Giảm tủ rượu, tăng tủ sách

GD&TĐ - Trong nhiều gia đình, tủ rượu vẫn là thứ được chú trọng hơn cả - trong khi tủ sách, có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tuần qua, nhiều hoạt động hướng tới ngày sách cũng như chấn hưng văn hóa đọc được khởi động. Theo đó, lễ khai mạc “Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất năm 2022” sẽ được tổ chức tại nhiều địa phương.

Tại đường Nguyễn Huệ (Q.1 – TPHCM), hội sách sẽ diễn ra từ ngày 19/4 đến 24/4. Sau hai năm vắng bóng vì Covid-19, hội sách trở lại với sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản, trưng bày hàng nghìn đầu sách.

Hai năm qua, hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức như giải pháp tình thế trong điều kiện hạn chế tiếp xúc do Covid-19. Đến nay, các hoạt động đã trở lại, nhưng hội sách trực tuyến tiếp tục được tổ chức để lan tỏa văn hóa đọc trên môi trường số.

Tại Đại học Văn hóa TPHCM trong tuần qua cũng diễn ra tọa đàm trực tuyến “Văn hóa đọc - Cơ hội, thách thức và những kiến nghị”. Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra bảng thống kê thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2019. Doanh thu xuất bản tăng 36%, số bản sách phát hành tăng 16%...

Các chỉ số đều tăng, tuy nhiên số sách người Việt đọc đa phần là sách giáo khoa, ít sách văn học, chuyên ngành... Trong hàng trăm triệu bản sách được tiêu thụ, nếu trừ sách giáo khoa và chia lại cho tổng dân số, người Việt tiêu thụ khoảng 1,4 quyển sách/năm - một con số quá ít. Có ý kiến cho rằng, nếu 10 người Việt mà một người đọc 9 quyển, thì những người còn lại không đọc quyển nào.

Việc chấn hưng văn hóa đọc đã được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, công tác này gần như không đạt kết quả nào đáng kể. Người Việt vẫn quan tâm đến tủ rượu hơn là bày tủ sách trong nhà, vẫn thích nhâm nhi rượu hơn là nhẩn nha đọc sách. Quán bia nhiều vô kể và tăng phi mã, trong khi nhà sách – thư viện vốn đã ít ỏi nhưng vẫn vắng bóng người đọc lẫn người mua.

Đọc sách là nét văn hóa đẹp, nhưng nét đẹp ấy đang rất thưa vắng. Thay vì bàn về một cuốn sách, người ta hứng thú hơn khi nghe cách ngâm rượu cao hổ cốt, Minh Mạng thang hay bày nhau bí quyết trang trí tủ rượu sao cho sang trọng. Người trẻ, nhất là học sinh luôn than phiền không có tiền mua sách. Thế nhưng, quán trà sữa hay quán ăn vặt ở các cổng trường cứ nườm nượp vào ra.

Cho nên dễ thấy vấn đề ở đây, với cả học sinh lẫn người lớn vẫn thiếu một môi trường cho văn hóa đọc. Người Việt dễ sa đà vào giải trí mà quên đi nghị lực chinh phục tri thức. Chúng ta thích kiếm tìm niềm vui vụn vặt có tính tạp kĩ, hơn là hứng thú mang tính trí tuệ.

Sau nhiều năm, tâm tính này thành “khối bê tông”. Điều đó lý giải vì sao việc chấn hưng văn hóa đọc lại khó đến thế!

Người lớn ngay từ lúc này, nên nghĩ về tương lai con cháu. Nếu muốn chúng giống mình, thích bia rượu và la cà quán xá – hãy cứ chú trọng tủ rượu và bàn về rượu. Nếu muốn chúng trở thành những người có tri thức, phải giảm tủ rượu và tăng tủ sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ