Giảm tải chương trình, thu hẹp khoảng cách về giáo dục

GD&TĐ - Trước khi ban hành Chương trình GD phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã 3 lần chỉ đạo giảm tải chương trình, sách giáo khoa (năm 2006, 2009, 2011). Đồng thời, chú trọng thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.

Ảnh minh hoạ/INT. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)
Ảnh minh hoạ/INT. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)

Theo đó, với các lần thực hiện giảm tải chương trình, sách giáo khoa, có khoảng 360 điểm được điều chỉnh giảm tải ở các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục.

Phần lớn, giáo viên đã biết cách điều chỉnh nội dung và yêu cầu các môn học/hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh trên cơ sở bảo đảm Chuẩn kiến thức, kĩ năng; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, trong đó xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học.

Nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng giảm tải chương trình bảo đảm học sinh được học tập kiến thức cốt lõi, phù hợp với quỹ thời gian học tập trực tiếp; hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch nhà trường linh hoạt, tạo sự chủ động, thuận lợi khi tổ chức học tập theo các hình thức dạy học phù hợp khác. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã triển khai 100% việc tổ chức dạy học các nội dung cốt lõi.

Liên quan đến việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ngành Giáo dục quan tâm chú trọng; Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa để giảm bớt khó khăn cho các em, để các em có cơ hội đến trường.

Hiện nay, mạng lưới trường, lớp vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được củng cố, phát triển. Về cơ bản, tất cả các xã đều có trường mầm non, tiểu học, THCS; tất cả các huyện đều có ít nhất 2 trường THPT. Tỷ lệ huy động trẻ em dân tộc thiểu số 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 98% (tỷ lệ chung 99,8%); tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 96,9% (tỷ lệ chung 98%); tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi cấp THCS đạt 81,6% (tỷ lệ chung 89,2%).

Đặc biệt, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện, tiệm cận dần với chất lượng chung của cả nước. Trong đó, hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT đóng vai trò quan trọng trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của các trường PTDTNT hằng năm đều cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Đã có những học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ