Gian nan giáo dục mầm non Sóc Sơn (Hà Nội)

Gian nan giáo dục mầm non Sóc Sơn (Hà Nội)

Nếu không theo chân cô Nguyễn Thị Lưu – tổ trưởng tổ mầm non Phòng giáo dục huyện Sóc Sơn, chắc chắn chúng tôi khó lòng tìm ra nơi làm việc của Ban giám hiệu Trường mầm non Tân Hưng, chẳng phải vì đường xá xa xôi cách trở hay ngõ xóm ngoằn ngoèo. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của chúng tôi khi chiếc xe đỗ xịch trước cổng UBND xã, cô Lưu cười giải thích: toàn bộ “đầu não” của trường Tân Hưng nằm ở trong này.

Thì ra, vì không có khu trung tâm nên Trường Tân Hưng được UBND xã tạo điều kiện cho mượn một phòng trong ủy ban để làm việc. Đó là một căn phòng chỉ rộng khoảng 8 mét vuông mà theo lời cô Nguyễn Thị Tính, hiệu trưởng nhà trường, là nơi làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán. Diện tích chật chội nên căn phòng “đa năng” này ngồn ngộn đồ đạc, nếu cùng một lúc cả ba người cùng ngồi làm việc thì chắc chắn “đá phải thúng, đụng phải nia”. Cô Tính cho biết, có rất nhiều khó khăn và những rắc rối nảy sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong điều kiện như thế này. Hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán khó có thể cùng lúc làm việc mà thường phải làm việc thay phiên. Làm việc thay phiên thì hiệu suất công việc thấp nên buộc phải mang việc về nhà làm. Nhất là những hôm giáo viên mang tiền đến nộp cho kế toán thì hiệu trưởng và hiệu phó coi như hết chỗ. Khi nhà trường có công việc cần triển khai, sinh hoạt chuyên môn hay họp hành thì phải mượn phòng của UBND xã. Cô Tính nói vui, ở những trường mẫu giáo không có khu trung tâm mà lại nhiều điểm lẻ thì hiệu trưởng và hiệu phó phải kiêm nhiệm thêm “chân đưa tin”. Các điểm lẻ không có điện thoại, internet thì chắc chắn là chưa có rồi nên mỗi khi có thông tin gì cần thông báo thì hiệu trưởng và hiệu phó lại chia nhau ra để đi đến từng nơi để phổ biến.

Căn phòng 8 m2 là nơi làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán
Căn phòng 8 m2 là nơi làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán

Mầm non Tân Hưng là trường nằm trên bàn khó khăn của huyện Sóc Sơn, vùng đất hay úng lụt, cuộc sống nhân dân còn nghèo nên phụ huynh của một số khu còn chưa thực sự quan tâm đến trẻ. Rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con ăn trưa tại trường nhưng chưa thực hiện được vì phòng thì chật, nhà bếp lại không có. Ngoài khu Hiệu Chân Cẩm Hà mới được sự án Plan tài trợ xây dựng 4 phòng học, có đầy đủ công trình vệ sinh khép kín, có tường bao quanh, cổng trường, sân vui chơi ngoài trời, còn lại 4 khu khác cơ sở vật chất vẫn khó khăn vô cùng. Như điểm trường gồm 2 phòng học cấp 4 cạnh UBND xã, lối vào cổng trường vẫn là đường đất; sân trường bằng gạch xi măng chẳng còn chỗ nào lành; mái nhà dù căng bạt để tránh dột vẫn chỉ ngắn được phần nào mưa gió. Được biết, 3 khu còn lại (không kể khu Hiệu Chân Cẩm Hà) cơ sở vật chất còn khó khăn hơn. Như tâm sự của cô Tính, nhà ngói thì năm nào cũng đảo ngói đấy mà dột vẫn hoàn dột, nhà mái bằng thì trần nứt đằng trần, tường nứt đằng tường. Nhiều khi tiếc thay cho công sức các cô miệt mài vất vả trang trí, làm đồ dùng dạy học theo các chủ điểm nhưng cứ mưa là tường ẩm ướt làm hỏng hết cả. Chính vì vậy nên khi nghỉ hè, các cô phải dỡ hết ra, hoặc mang về nhà cất hoặc để gọn ngay trong lớp sau đó căng bạt che đạy.

Theo tổ trưởng tổ mầm non của phòng giáo dục huyện, cô Nguyễn Thị Lưu thì hiện nay Sóc Sơn đã xây dựng được 13 trong tổng số 27 trường có khu trung tâm. Những trường còn lại, phòng làm việc của ban giám hiệu nhà trường phải nhờ ủy ban, nhà văn hóa thôn hoặc chọn một lớp đủ rộng để ngăn ra làm phòng làm việc. Hiện, huyện đã quy hoạch xong mạng lưới trường, lớp mầm non đến năm 2010-2015, phấn đấu mỗi trường mầm non được xây khu trung tâm theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia và mỗi trường chỉ còn từ 2 – 3 khu để góp phần thuận lợi cho công tác chỉ đạo và thực hiện. Năm 2009, cấp học mầm non Sóc Sơn được thành phố, UBND huyện xây mới và đưa vào sử dụng mới các khu trung tâm mầm non của 7 trường là Trung Giã, Phù Linh, Hiền Ninh, Phú Minh, Bắc Sơn, Đông Xuân và Xuân Giang với quy mô từ 8 – 10 phòng học, khu hiệu bộ, các phòng chức năng với số vốn đầu tư cho mỗi khu trung tâm gần 10 tỷ đồng. Trường mầm non Tân Hưng cũng đã được cấp khoảng 7000 mét vuông đất để xây dựng khu trung tâm, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2010.

Những băn khoăn bảo vệ, cô nuôi

Với những trường chưa có khu trung tâm, cơ sở vật chất thiếu thốn thì nhiều vất vả trở ngại đã đành, thế nhưng, trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang hiện đại rồi cũng vẫn đối mặt với không ít lo toan.

Năm học này, Trường mầm non Trung Giã có một khu trung tâm mới với hai dẫy nhà hai tầng hiện đại, số điểm lẻ trong trường thu hẹp từ 10 xuống còn 3 điểm, cơ sở vật chất phục vụ chuyên môn được đầu tư đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, 100% số trẻ (588 em) được ăn bán trú tại trường … Thế nhưng, khó khăn lại nảy sinh chính từ đây. Với số lượng gần 600 trẻ ăn bán trú nhưng hiện tại nhà trường chỉ có 1 cô nuôi. Để khắc phục, trường đã chuyển một số giáo viên quá tuổi sang làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, do không có chuyên môn nên gặp không ít khó khăn trong công việc.

Cơ sở vật chất khang trang, nhà trường lại đối mặt với nỗi lo nhân sự bảo vệ, cô nuôi
Cơ sở vật chất khang trang, nhà trường lại đối mặt với nỗi lo nhân sự bảo vệ, cô nuôi

Bà Đoàn Thị Bình, phó phòng giáo dục huyện Sóc Sơn cho biết, Các trường có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn huyện hiện thiếu trầm trọng đội ngũ cô nuôi. Nguyên nhân chính là do không có biên chế cô nuôi mà nhà trường phải tự tuyển, công việc vất vả nhưng thu nhập lại quá thấp nên rất khó tuyển được người. Các cô nuôi chỉ được hưởng hệ số lương 1,5 cùng trợ cấp bán trú, không có phụ cấp đứng lớp.Ví như Trường mầm non Trung Giã, được hỗ trợ 50 ngàn/tháng theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường nhưng tổng thu nhập của các cô nuôi cũng chỉ được trên 800 ngàn/tháng.

Nhân sự bảo vệ trong các trường mầm non đã được xây khu trung tâm trong huyện hiện nay cũng là vấn đề khó khăn không kém. Toàn huyện Sóc Sơn hiện chỉ duy nhất có trường mầm non Liên Cơ, vốn là trường mầm non công lập từ lâu, được 1 biên chế bảo vệ; 3 trường mầm non được hợp đồng bảo vệ, còn lại, các trường đều phải tự ký hợp đồng bảo vệ tùy theo nhu cầu. Vì nguồn kinh phí có hạn, lương trả cho bảo vệ thấp nên đến việc tuyển người cũng khó. Cô Nguyễn Thị Thêm, hiệu trưởng Trường mầm non Trung Giã cho biết, để trả cho hai bảo vệ, mỗi người mức lương 700 ngàn/tháng đã là một cố gắng lớn của nhà trường. Thế nhưng, với mức lương ấy, lại chỉ là hợp đồng trường nên không thể chắc chắn về trách nhiệm của bảo vệ. Bán giám hiệu nhà trường lúc nào cũng lo lắng trước an ninh của cơ sở vật chất với nhiều trang thiết bị có giá trị lớn như thế này.

Khủng hoảng … hiệu phó

Huyện Sóc Sơn hiện nay có 29 trường mầm non (trong đó 27 trường công lập và 2 trường khối quốc phòng) với tổng số 996 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, tổng số biên chế của bậc học này rất ít, chỉ có 94 người. Bà Đoàn Thị Bình, phó phòng giáo dục huyện Sóc Sơn cho biết, toàn huyện chỉ có 4 trường mầm non là đủ cán bộ quản lý theo thông tư 71; 3 trường mầm non chưa bổ nhiệm phó hiệu trưởng là trường mầm non Minh Trí, Xuân Thu và Trường mầm non Z117, tất cả các trường còn lại đều mới chỉ có một phó hiệu trưởng. Lực lượng quản lý còn thiếu nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động của nhà trường. Nguyên nhân của những khó khăn khi bổ nhiệm hiệu phó trong các trường mầm non của Sóc Sơn hiện nay là do số lượng giáo viên được biên chế hầu hết đều đã lớn tuổi, đa số sinh vào những năm 1958, 1959, 1960, trình độ lại hạn chế nên không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. Những giáo viên trẻ, có đầy đủ năng lực và tâm huyết thì lại chưa được vào biên chế. Giải pháp tạm thời của các trường chưa có hiệu phó hiện nay là giao trách nhiệm cho chủ tịch công đoàn, các khu trưởng, khối trưởng. Tuy nhiên, do phải kiêm nhiệm nhiều việc, cùng với công tác giảng dạy cũng đã vất vả nên hiệu quả làm việc của những đối tượng này chắc chắn không cao.

Cô Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Hưng nói vui: Thôi thì “có răng nào bừa răng đấy”, một người phải làm việc bằng hai nên vất vả và ảnh hưởng đến công tác chuyên môn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, vì nghề vì nghiệp, chúng tôi vẫn vui vẻ và cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Nguyễn Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ