Ngày 12/12, lãnh đạo TAND huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, phiên tòa xét xử Lê Văn Phú (tức Phú Lê, 40 tuổi, quê tại Yên Bái) và đàn em Hoàng Văn Thụ (24 tuổi, quê tại Yên Bái), Trần Văn Tư (32 tuổi, quê tại Thái Bình) về tội cố ý gây thương tích, mở vào 15/12 tới sẽ không diễn ra như dự kiến.
Lý giải nguyên nhân hủy phiên tòa, vị lãnh đạo trên cho biết, ngay sau khi nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, gia đình “hot girl” Đào Chile đã rút đơn, nên theo quy định, vụ án bị đình chỉ và phiên tòa cũng không được diễn ra. Đồng nghĩa với đó, Phú Lê và đàn em cũng được trả tự do ngay sau khi có quyết định đình chỉ vụ án.
Dưới góc độ pháp lý, trao với PV Báo GD&TĐ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn Phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi của Phú Lê và các đồng phạm gây bức xúc cho gia đình hại và dư luận xã hội.
Tuy nhiên với thương tích dưới 11%, nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng mới xử lý. Trường hợp trong quá trình giải quyết mà người bị hại rút đơn thì vụ án bị đình chỉ. Đây là quy định của bộ luật tố tụng hình sự về trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
"Như vậy pháp luật quy định việc khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự đòi hỏi phải có đơn yêu cầu của người bị hại theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự", Luật sư Cường nói.
Theo Luật sư Cường, trong trường hợp này nếu trong quá trình giải quyết vụ án “người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.”
Vì vậy, nếu trong vụ án này bị hại tự nguyện rút đơn, vụ án sẽ bị đình chỉ. Khi đó, Phú Lê và các đồng phạm chỉ bị xử phạt hành chính theo khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Mặc dù các đối tượng không bị xử lý hình sự nhưng sẽ bị phạt hành chính và có “tiền sự” được xác định là nhân thân xấu. Nếu sau vụ việc này còn tiếp tục gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Luật sư Cường cũng chia sẻ, có thể nói rằng việc sử dụng mạng xã hội, kiếm tiền qua các tài khoản mạng xã hội là chuyện bình thường, pháp luật không cấm, thậm chí khuyến khích nhưng những đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em thì cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật để phòng ngừa chung cho xã hội.