Giám sát nghiêm ngặt công tác chấm thi

GD&TĐ - Ngay khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia 2018, các hội đồng thi trên cả nước đã tiến hành khâu chấm thi, quy trình làm phách, tiến hành chấm bài đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ GD&ĐT.

Công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo sự công bằng với mọi thí sinh
Công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo sự công bằng với mọi thí sinh

Trừ môn Ngữ văn, tất cả các môn thi còn lại sẽ được chấm bằng máy. Với 2 vòng chấm thi độc lập (tự luận); chấm trắc nghiệm bằng máy, đều được giám sát chặt chẽ. Kết quả chấm thi đảm bảo khách quan, công bằng và chính xác.

Quy trình chấm thi chặt chẽ

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, quy định yêu cầu rất khắt khe. Cụ thể, quy trình như sau: Khi Ban Thư ký hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi. Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm. Sau đó, tổ chức chấm chính thức, theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.

Các bài tự luận được thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Lần chấm thứ nhất, bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người. Lần chấm thứ hai: Sau khi chấm lần thứ nhất, thành viên Ban Thư ký hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn chấm thi để bốc thăm cho người chấm lần thứ hai, không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất.

Với bài thi trắc nghiệm, phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Quá trình chấm thi, đều có bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được sửa chữa, thêm bớt. Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi đã quét và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại sở GD&ĐT.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thực hiện nghiêm quy trình chấm thi như vậy, chắc chắn đảm bảo kết quả minh bạch, chính xác. Thêm nữa, việc huy động cán bộ từ trường ĐH, CĐ và lực lượng công an cũng nhằm giám sát để đảm bảo mục đích minh bạch của việc chấm thi này.

Các địa phương đề cao trách nhiệm

Cán bộ chấm thi tập trung chấm môn thi tự luận
Cán bộ chấm thi tập trung chấm môn thi tự luận 

Khẳng định tỉnh Quảng Ninh giám sát chặt chẽ quy trình chấm, đảm bảo công bằng, chính xác, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Nguyễn Văn Tuế, cho biết: "Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã mời 120 giáo viên của các trường THPT trên địa bàn tham gia chấm thi, chúng tôi cũng mời thêm 20 giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ phối hợp cùng. Hiện tại công tác chấm thi được triển khai với độ bảo mật tối đa.

Tại các phòng chấm thi chúng tôi đều bố trí camera giám sát và ghi lại toàn bộ hoạt động chấm thi. Khu vực chấm thi và khu vực làm phách được bố trí riêng biệt. Khu vực chấm thi sẽ có 2 cán bộ công an PA 83 bảo vệ, thời gian từ 17 giờ đến 7 giờ 30 hàng ngày có 2 cảnh sát PC45 và bảo vệ của nhà trường. Trong các buổi làm việc của Ban Chấm thi sẽ có 1 cảnh sát và nhân viên của trường làm công tác bảo vệ. Không chỉ các cán bộ trực tiếp làm công tác chấm thi mà các cán bộ gián tiếp được Ban Chỉ đạo điều động từ các lực lượng khác đều nắm chắc và tuân thủ tuyệt đối quy chế thi”.

Nam Định năm nay có hơn 19.000 thí sinh dự thi, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Chúng tôi đã huy động cán bộ chấm thi tự luận môn Ngữ văn với 120 giáo viên ở các trường THPT trên toàn tỉnh. Để chấm tự luận, chúng tôi mời 50 cán bộ và đã đưa 6 máy quét để chấm bài thi trắc nghiệm. Đảm bảo việc chấm thi nghiêm ngặt, tất cả các phòng chấm thi đều có lắp đặt camera giám sát, được canh gác bởi lực lượng công an, an ninh”.

Còn tại Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, Trần Dũng Long cũng khẳng định tỉnh này đảm bảo việc chấm thi theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ. Theo ông Long: Vĩnh Phúc đã huy động 83 cán bộ, giáo viên để chấm thi bài tự luận. Đồng thời đưa 4 máy tính để chấm bài trắc nghiệm (2 máy làm việc, 2 máy dự phòng) và 2 máy quét bài.

Ông Trần Dũng Long cho biết: Với truyền thống dạy – học tốt, Vĩnh Phúc đảm bảo tổ chức chấm thi nghiêm ngặt bảo đảm đúng quy chế. Các cán bộ làm công tác chấm thi được hướng dẫn chấm cụ thể, chi tiết, từ việc làm phách, việc kiểm tra tình trạng niêm phong của túi đựng bài thi và quy trình chấm. Ngoài cán bộ chấm thi, cán bộ kỹ thuật còn có thanh tra đến từ trường đại học và thanh tra của sở GD&ĐT, lực lượng an ninh PA83.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ