Giáo viên đảm nhận quá nhiều vai
Tại Hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 lần thứ nhất năm học 2016 – 2017 của 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ được tổ chức ở Đà Nẵng mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Chúng tôi thống kê lại trong hai năm gần đây, cứ trung bình 4 tháng thì ở Hà Nội lại có một vụ HS mầm non bị bạo hành, riêng thời gian gần đây thì xảy ra liên tiếp nhiều vụ”.
Nói về tình trạng trẻ mầm non bị bạo hành, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, trước hết là do không có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ quản lý tại cơ sở mầm non nơi xảy ra bạo hành; khâu đào tạo, tuyển dụng giáo viên cũng có vấn đề.
Cô Thư Trâm cũng nhấn mạnh đến áp lực công việc của giáo viên mầm non (GVMN). Có một nhận xét rất hóm hỉnh rằng “GVMN chưa làm vợ đã phải làm mẹ”. Thế nhưng, ngoài vai “làm mẹ” ra, GVMN còn phải đảm nhận nhiều vai khác: vừa là bác sĩ, vừa là họa sĩ, ca sĩ, diễn viên múa… Là một công việc đòi hỏi kỹ năng, tay nghề khá cao, thậm chí còn mang tính đặc thù bởi phải dựa trên sự phát triển của từng đứa trẻ để dạy, GVMN hiện nay còn phải chịu rất nhiều áp lực khác như giờ giấc, trách nhiệm đối với sự an toàn của trẻ…
Công việc của một GVMN không chỉ đơn thuần là dạy mà còn chăm sóc và nuôi dưỡng cháu. Bậc tiểu học, của học sinh bán trú còn có bảo mẫu lo chuyện ăn, chuyện ngủ trong khi GVMN phải đảm nhận hết tất cả mọi công việc. HS lớp nhỡ, lớp lớn (4 - 5 tuổi) còn có thể phụ giúp cô một số công việc như tự thay quần áo, vệ sinh tay chân, chăm sóc bản thân chứ với lớp mầm và nhà trẻ thì GV phải làm tất: từ cho cháu ăn, thay yếm, thay áo quần, làm vệ sinh khi trẻ đi tiểu tiện.
Đó là chưa kể, trẻ khóc nhè dai dẳng, trẻ ị trong quần, ói sau khi ăn hoặc uống sữa… GV còn phải ứng phó với những tình huống bất thường khi cháu ăn, cháu ngủ mà không có chuyên môn nghiệp vụ, không thể giải quyết được.
Những đặc điểm riêng của trẻ như ăn chậm, ngậm thức ăn không chịu nhai, chỉ ăn khô… phụ huynh cũng nhờ cô uốn nắn, điều chỉnh để cháu thích ứng được. Cháu ốm, phụ huynh cũng mang thuốc đem đến nhờ cô cho uống. Ở nhà, bố mẹ xoay xở với hai đứa con nhỏ là đã rất chật vật rồi; còn ở trường, sĩ số “lý thuyết” của mỗi lớp học là 30 cháu/hai cô, nhưng trên thực tế, con số thấp nhất là 35 cháu, thậm chí có khi lên đến 50 cháu nên áp lực của cô giáo, vì thế là rất căng thẳng.
Nỗi ám ảnh trẻ tăng cân
Đại diện Nhóm lớp độc lập tư thục Ngôi nhà tuổi thơ (Đà Nẵng) thì cho rằng: “Nếu không có áp lực trong giờ ăn, GV không bị ám ảnh bởi việc tăng cân của trẻ, không phải ép trẻ ăn thì thường rất ít khi xảy ra bạo lực. Chính vì vậy, khi nhận trẻ, chúng tôi bao giờ cũng trao đổi với phụ huynh về áp lực tăng cân của trẻ cũng như quan điểm chăm sóc, nuôi dưỡng của chúng tôi.
Trong bữa ăn, chúng tôi chia thức ăn thành từng phần nhỏ chứ không để quá nhiều, GV kiên trì tập cho các cháu tự xúc ăn, biến giờ ăn thành một hoạt động thì các cháu sẽ rất hứng thú, GV vì vậy cũng “nhàn” hơn. Khi có trẻ mới thì lớp đó sẽ được hỗ trợ thêm người vì thường là mấy ngày đầu, phải mất một cô giáo để tập cho trẻ làm quen với môi trường mới. Chúng tôi cũng tự đảm nhận phần trang trí lớp học để các GV đỡ vất vả”.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm cho biết, trong các cuộc họp Hội đồng sư phạm, BGH nhà trường thường tổ chức cho GV xem các clip, bài báo liên quan đến bạo hành trẻ mầm non, đọc luôn cả những lời bình luận, đề nghị GV đặt mình ở vị trí của phụ huynh và phát biểu suy nghĩ của mình.
“Nhờ những buổi sinh hoạt ngoại khóa về các tình huống ứng xử sư phạm dành cho giáo viên cũng đã phần nào giúp cảnh tỉnh các cô giáo có cách hành xử đúng với trẻ. Và mỗi lần có thái độ không đúng với trẻ, cũng chùn tay… Nhờ vậy, GV của trường rất hiếm khi đụng tay chân với trẻ”.
Là địa bàn có nhiều nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình của Đà Nẵng, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng như các kiến thức chăm sóc, sơ cứu cho trẻ cho các nhóm lớp độc lập tư thục.
Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu - cho biết: “Phòng GD&ĐT cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, để ngay khi phát hiện họ còn thiếu, yếu ở điểm nào là yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Lực lượng chúng tôi còn quá mỏng, phòng GD&ĐT chỉ có 3 cán bộ quản lý mảng mầm non, nên chúng tôi “cậy nhờ” các ngành liên quan, và địa phương cùng chung tay với chúng tôi trong công tác quản lý. Những nhóm trẻ dưới 7 cháu sẽ giao cho phường quản lý.
Chúng tôi cũng tận dụng các cán bộ quản lý của các trường mầm non công lập trên địa bàn giúp đỡ các nhóm trẻ. Bên cạnh đó, cũng tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời những nhóm trẻ gia đình làm tốt, để họ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình”.