Đáng chú ý là việc ban hành Chỉ thị nói trên góp phần giảm áp lực đối với các khoản chi vào đầu năm học mới.
Chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng SGK
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết: Các cơ sở giáo dục đã hoàn thành lựa chọn SGK; hoàn thành thống kê số lượng, từ đó phối hợp với các nhà xuất bản để bảo đảm cung ứng đủ SGK trong năm học mới. Chỉ thị Bộ GD&ĐT ban hành do đó phù hợp, kịp thời; là cơ sở để các nhà trường phối hợp tốt với cha mẹ học sinh (HS); tạo sự công khai, minh bạch, tránh gây áp lực về các khoản chi vào đầu năm học mới.
Chỉ thị đồng thời tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp chủ động tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại cơ sở. “Tại An Giang, hằng năm sở GD&ĐT đều có văn bản triển khai đến các cơ sở giáo dục về việc sử dụng, khai thác SGK. Theo đó, thông qua giáo viên chủ nhiệm, bộ môn để thường xuyên hướng dẫn HS sử dụng, bảo quản SGK khoa học, lâu bền. Đồng thời, hướng đến việc HS để lại SGK cho các em nhỏ trong gia đình tiếp tục sử dụng, hoặc tặng lại cho thư viện trường để hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn” - ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.
Cũng nhận định việc Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK, sách tham khảo thời điểm này là phù hợp, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết: Trường THPT Phú Bài đã ban hành quyết định lựa chọn SGK và thông báo rộng rãi cho phụ huynh, HS, xã hội. Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh đầu năm, tổ hợp các môn tự chọn, nhà trường phối hợp với sở GD&ĐT, nhà xuất bản để có giải pháp cung ứng, bảo đảm HS có đủ SGK trước khi vào năm học mới. Bước đầu, nhà trường bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên, nguồn khuyến học trang bị một số đầu SGK, sách tham khảo, bảo đảm cho việc dạy và học của giáo viên, HS.
Có ý kiến tương tự, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang), cho rằng: Năm học kết thúc cũng là lúc phụ huynh chuẩn bị dụng cụ và tài liệu học tập, SGK... cho trẻ bước vào năm học mới; do đó Chỉ thị của Bộ GD&ĐT ban hành rất kịp thời. Trường THCS Quản Cơ Thành đã hoàn tất khâu chọn sách. Nhà trường đồng thời thông tin đến HS, phụ huynh danh mục SGK sử dụng tại trường (qua phiên họp phụ huynh HS cuối năm; chuyển Quyết định chọn sách và danh mục SGK đến các trường tiểu học nhờ tuyên truyền đến HS, phụ huynh HS khối lớp 5; truyền thông qua hệ thống thông tin của địa phương…).
Chia sẻ về giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng SGK, cô Lê Thị Ngọc Dung thông tin: Hằng năm nhà trường đều triển khai phong trào tặng SGK đã sử dụng cho thư viện nhằm giáo dục HS tinh thần chia sẻ, biết tiết kiệm, biết bảo quản sách và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK. Bên cạnh đó, nhà trường trang bị, mua thêm khoảng 20% số SGK trên tổng số HS cho thư viện trường để hỗ trợ HS nghèo, cận nghèo và HS có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách. Mặt khác, để bảo đảm tất cả HS có SGK, đặc biệt với khối lớp học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vào đầu năm học giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh từng em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, như mượn từ thư viện, tổ chức nuôi heo đất giúp bạn…
Loạn sách tham khảo: Trách nhiệm thuộc về ai?
Quy định cấm ép buộc, vận động HS, học viên hoặc cha mẹ HS, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào được Bộ GD&ĐT ban hành từ lâu. Trong Chỉ thị về việc sử dụng SGK, sách tham khảo cũng nhấn mạnh việc các cơ sở giáo dục không được vận động HS, hoặc cha mẹ HS, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để HS, phụ huynh HS mua và sử dụng. Tuy nhiên, thực trạng một số cơ sở giáo dục yêu cầu HS mua những đầu sách không bắt buộc vẫn diễn ra.
“Để xảy ra chuyện này, trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu nhà trường”. Cô Lê Thị Ngọc Dung nhấn mạnh và cho rằng: Cần có danh mục SGK tối thiểu yêu cầu HS phải có. Việc bộ phận chuyên môn nhà trường (tổ chuyên môn) thảo luận tìm thêm những đầu sách tham khảo phù hợp, hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập của HS để giới thiệu cho HS, cha mẹ HS vẫn cần thiết; nhưng tuyệt đối không bắt buộc HS mua. HS nào có khả năng tự học, có điều kiện về kinh tế thì tự trang bị. Ngoài ra, nhà trường nên trang bị cho thư viện trường các đầu sách này để HS, giáo viên có thể mượn sử dụng khi có nhu cầu.
Đồng quan điểm, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (TP Huế), cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là của nhà trường. “Nếu người đứng đầu nhà trường quyết liệt làm đúng các quy định, tôi tin rằng tình trạng trên không thể xảy ra”, thầy Minh nhấn mạnh.
Trước phản ánh tình trạng một số cơ sở giáo dục trong cả nước yêu cầu HS mua đầu sách không bắt buộc, ở góc nhìn cá nhân, ông Trần Tuấn Khanh nhận thấy một phần nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức thực hiện; vì chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lý (Trung ương, tỉnh, địa phương) cơ bản kịp thời và đầy đủ. Vấn đề là người đứng đầu các cơ sở giáo dục “có biết” về các chỉ đạo, hướng dẫn này; khi biết rồi thì có nắm chắc, hiểu đúng để tổ chức thực hiện đúng quy định hay không.
Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền song song với kiểm tra, giám sát, kịp thời phòng ngừa những sai sót có thể xảy ra. Ngoài ra, sở/phòng GD&ĐT cần tạo các kênh tiếp nhận thông tin, bảo vệ và khuyến khích cha mẹ HS mạnh dạn phản ánh nếu phát hiện cơ sở giáo dục yêu cầu/ép buộc mua sách tham khảo, hay đóng các khoản chi phí không bắt buộc.