Trẻ làm quen và đọc sách ở độ tuổi nào tốt nhất?

GD&TĐ - Độ tuổi nào có thể dạy con đọc sách là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh băn khoăn. Phải chăng, chỉ khi bắt đầu biết đọc chữ thì mới nên đọc sách?

Ngoài việc tạo hứng thú, chọn nội dung, cha mẹ cũng nên có một thời gian biểu chung cho cả gia đình đọc sách.
Ngoài việc tạo hứng thú, chọn nội dung, cha mẹ cũng nên có một thời gian biểu chung cho cả gia đình đọc sách.

Có hứng với sách từ khi chưa biết chữ

Nhiều cha mẹ đã đặt ra câu hỏi, độ tuổi nào thì nên cho con đọc sách? Theo nhiều chuyên gia, từ khi con biết đọc chữ, có nghĩa là con có thể đọc sách. Kể cả khi con trưởng thành, cũng có thể bắt đầu đọc sách, nên việc đọc không quy định là độ tuổi nào.

Tuy nhiên, theo TS Đào Thị My – Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Hoa Hồng (Trường CĐSP Trung ương): “Để con hứng thú với đọc sách cần có thời gian, cũng như một quá trình rèn luyện thành thói quen. Chính vì vậy, khi con biết đọc chữ cái, cha mẹ có thể lưu tâm khuyến khích con tìm đến sách báo sớm”.

TS Đào Thị My cũng cho biết thêm, yếu tố quan trọng nhất để con có hứng thú với việc đọc chính là tìm sách báo phù hợp với sở thích, lứa tuổi. Các nguồn để đọc dành cho thiếu nhi có thể là truyện tranh, truyện cổ tích có hình ảnh minh họa, truyện cười, hay các báo, tạp chí dành cho các bé. Đây cũng là cách thức để dẫn dắt con bạn vào việc đọc sách. Vì vậy, hãy đặt mua các tạp chí mà bạn thích với nội dung phù hợp với trẻ nhỏ.

Báo chí là một nguồn tuyệt vời để giúp con hiểu về thế giới thực. Vì vậy, nội dung của sách báo mà bạn chọn cần gần gũi với cuộc sống để con có hứng thú tìm hiểu.

Nhiều gia đình đã định hướng tới các tạp chí có mục dành cho trẻ em. Vì vậy, hãy định hướng cho con bạn vào các mục đó sao cho chúng có thể giải các câu đố, tham gia các cuộc thi. Sau đó, hãy dạy con bạn cách đọc báo, bao gồm cả việc tìm thông tin thích hợp trong các mục khác nhau của tờ báo, như tin tức thế giới, các thông báo công khai, tranh biếm họa, truyện cười…

TS Đào Thị My cũng khuyên rằng, cha mẹ nên hướng dẫn con trong việc đọc phù hợp từng độ tuổi. Với trẻ nhỏ, việc dạy con cách cầm, lật giở trang, gấp sách hay giữ gìn… cũng là một thành công rồi. Khi trẻ lớn hơn, ngoài việc tạo hứng thú, chọn nội dung, cha mẹ cũng nên có một thời gian biểu chung cho cả gia đình đọc sách. Có như vậy, việc đọc mới được duy trì bền lâu.

Nhiều năm liền làm trong ngành Giáo dục từ cô giáo rồi trở thành nhà quản lý, TS Đào Thị My đã có kinh nghiệm quan sát trẻ. Cô cho rằng, nhiều đứa trẻ thường yêu thích đặc biệt một cuốn sách hay truyện nào đó. Cũng giống như khi chưa biết chữ, trẻ được nghe cô giáo hay cha mẹ kể về một câu chuyện và ấn tượng đặc biệt về nó. Cho đến khi biết chữ, trẻ cũng sẽ thích quyển sách truyện đó rất sâu sắc. Ví dụ như Peter Pan, Nàng Bạch Tuyết, Lọ Lem, Thánh Gióng, …

Vì vậy, khi được yêu cầu, cha mẹ hãy đọc đi đọc lại cuốn sách đó cho trẻ. Và đừng nhất thiết phải “ép” con thích quyển sách khác. Thay vào đó, hãy gợi mở những câu chuyện tương tự có liên quan đến sở thích của con để trẻ tò mò muốn nghe hay tìm đọc nó.

TS Đào Thị My cũng cho rằng, cha mẹ là người hiểu rõ về sở thích của trẻ hơn ai hết. Vì vậy, cần phát triển sở thích đó qua việc đọc. Nếu con bạn hiếu động, thích thể thao hay khám phá vũ trụ, nên tìm sách báo liên quan đến lĩnh vực này, thay vì ép con đọc sách theo “mong muốn của cha mẹ”.

Tuy nhiên, việc chọn nội dung từ nguồn đọc cho con cũng cần nghiêm túc và kiểm soát kỹ. Nhất là sách người lớn có nội dung về tình dục hoặc bạo lực không nên được đặt ở trong tầm với của trẻ em. Đồng thời, tránh các cuốn sách có nội dung kinh dị trước lúc đi ngủ, nhất là với trẻ nhỏ.

Cha mẹ cũng không nên đưa ra quy định thưởng, phạt cho việc đọc. Bởi điều này khiến việc đọc sách báo trở lên nặng nề đối với trẻ, thậm chí hình thành tính hơn – thua. Vì vậy, cách tốt nhất là hiểu con thích gì để khơi gợi, kích thích chúng một cách tích cực.

Đừng buồn khi con “chưa thích”

Khi trẻ tiến tới một giai đoạn phát triển, cha mẹ cần hướng con đến việc tự giác đọc sách như một thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, cần phải kiên trì gợi mở cho con hứng thú như chơi một trò chơi mà con yêu thích. Điều này có nghĩa là mong muốn được chơi chứ không phải là việc bắt buộc phải làm.

Theo bà Nguyễn Thùy Dung - tác giả sách “Kỹ năng cho trẻ lên ba”, cha mẹ hãy khen ngợi khi trẻ cầm quyển sách đúng, giữ gìn nó sạch đẹp, cất ngăn nắp sau khi đọc xong. Thậm chí là liên tục hỏi con về nội dung câu chuyện con vừa đọc. Trẻ sẽ thích thú khi được quan tâm trong việc đọc sách và tự giác kể cho bố mẹ nghe lại. Lúc này, cha mẹ hãy “vờ” như chưa đọc, chưa từng biết đến câu chuyện đó để trẻ được thể hiện.

Cũng theo bà Dung, đọc sách cho trẻ từ sớm giúp con coi sách như niềm vui chứ không phải nhiệm vụ. Chính vì vậy, cần chọn lọc cho trẻ những cuốn sách phù hợp với trẻ như sách về con vật và các âm thanh chúng tạo ra. Sách về một chủ đề ưa thích: Ô tô, truyện cổ tích, công chúa. Sách có liên quan đến những trải nghiệm của bé hằng ngày hoặc những cuốn truyện có thể tháo rời, bìa cứng, vẽ tranh hấp dẫn mà con thích,…

Để việc đọc mang lại lợi ích tốt hơn, cha mẹ cũng nên lôi kéo con vào hoạt động đọc sách như khuyến khích bé nói về các bức tranh hay yêu cầu nhắc lại các từ hoặc đoạn truyện quen thuộc mà bé đã đọc. Lúc này, đừng quên ngạc nhiên, khen ngợi khi bé trả lời đúng hay diễn cảm hay về một câu chuyện.

Nhiều cha mẹ than phiền bé không thích đọc và nhất định không chịu đọc sách. Bà Dung cho rằng, không cần quá nóng vội hay buồn bực vì chuyện này, việc đọc sách nên kiên nhẫn.

Người lớn hãy gợi mở cho trẻ tò mò để đọc một cách say sưa, tự nguyện. Và nếu con chưa thích ở thời điểm này không có nghĩa là con sẽ không bao giờ đọc. Chính vì vậy, hãy cùng trẻ trải qua từng thời điểm để chuẩn bị cho một giai đoạn khác thích hợp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.