Giản dị mà lí thú với 'Chú bồ nông ở Sa-mác-can'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Chú bồ nông ở Sa-mác-can' của tác giả Tô Hoài từ lâu đã trở thành tác phẩm không thể thiếu trong tủ sách thiếu nhi.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Được chắp bút bởi một trong những nhà văn chuyên viết cho độc giả trẻ, “Chú bồ nông ở Sa-mác-can” của tác giả Tô Hoài từ lâu đã trở thành tác phẩm không thể thiếu trong tủ sách thiếu nhi. Cuốn sách tập hợp nhiều câu chuyện giản dị mà hứa hẹn mang đến những bài học lí thú, li kì.

Nhắc đến nhà văn Tô Hoài, người lớn có thể ngay lập tức nghĩ đến những tác phẩm như “Cát bụi chân ai”, “Quê người” còn với bao đứa trẻ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu là anh chàng dế mèn trong “Dế mèn phiêu lưu ký”.

Với kho tác phẩm đồ sộ của mình dành cho mọi lứa tuổi, nhà văn Tô Hoài đã mang đến cho nhiều thế hệ độc giả những bức tranh rực rỡ sắc màu tuổi thơ cùng các cuộc du ngoạn, khám phá thế giới độc đáo, cuốn hút đến bất tận bằng trí tưởng tượng.

“Chú bồ nông ở Sa-mác-can” là một tác phẩm như thế, giàu hình ảnh và luôn thật ngộ nghĩnh đáng yêu. Ngay từ ngoài bìa sách, màu vàng được sử dụng chủ đạo, mang đến cho người đọc một cảm giác thật hoài niệm: Màu vàng của hoàng hôn đang dần buông xuống, của cánh đồng lúa đang vào mùa chín rộ, của cây cối, vạn vật trong chiều tà.

Trong khung cảnh nhẹ nhàng mà sâu lắng ấy, có bốn nhân vật đã trở thành thân quen với người đọc trong các tác phẩm của Tô Hoài, là: Mèo, dê, vịt và chú bồ nông. Dần dần, độc giả được dẫn dắt vào tác phẩm một cách tự nhiên.

Mười bảy câu chuyện, mười bảy chuyến hành trình đang chờ đợi độc giả khám phá. Cái tên “Chú bồ nông ở Sa-mác-can” được lấy từ chính tên của câu chuyện thứ mười ba trong tác phẩm và nói lên được nội dung khái quát của 250 trang sách mà tác giả Tô Hoài dành cho bạn đọc.

Tác phẩm này không chỉ là những câu chuyện nhỏ lẻ, vu vơ dành cho trẻ con mà tác giả mong muốn đây là “một tác phẩm hay cho các em cũng làm cho cả người lớn thấy hay”.

Tác phẩm 'Chú bồ nông ở Sa-mác-can' do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Anh Sơn.

Tác phẩm 'Chú bồ nông ở Sa-mác-can' do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Anh Sơn.

Thông qua những nhân vật trong thiên nhiên nhà văn mong muốn đem được cái đẹp của nghệ thuật đến với tất cả mọi người: “Không phải chỉ có các em nhỏ mới coi tự nhiên việc cái ghế biết nói, con bê đánh bạn với người, mà với người đọc, người xem nói chung, khi nghệ thuật đã đạt tới trình độ khắc họa được nội dung và tâm trạng thì cái ghế cười khanh khách, con mèo thủ thỉ trò chuyện, ông trăng biết nói cũng gợi nhiều điều nghĩ ngợi sâu xa cho bất cứ ai”.

Mỗi câu chuyện là một bài học cũng như là một thực trạng có thật trong cuộc sống, khiến cho độc giả đọc xong vẫn còn vấn vương suy nghĩ.

Bài học về cách sống

Đó là câu chuyện đầu tiên: “Võ sĩ Bọ Ngựa” kể về chú bọ ngựa con không nghe lời mẹ, nghĩ mình đã lớn, đã giỏi và đi bắt nạt người khác. Chỉ đến khi bị Bọ Muỗm và Cồ Cộ dạy cho một bài học về cuộc đời, chú mới chịu tỉnh ra rằng mình chẳng là gì cả.

Một câu chuyện thật thấm thía khi tác giả mượn nhân vật chú bọ ngựa non choẹt để nói về sự kiêu ngạo: “Cuộc đời chẳng có khó khăn gì ư? Chỉ bởi chú Bọ Ngựa bé con, từ thủa lọt lòng vẫn nép dưới bụng mẹ mà nhìn ra ngoài trời xanh, mới thấy được dễ dàng như thế đó. Chú nhỏ đã biết được thế nào là dễ, là khó, là “cuộc đời cuộc điếc”.

Những kẻ chẳng biết lại hay nói rằng mình biết”. Hay là cả hình ảnh cô tiểu thư Chuột Chù trong tích dân gian “Đám cưới chuột”. Chê bỏ chàng trai Chuột Nhắt thông minh, hiền lành, ham học chỉ vì chàng bị tật ở chân, “cô tiểu thư Chuột Chù kia cũng héo hắt đi rồi chết già. Chẳng ai buồn lấy, chẳng ai rước đi cho. Là vì cô đỏng đảnh, khinh người làm bộ quá. Làm bộ quá mãi thì đời làm bộ trả. Ở đời, kiêu kì bắc bậc, chỉ tổ làm cho ai nấy sinh ghét”. Những bài học về cách sống đã được tác giả Tô Hoài lồng ghép đầy khéo léo vào trong tác phẩm như thế đấy.

Bài học về thần tượng

Bên cạnh đó, tác phẩm của nhà văn Tô Hoài cũng chứa đựng biết bao điều về cuộc sống xung quanh ta. Câu chuyện “Những chuyện xa lạ” theo góc nhìn của Dê Bé, ở độ tuổi còn non nớt, luôn ngưỡng mộ anh Sơn Dương bởi lẽ: “Sơn Dương đẹp rực rỡ, chân lướt nhanh, chạy cuốn như gió reo lóc cóc trên đá. Câu chuyện đường xa lí thú mà Sơn Dương kể lại, các bạn dỏng tai lên nghe”.

Mặc dù được viết từ mấy chục năm trước nhưng câu chuyện mà nhà văn Tô Hoài muốn truyền tải lại rất thời sự. Hình tượng Dê Bé cũng giống như thế hệ trẻ ngày nay, luôn cố gắng khiến cho bản thân phải giống thần tượng của mình mà quên đi giá trị tốt đẹp của chính mình.

Dê Bé “hì hục tìm cách thành Sơn Dương”, “nhuộm bùn cho bộ lông đen mượt”, “đánh bóng bốn chân”, “hỏi kín anh Sơn Dương” biết bao câu chuyện bốn phương mà quên đi những vẻ đẹp, những câu chuyện lí thú ngay xung quanh. Chỉ cần để ý kĩ, ngay cả tiếng gà kêu cùng hình ảnh những chú gà con cũng thật đẹp làm sao, thu hút sự chú ý của cả Dê Bé và anh Sơn Dương.

Câu nói của anh Sơn Dương: “Hãy biết yêu những cái mình trông thấy rồi hẵng thích chuyện đường xa mình chưa trông thấy” như thay lời và bài học mà tác giả muốn nhắn nhủ đến độc giả. Ngay cả người nổi tiếng như Sơn Dương khi được nghe những câu chuyện gần gũi mà lí thú cũng “rướn tai lên thích chí. Chẳng khác các bạn vừa nghe Sơn Dương kể chuyện xa lạ” cơ mà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.