Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024.

Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu.
Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu.

Việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu phần nào đã tạo ra “cơn gió mát” với doanh nghiệp, người dân khi giảm áp lực về chi phí trong sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống.

Ngân sách “hụt” hơn 38.000 tỷ đồng

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024. Mức giảm thuế tương đương 50% biểu khung thuế và đang được áp dụng từ tháng 4/2022.

Theo đề xuất của Chính phủ, năm 2024, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; với nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; với dầu hỏa 600 đồng/lít. Khi giảm thuế này, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 - 2.200 đồng/lít (đã gồm thuế GTGT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng/lít.

Từ 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít.

Về tác động của chính sách, Chính phủ cho biết ngân sách Nhà nước ước giảm thu bình quân mỗi tháng (đã gồm thuế GTGT) khoảng 38.924 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024, sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng thêm 0,36 - 0,54 điểm phần trăm. Ngược lại, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.

Việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.

Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trường hợp giá giảm, cơ quan này sẽ cùng các cơ quan đề xuất, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án áp thuế phù hợp.

Hiện nay, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ ngày 1/4/2022. Hiện mức thuế này vẫn đang được giảm 50%, tương ứng 2.000 đồng/lít xăng (trừ ethanol) và 1.000 đồng/lít dầu diesel. Tuy nhiên, chính sách trên sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.

Góp ý về việc giảm thuế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự đồng tình với nội dung của dự thảo nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024 mà trước đó Bộ Tài chính đưa ra.

Theo cơ quan này, việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp “dễ thở”

Đánh giá về động thái giảm giá xăng dầu mới đây, ông Trần Quang Chung - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí CKC cho biết, sau thời điểm dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì giá xăng dầu là một phần chi phí lớn trong vận chuyển, hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu cao có thể khiến doanh nghiệp thêm… oằn vai.

“Việc xăng giảm doanh nghiệp mừng, nhưng điều đáng quan tâm bây giờ là sự ổn định về giá như thế nào sau đợt giảm này mới là quan trọng. Bởi, xăng tăng giảm các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị điều chỉnh giá bán sản phẩm dịch vụ lên xuống mới được duyệt, nhưng có khi vừa được duyệt giá xăng lại điều chỉnh tăng khiến khó lựa chọn giá thành phẩm. Giờ giá xăng dầu điều chỉnh giảm sẽ phần nào chịu sức ép điều chỉnh giảm giá bán”, ông Chung chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Minh Bách - Trưởng ban Cố vấn Công ty Hasme, những biến động tăng, giảm của giá xăng, dầu sẽ có tác động rất lớn tới chi phí vận tải, logistics, giá hàng hóa... Yếu tố này vô hình chung khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó, đặc biệt là những hậu quả của dịch bệnh Covid-19.

Do đó, doanh nghiệp đồng tình cao và rất phấn khởi với sự hỗ trợ từ Chính phủ về giải pháp giảm giá xăng dầu từ nguồn giảm thuế bảo vệ môi trường. Đây là sự hỗ trợ tích cực, rất thiết thực từ Chính phủ để doanh nghiệp phần nào đỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay và người tiêu dùng đỡ khó khăn hơn, nhất là các công nhân nghèo và thu nhập thấp.

Ông Huỳnh Minh Bách cũng khẳng định, với giá xăng dầu giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và giá cả tiêu dùng sẽ giảm. Qua đó, đời sống sinh hoạt của người dân đỡ khó khăn hơn, góp phần phát triển kinh doanh của ngành du lịch, vận tải nói riêng, các ngành khác sẽ giảm chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh.

“Xét một cách tổng thể, điều này cũng là một yếu tố góp phần giảm chi phí sản xuất, chi phí vận hành của doanh nghiệp, từ đó giúp kiềm chế lạm phát, tạo sự ổn định và đà phát triển cho nền kinh tế.

Trong tình hình khó khăn chung của thị trường toàn cầu, động thái này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ để chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua nhiều thách thức”, Trưởng ban Cố vấn Công ty Hasme thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.