Ở mức độ trung bình và nặng, ngoài thuốc uống và bôi, cần lưu ý khi chăm sóc để tránh để lại hậu quả sau mụn.
Ngứa ngáy, xấu hổ vì mụn
Xuất hiện những nốt mụn đầu tiên vào năm 11 tuổi, Nguyễn Tâm Anh, học sinh lớp 10TN1, Trường THPT Gia Định (TPHCM) chia sẻ, thời điểm đó, em cảm thấy rất xấu hổ, tự ti và ngại giao tiếp.
“Em có đi thăm khám và uống thuốc kê đơn của bác sĩ da liễu, tình hình mụn có giảm, nhưng thời gian gần đây lại lên nhiều, cảm giác ngứa ngáy khó chịu hơn”, Tâm Anh chia sẻ.
ThS.BS Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu (TPHCM) nhận định, mụn trứng cá ở tuổi dậy thì là điều bình thường, nhưng nếu chăm sóc không đúng cách sẽ để lại những vết sẹo rỗ hoặc sẹo lồi. Bệnh viện Da liễu TPHCM một năm tiếp nhận hơn 100 ngàn người đến điều trị mụn, trong đó có khoảng 50 ngàn ca ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
“Có rất nhiều dạng mụn khác nhau: Mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn viêm, mụn mủ. Sâu dưới da có nang bã, khi hormone thay đổi sẽ kích thích tuyến bã tăng sinh phát triển tạo nên bít tắc, vi khuẩn sẽ phát triển thành mụn. Biểu hiện bình thường là mụn trứng cá, nhưng tùy theo diễn tiến giai đoạn của mụn mà có nhiều dạng mụn khác nhau”, BS Quân cho hay.
BS Quân cho biết thêm, các bạn trẻ đang còn ở lứa tuổi dậy thì không cần quá lo lắng về mụn, vì đây là vấn đề có thể giải quyết được. Việc cần quan tâm đó là điều trị đúng cách và sớm để không để lại những vết sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo thâm.
Học sinh Trường THPT Gia Định tham gia chuyên đề 'Chăm sóc da mụn đúng cách'. |
Truyền thông chăm sóc da cho học sinh
Với mong muốn học sinh có kết quả học tập tốt, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, bà Hoàng Thị Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) cho biết, nhà trường luôn cố gắng đồng hành cùng các em trong việc chăm sóc da mặt qua các chuyên đề ngoại khóa. Những chuyên đề thiết thực và ý nghĩa liên quan đến y tế học đường sẽ giúp các em có thể biết cách phòng, ngừa và chăm sóc da đúng cách.
“Khi tự tin về ngoại hình, học sinh sẽ chủ động hơn, hòa nhập và tham gia hoạt động ở các câu lạc bộ của lớp, của trường nhiều hơn, từ đó tiếp cận được nhiều cơ hội. Nhà trường sẽ cố gắng đẩy mạnh những chuyên đề giáo dục để đồng hành cùng các em trong vấn đề học tập và vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì”, bà Vân nhấn mạnh.
Ngoài việc thăm khám và điều trị tại bệnh viện, BS Quân cho biết, rất vui khi được tham gia các chuyên đề tại các đơn vị trường học.
Theo BS Quân, mục tiêu của điều trị mụn ở tuổi dậy thì là hết bị mụn, nhưng không để lại những vết thâm, những vết sẹo thiếu thẩm mỹ. “Một số bạn ý thức được hậu quả mà mụn để lại nên chủ động thăm khám sớm, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chủ quan, tự lên mạng tìm các phương pháp truyền miệng, dân gian như bôi rượu, tự peel da tại nhà. Việc làm này không thể giảm mụn mà còn gây nên tình trạng mụn nặng hơn, thậm chí viêm, nhiễm và bỏng, cháy da”, BS Quân lưu ý.
Thực tế, chăm sóc mụn không đúng cách sẽ để lại hậu quả khôn lường, có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ trên gương mặt. Có rất nhiều em sau khi bị mụn đã phải sử dụng các phương pháp thẩm mỹ như lăn kim, tiêm meso… Thẩm mỹ là một quá trình dài đòi hỏi người chăm sóc phải kiên trì. Vì vậy, việc hướng dẫn học sinh phòng, chống và chăm sóc mụn đúng cách là điều cần thiết.
Theo chuyên gia y tế, khi bước vào tuổi dậy thì, học sinh chỉ cần thực hiện theo các bước chăm sóc da cơ bản như: Rửa mặt, chống nắng và dưỡng ẩm. Những vết mụn thường có khả năng bắt nắng cao, đó là lý do mụn thường để lại những vết thâm. Ngoài chế độ chăm sóc da đúng cách, mỗi em cần sinh hoạt và ăn uống phù hợp; không nên thức quá khuya hoặc ăn những thức ăn nóng, cay hoặc ngọt…
“Các em cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và trái cây, đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế sử dụng chất kích thích; có chế độ nghỉ ngơi phù hợp, kiểm soát căng thẳng tốt. Đặc biệt, khi da xuất hiện tình trạng mụn, tuyệt đối không thực hiện theo các cách trên mạng mà nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm, khám và điều trị đúng cách”, BS Quân lưu ý.
Lứa tuổi dậy thì và những người da dầu là những trường hợp dễ gặp phải mụn trứng cá. Mụn trứng cá hình thành do những nang lông trên da bị tắc nghẽn bởi sự tăng tiết dầu và những tế bào da chết. Bất cứ vùng da nào cũng có thể xuất hiện mụn trứng cá nhưng vùng da mặt, trán, lưng, ngực, vai là dễ bị mụn nhân, vì đây là những vị trí có nhiều tuyến dầu.