỗi ngày Giáng sinh có biểu tượng một con chim, mỗi con chim mang một ý nghĩa biểu trưng cho Chúa, đồng thời là một món ăn đặc thù của mùa Giáng sinh, món “chim nhồi” và cũng là một đồ trang trí.

Chúng tôi chẳng tìm đâu ra quán ăn có món ấy. Có lẽ nó chỉ có trong gia đình. Kikoko dúi đầu vào vai tôi, nhoẻn miệng cười, nói:

- Chúa chẳng cho chúng ta viên ngọc toàn bích rồi.

Tôi quay sang hôn lên trán cô:

- Chúng ta đến phòng trà London vậy.

- Yes!

Trong phòng trà ấm cúng chỉ có ba đôi, tôi đoán có thể hai đôi kia cũng là người nước ngoài sang chơi hoặc làm việc. Bữa trà cuối cùng trong năm. Tôi hỏi Kikoko:

- Em có nhớ tên mười hai con chim biểu tượng cho tính cách của Chúa và của món ăn đặc thù mùa Giáng sinh không?

- Em biết, nhưng không nhớ hết.

Chúng tôi từ hai nền văn hóa khác nhau nên chuyện trò rôm rả. Tôi hỏi:

- Em có uống trà theo nghệ thuật thưởng trà Nhật Bản không?

- Trà đạo, chúng em gọi là chado, cầu kỳ lắm anh ạ. Người ta cần nước suối hoặc nước giếng hoặc nước mưa tinh khiết, ấm trà bằng đồng, hỏa lò than bằng đồng, chén uống trà bằng men có họa tiết, một loạt các loại khăn lau … (Kikoko cười) Ôi, nhiều thứ lắm em cũng không nhớ hết được. Mà … bọn trẻ chúng em rất ít khi pha trà đạo vì quá phức tạp, hãn hữu lắm trong một ngày lễ nào đó tiếp bạn… Bọn em nhiều đứa còn không biết pha nữa cơ.

Tuyết đầu mùa. (Tranh: Nguyễn Tường Dũng)

Tuyết đầu mùa. (Tranh: Nguyễn Tường Dũng)

Nghe Kikoko kể, tôi thấy các nước phương Đông đều có những văn hóa thưởng trà thanh cao rất phức tạp của riêng mình. Tôi nhớ truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm” (Vang bóng một thời) của Nguyễn Tuân, đọc lại câu chuyện về cụ Ấm pha trà và thưởng trà vào một buổi sáng mùa đông thì thật là thần thoại, thú vị, cầu kỳ…

Không sa đà vào những điều tưởng là đời thường nhưng lại cao siêu nữa, tôi chuyển chủ đề, hỏi Kikoko:

- Học về lĩnh vực văn hóa, thế nào cũng liên quan đến nghệ thuật, em có hoài bão trở thành người nổi tiếng, một ngôi sao tỏa sáng không?

Kikoko cười to, một nụ cười thoải mái như chẳng quan tâm đến sự đời.

- Ngôi sao tỏa sáng là gì hả anh? Nếu anh là ngôi sao, anh có nghĩ rằng một ngày nào đó nó phụt tắt không anh?

- Anh luôn luôn nghĩ rằng hãy sống một cuộc đời bình thường và có ích cho đời.

- Thế đấy!

Cứ thế, chúng tôi lan man sang các câu chuyện văn hóa khác, truyền thống khác và như có vẻ ý hợp tâm đầu cho đến lúc tiếng chuông đồng hồ Big Ben đánh tiếng chuông đầu tiên. Chúng tôi đứng dậy, đi đến chỗ người bán hàng chúc mừng:

- Merry Christmas!

Tôi nắm chặt tay Kikoko nói:

- Merii Kurisumasu

Cô vui thích lắm, nhắc lại lời chúc bằng tiếng Nhật ấy. Tôi cười vì thấy phát âm của tôi không giống cô. Chúng tôi đẩy cửa, bước ra ngoài trời gió lạnh. Kikoko quàng tay ôm chặt ngang lưng tôi, hơi ngẩng đầu lên, tôi đặt một nụ hôn rồi kéo chiếc mũ liền áo của cô sụp xuống thấp hơn một chút để ngăn bông tuyết rơi vào mặt và nắm lấy bàn tay bé nhỏ, xoa xoa trong lòng bàn tay tôi cho nóng lên. Tiếng chuông cuối cùng của Big Ben đã dừng lại chỉ còn tiếng ngân nhè nhẹ. Chúng tôi bước chầm chậm trên đường phố ngập tuyết ra bến tàu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ