Gian nan đưa phim Việt xuất ngoại: Cứ đi rồi sẽ thành đường

GD&TĐ - Không chỉ lập các kỷ lục đáng nể về doanh thu phòng vé, nhiều nhà sản xuất phim Việt đã và đang bắt đầu hành trình tìm kiếm, mở rộng cơ hội phát hành phim tại nước ngoài, đưa phim Việt “xuất ngoại” với những tín hiệu khả quan.

Cảnh trong phim Lật mặt: Nhà có khách.
Cảnh trong phim Lật mặt: Nhà có khách.

Chạm tay vào giấc mơ

Thỉnh thoảng, công chúng lại được nghe thông tin về phim Việt chiếu tại các Liên hoan phim quốc tế, chiếu giới thiệu ở các cộng đồng người Việt tại nước ngoài... nhưng để chiếu thương mại (có bán vé) thì vẫn là một giấc mơ mà đến giờ, phim Việt mới đang dần “chạm tay” tới.

Theo thông tin từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, Hai Phượng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được công chiếu song song tại Việt Nam và Mỹ. Bộ phim được chào bán tới các nhà phát hành phim tại Mỹ và nhận được sự hợp tác của hai công ty là Well Go USA và Arclight Films.

Khi ra mắt tại Mỹ, Hai Phượng có tên tiếng Anh là Furie và có bản trailer riêng với logo của hai hãng này. Sau một thời gian phát hành, doanh thu tại thị trường Mỹ cũng được công bố rất cụ thể. Theo Box Office Mojo, bộ phim Hai Phượng (Furie) được chiếu tại 28 cụm rạp, lọt top 25 doanh thu phòng vé tại Mỹ sau 2 tuần công chiếu, với doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng).

Ngay sau tin vui của Hai Phượng đến lượt đạo diễn Lý Hải công bố bộ phim "Lật mặt: Nhà có khách" sẽ được phát hành tại Mỹ và Australia. Tại Mỹ, phim được trình chiếu từ ngày 19/4 (đúng 1 tuần sau khi ra mắt ở quê nhà) tại 6 thành phố lớn bao gồm San Francisco, Houston, Garden Grove, Orange, Seattle, Dallas.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 4 chuỗi rạp là những “ông lớn” trong ngành điện ảnh xứ cờ hoa đăng ký trình chiếu phim như AMC, Regal Cinema, Cineplex và CGV chuyên chiếu phim quốc tế. Sau đó tại Australia, bộ phim sẽ được trình chiếu lần lượt tại Melbourne và Sydney từ ngày 15/5.

Sau phim Hai Phượng, Lật mặt: Nhà có khách là bộ phim được công chiếu thương mại tại thị trường Mỹ và Úc.
 Sau phim Hai Phượng, Lật mặt: Nhà có khách là bộ phim được công chiếu thương mại tại thị trường Mỹ và Úc.

Mày mò tìm một công thức

Nhà sản xuất Minh Hà cho biết: “Để được công chiếu tại Mỹ, Lật mặt: Nhà có khách đã phải vượt qua những đợt đánh giá rất gắt gao với tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của điện ảnh quốc tế, từ việc câu chuyện phải cô đọng, không được dài dòng lan man nhưng vẫn phải đầy đủ kịch tính, cao trào và có chiều sâu đến các khâu hậu kỳ như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc, cũng như các cảnh quay phải đáp ứng được quy chuẩn của các bộ phim Hollywood”.

Ngoài những yếu tố về mặt kỹ thuật thì để một bộ phim Việt có thể chiếu rạp ở Mỹ cần phải có những công thức rất riêng.

Đạo diễn Lý Hải chia sẻ: “Ở Hollywood thể loại phim nào, câu chuyện nào cũng có, bởi vậy muốn phát hành ở đó phải tính đến “khẩu vị” của người xem. Hiện theo tôi có hai dòng phim Việt có thể được các nhà phát hành lớn nhận phát hành là phim hành động (như Hai Phượng) hoặc phim ma hài như Lật mặt: Nhà có khách.

Bên cạnh nội dung cuốn hút, giàu tính giải trí, một trong những điều khiến tôi tin rằng sẽ chạm vào cảm xúc khán giả nước ngoài chính là các đại cảnh hoành tráng đậm phong vị Việt”.

“Tôi đã đau đáu để tìm ra chất liệu cũng như cách thức mang lên màn ảnh những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam như lễ hội hoa đăng, phiên chợ vùng cao một cách thật sống động và giàu cảm xúc. Tôi mong rằng đó không chỉ là những điểm nhấn khiến khán giả quốc tế ấn tượng hơn với Lật mặt: Nhà có khách mà còn có thể mang hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam tới với bạn bè thế giới”, đạo diễn Lý Hải bày tỏ.

Với Hai Phượng, tính bản địa cũng được Ngô Thanh Vân chú trọng khai thác với nhân vật chính luôn diện chiếc áo bà ba, các cảnh quay mang đậm hình ảnh Việt Nam từ cảnh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long đến cuộc sống sôi động ở Sài Gòn... Cùng với đó là những mảng miếng hành động phù hợp với hoàn cảnh thực tế của người Việt (chất liệu võ thuật được sử dụng trong phim là Vovinam)...

Tất cả đã tạo nên một tổng thể thông điệp có chủ đích về tính dân tộc trong phim. Việc vạch ra công thức và bám sát nó cho thấy, nhiều nhà làm phim Việt đã có chiến lược rõ ràng cho việc phát hành sản phẩm ở thị trường nào ngay từ khi bắt tay vào dự án.

“Từ năm 2010 đến năm 2019, doanh thu của phim Hàn Quốc chiếu tại Mỹ đã tăng trưởng 40 lần. Tôi tin là để có được quả ngọt này, phải có người xây những viên gạch đầu tiên và tôi mong muốn khán giả quốc tế có một cái nhìn tích cực hơn đối với điện ảnh Việt Nam”, đạo diễn Lý Hải chia sẻ.

Với hai bộ phim và doanh thu còn khiêm tốn, chưa thể nói gì nhiều về giấc mơ “chinh chiến” thị trường nước ngoài của phim Việt, nhưng rõ ràng không đi sẽ không thể thành đường, nếu chúng ta không dám đi, không dám tiên phong thì không thể có ngày phim Việt được khán giả thế giới biết đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.