Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND: Vòng vo và lúng túng

GD&TĐ - Nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực TN&MT được đặt ra rất rõ, thực tế nhưng người đứng đầu ngành môi trường Hà Tĩnh chưa trả lời đúng trọng tâm, còn vòng vo, thể hiện sự lúng túng khiến chủ trì hội nghị phải nhắc nhở, đại biểu phản ứng.

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Vòng vo, chối trách nhiệm?

“Nếu nói khó xử lý vi phạm về môi trường trong khai thác khoáng sản, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu? Thực tế đã kiểm tra, xử phạt, đóng cửa được bao nhiêu mỏ?” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chất vấn người đứng đầu ngành tài nguyên, môi trường tỉnh. Trước câu hỏi này, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh tỏ ra lúng túng: “Báo cáo Chủ tịch HĐND tỉnh nếu doanh nghiệp, cá nhân chỉ mới vi phạm về môi trường trong khai thác khoáng sản thì chưa thể đóng cửa mỏ. Chỗ này đang khoanh lại chứ chưa xử lý được”.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Nhi về tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra tràn lan, nhiều vi phạm nhưng chưa được xử lý rốt ráo, ông Thành cho rằng, đây chính là điểm mấu chốt, bất cập trong quản lý môi trường. Trước khi đưa các mỏ vào hoạt động, doanh nghiệp đều thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, đa số đều vi phạm. Bởi liên quan đến kinh phí về sửa chữa đường, bơm nước để giảm bớt bụi…

Vị giám đốc này cho rằng, ngành quản lý Nhà nước còn khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra, một năm chỉ một lần. Ngoài ra, bất cập trong công tác quản lý ở chỗ, khi đoàn đến kiểm tra, doanh nghiệp thực hiện đúng, sau đó lại lơ là rồi vi phạm. Thực tế này lâu nay chưa thể giải quyết được.

Ông Thành còn “đá quả bóng” trách nhiệm xuống cấp quản lý phía dưới. Cho rằng, trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt cấp xã trực tiếp quản lý phải có kiểm tra và xử lý, sau đó là cấp huyện rồi đến sở. Lâu nay chỉ có nhắc nhở, có một số địa phương xử phạt, nhưng chưa nghiêm, chưa khiến doanh nghiệp sợ và phục.

Tính đến tháng 6/2019, Hà Tĩnh triển khai cấp phép cho 13 mỏ đất san lấp với diện tích 116 ha, tổng công suất 1,3 triệu tấn năm; cấp 10 mỏ cát, diện tích 27 ha với tổng công suất 103 nghìn m3/năm. Theo quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn, dự báo đến 2020 toàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 cát/năm và 4 triệu m3 đất san lấp/năm.

Nhận thấy Giám đốc Sở TN&MT trả lời vòng vo, thiếu trọng tâm, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đặt câu hỏi: “Nếu nói khó xử lý vi phạm về môi trường trong khai thác khoáng sản, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu? Thực tế đã kiểm tra, xử phạt, đóng cửa được bao nhiêu mỏ”? ông Thành đáp: “Liên quan đến số liệu của từng mỏ thì...”. Chủ trì lại ngắt lời: “Đóng cửa được bao nhiêu mỏ vi phạm về môi trường, chỉ cần trả lời bao nhiêu? Chưa thì cứ trả lời là chưa. Vậy, quản lý Nhà nước ở đâu?”.

Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, chiếu theo quy định của pháp luật nếu doanh nghiệp vi phạm trong bảo đảm công tác môi trường thì chưa thể đóng cửa mỏ. Không hài lòng về câu trả lời, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tiếp tục chất vấn: “Vi phạm môi trường là phải xử lý nghiêm. Chúng ta không thể đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Dự án Formosa vi phạm môi trường, chúng ta bắt cam kết, nếu vi phạm nghiêm trọng mà không khắc phục là vẫn đóng cả nhà máy”.

“Hàng loạt mỏ khoáng sản tại tỉnh mới chỉ dừng lại mức độ khai thác bình thường, mà chúng ta không thể kiểm tra, xử lý và đóng cửa mỏ. Chả nhẽ bó tay. Chấp nhận doanh nghiệp vi phạm về môi trường. Theo tôi như vậy là hoàn toàn không được. Chưa làm là phải làm” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Lúc này, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành chỉ biết hứa là thời gian tới sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các mỏ hoạt động trái quy định. Ngành môi trường sẽ báo cáo đầy đủ với thường trực sau.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh Hồ Huy Thành
  • Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh Hồ Huy Thành

Giá vật liệu xây dựng tăng vọt?

Cũng tại buổi chất vấn, một số đại biểu nêu vấn đề, thời gian qua, việc cấp phép khai thác khoáng sản còn tràn lan, quy hoạch không được sự đồng thuận của nhân dân. Giá đất, cát, sỏi, đá “bỗng” tăng vọt khiến người dân, các dự án công trình lâm vào thế bí vì cung - cầu không cân xứng. Thậm chí, đại biểu còn chỉ rõ, nhiều công trình phải dừng xây dựng, nguồn cát phải dựa vào Quảng Bình, Nghệ An. Vô lý nhất là dựa vào cát “lậu”. Vậy lỗi này do sự điều hành của UBND tỉnh hay do tham mưu của Sở TN&MT?

Ông Hồ Huy Thành cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là “việc cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động, ảnh hưởng của các công trình xây dựng mới”.

“Cấp phép đối với cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 3,5%; đất san lấp là 32% nhu cầu. Việc cấp phép chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động; Ảnh hưởng của các công trình xây dựng dày đặc; Sự ra quân quyết liệt của công an tỉnh, các địa phương trong việc siết chặt hoạt động khai thác vật liệu xây dựng trái phép… là những nguyên nhân đẩy giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian vừa qua”, ông Thành lý giải.

Cũng theo báo cáo, hiện có 95% đơn vị khai thác cát đang tạm dừng hoạt động để thay đổi phương án khai thác, điều chỉnh, bổ sung các trang thiết bị khai thác mới. Về giải pháp xử lý, theo ông Hồ Huy Thành, “tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá các mỏ nằm trong quy hoạch; hoàn thành bổ sung quy hoạch 21 mỏ đất san lấp; 2 mỏ cát tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên và ra quân xử lý triệt để tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép”.

Trước thực trạng thiếu nguyên liệu về xây dựng, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Tình trạng mất cân đối cung cầu vật liệu xây dựng thời gian qua, đề nghị các đơn vị liên quan cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình. Nhận thức nghiêm túc, đánh giá đồng bộ để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho người dân. Đồng thời đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, mạnh dạn cấp mỏ đúng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...