Giảm thiểu tác động xấu

GD&TĐ - Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao.

Một trong những nội dung quan trọng trong Công điện số 160 của Thủ tướng Chính phủ là, do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Bởi vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 04 ngày 28/1/2022, Văn bản số 36 ngày 10/2/2022, Văn bản số 07 ngày 22/2/2022 và các văn bản có liên quan, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...

Trên thực tế, từ 15 giờ ngày 21/2, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ năm liên tiếp tính từ tháng 12/2021, đưa giá xăng RON 95 vượt mức “đỉnh” của tháng 7/2014. Giá xăng E5 RON92 chỉ thấp hơn mức “đỉnh” được lập vào thời gian này khoảng 110 đồng/lít và giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng.

Lý do chính được liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra để lý giải cho việc tăng giá vẫn là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới từ ngày 11/2 đến nay tăng gần 6% với xăng, 4 - 5% với dầu.

Lý do này là chính đáng, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, tại cuộc họp diễn ra chiều 9/2 nhằm tìm giải pháp điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm đủ nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, năng lực của các nhà sản xuất và nhập khẩu cung ứng xăng dầu cũng như nguồn dự trữ trong nước vẫn đang đáp ứng đủ...

Và rằng trong lĩnh vực xăng dầu, tinh thần điều hành là “kỷ luật thép” bởi đây là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng nên các đơn vị được cấp phép hoạt động phải có nghĩa vụ và nhiệm vụ chính trị bảo đảm cung ứng. Đơn vị nào đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì rút giấy phép.

Như vậy theo khẳng định của các cơ quan chức năng thì về cơ bản nước ta vẫn hoàn toàn chủ động được nguồn cung xăng dầu. Vấn đề còn lại là công tác điều hành như thế nào để tránh các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội cũng như việc phục hồi kinh tế, dù rằng hiện nay giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới.

Giá xăng dầu tăng cao sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Do đó, điều quan trọng cả trong trước mắt và lâu dài là phải bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong nước.

Mặt khác, các ngành chức năng và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường, tình hình chính trị thế giới có ảnh hưởng đến nguồn cung để có giải pháp ứng phó linh hoạt, giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ