Giãn cách đến mức nào?

GD&TĐ - Tuần trước, quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh Thái Bình khi mới có 5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đã khiến mạng xã hội xôn xao.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều người cho rằng, đó là quyết định đúng đắn để ngăn dịch lan rộng trước khi quá muộn. Nhưng không ít người khác lại thấy Thái Bình quá thận trọng, thậm chí sợ trách nhiệm bởi quyết định giãn cách khi số ca dương tính còn ít, gây khó khăn cho người dân.

Sau quyết định giãn cách ở Thái Bình, lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao và cụ thể. Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc họp ngày 8/5, yêu cầu nghiên cứu các quy định thực hiện giãn cách xã hội, trường hợp cách ly toàn tỉnh phải báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, “không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá” nhưng cũng không được lơ là mất cảnh giác.

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch ở Hải Dương trước Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành khi thực hiện giãn cách xã hội theo phân cấp phải đảm bảo phạm vi áp dụng gọn nhất có thể, tránh tối đa các tác động bất lợi về kinh tế - xã hội, bảo đảm thông quan hàng hóa, nguyên liệu sản xuất.

Còn nhớ, lệnh giãn cách xã hội ở Hải Dương khi đó đã khiến cả tỉnh đình trệ. Ổ dịch chủ yếu ở Chí Linh, nhưng cả Hải Dương khi đó ùn ứ nông sản không bán được dù đang mùa thu hoạch,  khiến người dân tự phát hô hào giải cứu su hào, bắp cải, giải cứu trứng gà… thu lại hiệu quả không bao nhiêu.

Rồi việc áp dụng “thẻ ra đồng” cho các hộ dân ở Hải Dương khi đó cũng bị chỉ trích là quá máy móc. Đó là những bài học ngay trước mắt đối với nông dân – khu vực dân cư thu nhập thấp, gặp nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Những bài học như thế đang được Chính phủ nghiêm khắc quán triệt. Số ca bệnh đang tăng mạnh những ngày qua, có hôm lên tới 3 chữ số, và đã lan rộng ra 26 tỉnh, thành.

Nhưng hôm 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chưa cần thiết giãn cách xã hội trong cả nước. Phó Thủ tướng cho rằng, với ngành Y tế và những người chống dịch, dễ nhất là đề nghị giãn cách xã hội sớm, khoanh vùng rộng nhất có thể, tuyệt đối cấm người nhập cảnh.

Nhưng chúng ta phải đảm bảo mục tiêu kép là chống dịch và phát triển y tế, điều đó đòi hỏi bản lĩnh của các cấp lãnh đạo, không chỉ là bản lĩnh chính trị mà phải dựa trên cơ sở khoa học – Phó Thủ tướng khẳng định.

Có lẽ Chính phủ, với cơ sở dữ liệu toàn diện của các tỉnh, thành, sẽ thấm thía nhất tác động của đại dịch với người dân. Thiệt hại của từng khu vực kinh tế, từng ngành nghề, từng địa phương ra sao đều được thể hiện rõ. Chi phí phòng chống dịch, chi phí an sinh xã hội hàng nghìn tỷ đã được Chính phủ quyết định chi tiêu.

Sức chịu đựng của nền kinh tế, của hệ thống y tế đã được phác họa rõ. Hình ảnh những đường phố vắng vẻ, những câu chuyện người dân mất việc làm, giảm thu nhập làm mỗi người đau lòng, nhưng khi tổng hợp thành những con số thống kê chính thức đã khiến chúng ta kinh ngạc vì tác động của đại dịch.

Năm ngoái, chúng ta vẫn có thể duy trì tăng trưởng dương, chúng ta là điểm sáng trong phòng chống dịch, nhưng Chính phủ cũng như các đối tác phát triển của Việt Nam đều đã dự báo năm nay sẽ khó khăn hơn nhiều.

Vì thế, dựa trên những kinh nghiệm chống dịch từ hơn một năm qua, các biện pháp chống dịch đang được Chính phủ điều chỉnh dần dần, tiếp cận toàn diện và dựa trên cơ sở khoa học như Phó Thủ tướng nói.

Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, từng bước vững vàng vượt qua đại dịch, từ đó góp phần củng cố nội lực kinh tế đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ