Giảm tính hình thức trong công nhận giáo viên dạy giỏi

GD&TĐ - Nhiều giáo viên thể hiện sự đồng tình với dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp học mầm non phổ thông; đặc biệt, dự thảo này đã giảm đi nhiều quy định mang tính hình thức so với quy định hiện hành.

Cần đổi mới trong đánh giá giáo viên.
Cần đổi mới trong đánh giá giáo viên.

Bỏ yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm là phù hợp

Cô Trần Thị Nhị - giáo viên Trường THCS thị trấn Trới (Hoành Bồ, Quảng Ninh) - từng tham gia cả 2 hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi. Từ thực tế, cô Nhị nhận thấy, Dự thảo của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm đổi mới.

Với nội dung “Trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy và học, giáo dục học sinh của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang công tác”, cô Trần Thị Nhị cho rằng, không nên quá cứng nhắc, cần linh hoạt hơn trong cách đánh giá.

Đối với nội dung thi giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, điểm mới đáng chú ý là quy định thực hành dạy 1 tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp). Trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất trong công tác giáo dục học sinh của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang công tác (cần có minh chứng kèm theo). Khác với trước đây là yêu cầu mỗi giáo viên viết một sáng kiến kinh nghiệm đổi mới trong công tác giáo dục học sinh.

“Tôi cho rằng, điểm mới trong nội dung thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp tương đối phù hợp. Tôi đồng tình với việc bỏ sáng kiến kinh nghiệm. So với nội dung thi trước đây đã giảm bớt được thời gian chuẩn bị bài dạy cho giáo viên, giảm bớt tính hình thức và thể hiện rõ được năng lực của từng giáo viên qua nội dung báo cáo.

Đối với các biện pháp đưa ra, mỗi giáo viên sẽ có cơ hội để rèn cho mình nhiều kĩ năng: Kĩ năng nghiên cứu, trình bày thuyết phục… Đồng thời cũng thể hiện được nét riêng trong vận dụng phương pháp dạy học, trong tìm tòi, sáng tạo và lựa chọn hướng đi của mình phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện nhà trường và địa phương” – cô Trần Thị Nhị nêu quan điểm.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Đánh giá xác thực nhất năng lực giáo viên

Cô giáo Dương Thùy Linh - Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) – đặc biệt tâm huyết với quy định về công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi, cụ thể là việc thay sáng kiến kinh nghiệm bằng thực hành dạy 1 tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm…

Điểm mới này, theo cô Linh, thực sự sát với tình hình thực tế của học sinh cũng như giáo viên tham gia thi, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Bởi, đây chính là tiết học trải nghiệm giữa cô và trò. Qua tiết học này sẽ bộc lộ năng lực của giáo viên chủ nhiệm trong quản lý cũng như giáo dục đạo đức học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm sẽ là người hướng dẫn, định hướng học sinh qua các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, học sinh sẽ có điều kiện chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với giáo viên về các vấn đề mà bản thân gặp phải trong quá trình học tập và rèn luyện.

Từ đó, cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho học sinh, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, cũng như cố gắng trong các hoạt động khác. “Nói tóm lại, qua tiết trải nghiệm, sẽ không còn khoảng cách giữa cô và trò. Đổi lại sẽ là sự trao đổi, sẻ chia như những người thân trong gia đình” – cô Dương Thùy Linh nhận định.

Đưa ra góp ý cá nhân, cô Dương Thùy Linh cho rằng, khi giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi hay giáo viên chủ nhiệm giỏi, nhà trường tạo điều kiện cả về cơ sở vật chất và thời gian để giáo viên có được bài giảng chất lượng nhất. Ban tổ chức nên công bố kết quả điểm của các phần thi cho giáo viên để có động lực cho phần thi tiếp theo...

Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi là phần thi đánh giá năng lực của giáo viên chủ nhiệm có thể lấy phiếu lấy ý kiến đánh giá của học sinh lớp thầy (cô) đó chủ nhiệm để có đánh giá xác thực nhất về năng lực của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...