Giảm thiểu rủi ro cho lao động xuất khẩu

GD&TĐ - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) vừa triển khai giáo trình hướng dẫn đào tạo đầu tiên của Việt Nam dành cho người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) với mục đích giảm thiểu rủi ro cho người lao động và tạo điều kiện để họ được hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài.

Giảm thiểu rủi ro cho lao động xuất khẩu

Giáo trình thiết thực và phù hợp

Đến nay, gần 1/4 trong tổng số các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan đã áp dụng giáo trình đào tạo mới do ILO và DOLAB xây dựng có tựa đề “Bồi dưỡng kiến thức cho người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)” kể từ khi giáo trình này được giới thiệu vào cuối tháng 6.

Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng DOLAB, cho biết: “Đây là lần đầu tiên phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp với các nội dung thiết thực và phù hợp với đối tượng là người lao động với trình độ kỹ năng tay nghề thấp được giới thiệu và áp dụng tại 30 doanh nghiệp đưa nhiều lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)”.

Chương trình được kỳ vọng sẽ sớm mở rộng áp dụng rộng rãi tại tất cả các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có thể giảm thiểu rủi ro đối với người lao động, ngăn ngừa tình trạng phá bỏ hợp đồng cũng như giảm số lượng lao động không có giấy tờ hợp pháp tại Đài Loan (Trung Quốc).

Được biết, Đài Loan (Trung Quốc) hiện là thị trường lớn nhất tiếp nhận lao động Việt Nam, chiếm 70% trong tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2015. Trên 130 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ được phép tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc tại thị trường này. Theo đánh giá của doanh nghiệp, việc áp dụng giảng dạy theo phương pháp mới này giúp người lao động được chuẩn bị tốt hơn trước khi đi làm việc ở nước ngoài, giảm thiểu rủi ro, và từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Người lao động cần được tiếp cận đủ thông tin

Vài năm trở lại đây, nhu cầu tiếp nhận loại hình lao động giúp việc gia đình tại thị trường này cũng tăng cao sau khi Đài Loan (Trung Quốc) cho phép tuyển dụng mới lao động giúp việc gia đình và lao động điều dưỡng viên từ Việt Nam vào năm 2015.

Trong nửa đầu năm nay, gần 2.500 lao động Việt Nam được đưa đi làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình tại Đài Loan. Ngoài ra, đánh bắt cá cũng là một ngành thu hút nhiều lao động Việt Nam.

Việc thiếu sự chuẩn bị đầy đủ có thể khiến người lao động gặp phải những rủi ro phát sinh trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài. Những rủi ro này gồm khó khăn khi hòa nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc mới, làm việc trong môi trường độc hại, không được trả lương hoặc được trả không đầy đủ, các điều khoản trong hợp đồng bị thay thế hoặc bị lạm dụng và bóc lột lao động. Vì vậy, cần đến một cách thức hiệu quả để người lao động nắm được đầy đủ thông tin về quyền lợi và được bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Được ILO và DOLAB xây dựng, giáo trình bồi dưỡng trước xuất cảnh mới này gồm thông tin về quyền và trách nhiệm của người lao động, văn hóa, phong tục tập quán, luật pháp và chính sách của vùng lãnh thổ nơi người lao động đến làm việc, cách thức tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cơ chế khiếu nại, hình thức chuyển tiền về nhà, về nước và tái hòa nhập.

Giáo trình này sử dụng phương pháp đào tạo tích cực, tăng cường sự tham gia của học viên gồm thảo luận, hình thành ý tưởng, nghiên cứu các tình huống và đóng vai để thu hút sự chú ý của học viên.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải tổ chức bồi dưỡng trước khi xuất cảnh cho người lao động với thời lượng 74 giờ. Tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã được công nhận tại khu vực ASEAN thông qua các khuyến nghị được đưa ra tại Diễn đàn ASEAN lần thứ 7 về Lao động di cư tại Nay Pyi Taw, Myanmar vào năm 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ