Áp dụng mức xử phạt cao nhất với cơ sở vi phạm về kinh doanh xăng dầu

GD&TĐ - Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, sẽ làm quyết liệt để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho người dân, đặc biệt áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với những cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo trong công điện khẩn ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành giám sát, kiểm tra hơn 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước.

Qua kiểm tra, bước đầu, lực lượng phát hiện có trường hợp các cây xăng đóng cửa, treo biển không bán hàng, như trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình...

Trong quá trình kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã kiên quyết kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao không bán. Cùng với đó, lực lượng cũng tiến hành kiểm tra tận bồn chứa, đo mực xăng, nếu còn bán được mà không bán, lập biên bản, xử lý ngay.

Mặt khác, lực lượng đã kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng rút giấy phép kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu không bán hàng vì lý do không chính đáng.

Thông tin một số nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu, Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, trước hết là do nguồn cung thiếu, không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối.

Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ; do nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Một nguyên nhân nữa là nhiều cửa hàng xăng dầu không có đủ nhân lực để kinh doanh. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng dịch Covid-19, các chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh. Hay nhiều cửa hàng tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng...

Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên cả nước chủ yếu xảy ra tại khu vực miền Nam. Ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh.

Nhằm góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, tới đây, lực lượng sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình thị trường xăng dầu thông qua đường dây nóng của Tổng cục.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng liên ngành của các địa phương kiên quyết, kiểm tra, xử lý các hành vi không bán xăng.

Đối với những trường hợp này, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra tận bồn chứa xăng, nếu còn xăng không bán, sẽ kiến nghị chính quyền địa phương thu hồi giấy phép kinh doanh.

Đáng lưu ý, lực lượng sẽ làm quyết liệt để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho người dân, đặc biệt, áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với những cơ sở vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ