Chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp người dân tiếp cận mức giá tốt, kích thích mua sắm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ô tô đang có xu hướng sụt giảm mạnh.
Giảm thu ngân sách hơn 800 tỷ đồng/tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo nghị định, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%. Nghị định có hiệu lực từ 1/9/2024 - 30/11/2024. Như vậy, việc giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước sẽ kéo dài trong 3 tháng.
Đánh giá tác động về thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, chính sách này làm tăng số lượng tiêu thụ, từ đó làm tăng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng có thể không đủ bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ. Theo tính toán, chính sách có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng.
Đây là năm thứ 4 ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng. Lần đầu tiên là từ nửa cuối năm 2020, sau đó là tháng 12/2021, tháng 5/2022 và lần gần nhất là nửa cuối năm 2023. Các lần giảm phí này đều kéo dài 6 tháng.
Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ đạt 58.165 xe, trong đó, xe du lịch đạt 41.858 chiếc, giảm 21%; xe thương mại đạt 15.915 chiếc, giảm 6% và xe chuyên dùng đạt 392 chiếc, giảm 48%. Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, sản lượng bình quân 1 tháng trong 4 tháng đầu năm 2024 khoảng 14.167 xe/tháng.
Điều đáng nói, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm, thì ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe trong nước.
Việc thực hiện các cam kết FTA cũng gây sức ép trước giá thành, chất lượng của xe nhập khẩu. Theo Bộ Tài chính, đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, cũng như sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Ở những lần giảm 50% lệ phí trước bạ trước, ngay sau khi chính sách hỗ trợ được ban hành, thông thường các hãng sẽ cắt giảm dần các chương trình ưu đãi, khuyến mại, thậm chí bán nguyên giá. Điều này khiến người mua xe không được hưởng lợi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ. Nhưng ở lần giảm lệ phí trước bạ này, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại.
Sau khi có thông tin Chính phủ ban hành Nghị định 109 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, một số hãng xe lắp vẫn giữ nguyên mức ưu đãi hay thậm chí điều chỉnh giảm thêm giá bán xe.
Như thương hiệu Honda, kể từ ngày 1/9, hãng xe Nhật Bản đã điều chỉnh giảm giá niêm yết hai mẫu xe lắp ráp gồm City và HR-V. Trong đó, Honda City giảm từ 40 - 60 triệu đồng còn CR-V từ 60 - 80 triệu đồng.
Tương tự, Toyota Việt Nam đã công bố chính sách giá bán mới. Theo đó từ ngày 1/9, hãng xe này giữ nguyên chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua các mẫu xe lắp ráp gồm Vios, Veloz Cross và Avanza Premio tương tự tháng trước.
Ngoài ra theo tìm hiểu từ đại lý, nhiều mẫu xe lắp ráp của các thương hiệu khác cũng đang giữ nguyên mức ưu đãi giá tương tự như khoảng thời gian cuối tháng 8 mà chưa có sự cắt giảm.
Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang có cơ hội mua ô tô lắp ráp với mức giá tốt nhất khi vừa được hãng giảm giá mà vẫn hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Nhà nước. Người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi khi cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước đều chung tay ưu đãi, hỗ trợ để kích cầu doanh số ô tô.
Anh Minh Hiếu, tư vấn bán hàng của Honda Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ mới có hiệu lực từ ngày 1/9 đã tạo ra một sự gia tăng đáng kể về lượng khách hàng có nhu cầu mua xe tại các đại lý. Ngay cả trong những ngày nghỉ lễ, số lượng khách hàng đến tham khảo và xem xe cũng vượt mức bình thường.
“Thông thường vào các dịp nghỉ lễ sẽ gần như không có khách hàng tới đại lý. Tuy nhiên vào dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua nhờ có hiệu ứng của chính sách giảm lệ phí trước bạ mà số khách hàng tới xem xe đông hơn”, anh Hiếu chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Đăng Quang, nhân viên bán hàng của một đại lý Toyota trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, số lượng khách hàng có nhu cầu mua xe trong dịp lễ năm nay tăng bất thường. Có những khách hàng sẵn sàng xuống tiền đặt cọc xe dù đại lý chưa làm việc trở lại.
Theo anh Quang, trong các dịp nghỉ lễ thường rất ít khách hàng sẵn sàng xuống tiền đặt cọc xe, thay vào đó họ sẽ đợi tới khi đại lý làm việc trở lại. Tuy nhiên, trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa rồi đã có một vài khách hàng chốt đặt cọc xe để có thể nhận xe sớm, đây là tín hiệu tích cực khi mà thị trường ô tô vừa trải qua những tháng ngày trầm lắng.
“Không chỉ các mẫu xe lắp ráp trong nước, nhiều mẫu xe nhập khẩu thuộc các hãng xe cũng được hưởng khuyến mãi giảm giá với số tiền tương ứng 50 - 100% lệ phí trước bạ. Điều này giúp khách hàng hưởng lợi khi các mẫu xe đều giảm giá giúp họ có thêm nhiều sự lựa chọn.
Việc số lượng khách hàng có nhu cầu mua xe tăng mạnh tại các đại lý là tín hiệu đáng mừng, khi mà vào những ngày trước đó thị trường ô tô đóng băng để chờ thông tin giảm lệ phí trước bạ”, anh Quang cho biết.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng; phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.