“Ngóng” hướng dẫn
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, “chốt” giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3; thời gian gia hạn không muộn hơn 31/12.
Tuy nhiên, trong Nghị quyết chưa ấn định rõ thời gian áp dụng việc giảm phí trước bạ. Thời gian áp dụng tùy thuộc vào thời điểm Thủ tướng ký ban hành nghị định mới.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định đang trong giai đoạn xây dựng. Hiện cơ quan này đang tiến hành việc xây dựng dự thảo nghị định riêng để tạo hành lang pháp lý cho việc giảm lệ phí trước bạ khi mua ôtô lắp ráp trong nước, sau đó sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Trong Nghị quyết 84/NQ-CP, Chính phủ cho phép làm các thủ tục rút gọn để sớm đưa chính sách vào cuộc sống.
"Thủ tục rút gọn vẫn phải xin ý kiến một số Bộ, ngành chủ yếu và vẫn phải xin ý kiến hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp", ông Thi cho hay.
Ông Phạm Đình Thi thông tin thêm, hiện dự thảo Nghị định giảm phí trước bạ này đang được xin ý kiến trong nội bộ Bộ Tài chính.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thông thường việc xin ý kiến ban hành Nghị định từ các Bộ, ban ngành trong thời hạn 3 đến 5 ngày. Trong quy định của thủ tục rút gọn như hiện nay, xin ý kiến của Bộ Tư pháp cũng giới hạn trong 7 ngày. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành làm trên tinh thần "khẩn trương".
"Tôi chưa khẳng định được bao giờ ban hành, bởi vì còn phải xin ý kiến của các Bộ cho ý kiến có nhanh hay không, sau đó lấy ý kiến của hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp. Chúng tôi không thể quyết được công việc của các Bộ khác", Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết.
Chậm một ngày cũng là thiệt hại lớn
Thông tin về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là "liều thuốc" kích thích thị trường xe vốn rơi vào trạng thái ảm đạm do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc chưa rõ thời gian áp dụng giảm phí trước bạ hiện đang khiến thị trường xuất hiện tâm lý nghe ngóng, chờ đợi của nhiều khách hàng mua xe ô tô.
Theo tính toán, khi lệ phí trước bạ giảm 50% (về mức 5-6%), người dùng có thể tiết kiệm vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để một chiếc ô tô "lăn bánh". Cụ thể, đối với dòng xe giá rẻ, được lắp ráp trong nước như Kia Morning, Hyundai i10 có giá từ 290 triệu đến 400 triệu đồng, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp chi phí lăn bánh giảm hàng chục triệu đồng. Còn đối với các dòng xe đắt tiền hơn như VinFast, Mecerdes-Ben với mức giá trên dưới 2 tỷ đồng, người mua sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tuỳ từng mẫu.
Ví dụ: với Toyota Vios, giá lăn bánh sẽ giảm từ 23-35 triệu đồng tùy theo phiên bản và địa phương đăng ký; với Mazda3, giá lăn bánh sẽ giảm 36-55 triệu đồng; với VinFast, dòng Fadil có thể giảm 20-24 triệu đồng, dòng VinFast Lux A2.0 có thể giảm khoảng 55-73 triệu đồng; dòng SUV VinFast Lux SA2.0 có thể giảm 79-100 triệu đồng…
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho hay, việc Chính phủ ra Nghị quyết giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước mới chỉ là định hướng. Việc hướng dẫn thực hiện cụ thể sẽ còn phải chờ Bộ Tài chính. Thời gian ban hành nghị định mới có khi vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài vài tháng tùy thuộc vào cơ quan soạn thảo.
Ông Đức cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ, nếu chậm một ngày cũng là thiệt hại lớn. Nguyên nhân vì khác với chính sách miễn giảm khác, nhanh chậm một chút vẫn được hưởng, chủ trương này đã được Chính phủ thông qua, nhưng khả năng là vẫn phải nộp đủ lệ phí trước bạ cho đến ngày nào có Nghị định chính thức. Do đó, người mua xe hiện nay đều dừng lại để chờ đợi được giảm 50% lệ phí trước bạ khiến sản xuất cũng bị ách tắc, hoạt động buôn bán phân phối cũng tạm ngưng.
“Nếu quy định này 1-2 tháng nữa mới có thì sẽ gây thêm lực cản, sức ỳ cho nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn cần gấp rút phục hồi. Một quy định để kích thích tiêu dùng không kịp thời có thể ngược lại, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và chính tiêu dùng. Chính sách tốt nhưng chậm ngày nào cũng gây mất mát lớn cho nền kinh tế cả nước”, ông Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Chính phủ đã đồng ý nhưng người dân, doanh nghiệp trên cả nước phải chờ và chưa biết thời gian cụ thể là chưa thể hiện đúng tính khẩn cấp của chính sách. Hơn nữa, chính sách giảm giá này đã được Chính phủ nêu rõ chỉ thực hiện đến ngày 31/12/2020. Nếu như nghị định chi tiết kéo dài đến 2 - 3 tháng sau mới ban hành thì thời gian thực hiện còn lại không nhiều, không thể phát huy được hiệu quả như mong muốn.
“Phí trước bạ được Chính phủ quyết định giảm 50%, giờ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng là làm sao đưa ra văn bản kịp thời, khẩn trương. Càng kéo dài lâu càng khiến hiệu quả của chính sách không cao mà người dân càng bị mất niềm tin vào quyết sách của Chính phủ sau này. Trong bối cảnh này, nếu làm không kịp thời, chậm trễ thì cần lên án, Chính phủ cần có chế tài, biện pháp xử lý", PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.